Báo Đồng Nai điện tử
En

Vùng quýt Núi Tượng bị thu hẹp

10:12, 11/12/2016

Cây quýt đường từng là một trong những cây trồng chủ lực giúp nhiều nông dân ở xã miền núi Núi Tượng (huyện Tân Phú) đổi đời. Tuy nhiên, những năm gần đây diện tích trồng quýt ở đây lại ngày càng sụt giảm.

Cây quýt đường từng là một trong những cây trồng chủ lực giúp nhiều nông dân ở xã miền núi Núi Tượng (huyện Tân Phú) đổi đời. Tuy nhiên, những năm gần đây diện tích trồng quýt ở đây lại ngày càng sụt giảm.

Người lao động chăm sóc vườn quýt của gia đình bà Nguyễn Thị Bạch Xuân ở ấp 6B, xã Núi Tượng (huyện Tân Phú).
Người lao động chăm sóc vườn quýt của gia đình bà Nguyễn Thị Bạch Xuân ở ấp 6B, xã Núi Tượng (huyện Tân Phú).

Tổng diện tích trồng quýt của xã đã giảm mạnh trong vòng 6 năm qua, từ 141 hécta năm 2010 xuống còn 37 hécta vào cuối tháng 11-2016. “Toàn xã đã giảm gần 80% diện tích trồng quýt so với trước đây. Bây giờ chỉ còn tập trung ở khu vực ven sông Đồng Nai thuộc 2 ấp 6A và 6B nhưng diện tích không nhiều, nằm rải rác” - ông Phạm Đức Kiên, Phó chủ tịch UBND xã Núi Tượng, cho biết.

Đất trồng bị thoái hóa

Từng sở hữu gần 30 hécta trồng quýt đường, nhưng 2 năm gần đây gia đình bà Nguyễn Thị Bạch Xuân ở ấp 6B, xã Núi Tượng chỉ còn giữ lại khoảng 2 hécta. Trước đây khi quýt vào đợt cao trào, được thị trường ưa chuộng (từ năm 2005-2010), trung bình mỗi năm bà Xuân thu hoạch khoảng 500-700 tấn, cá biệt có những năm trúng mùa, năng suất đạt đến trên 1 ngàn tấn. “Một trong những nguyên nhân khiến diện tích quýt thu hẹp do đây là khu vực ven sông, chủ yếu là đất pha cát. Sau khi trồng được vài năm thì đất thoái hóa dần, không còn phù hợp với cây quýt. Cây dễ bị vàng lá, cho năng suất giảm rồi chết từ từ. Nhà tui cũng thường xuyên cải tạo đất nhưng vẫn không hiệu quả. Có đợt cả 2 năm trời, phần lớn vườn quýt không cho thu hoạch” - bà Xuân chia sẻ.

Tương tự, ông Phạm Bảo Long (ấp 3, xã Núi Tượng) ngậm ngùi: “Trước đây, hầu như nhà nào cũng trồng quýt. Nhà tôi cũng gắn bó với cây quýt được 12 năm, rồi phải bỏ vì chi phí chăm sóc, phân bón, thuốc trừ sâu cao, trong khi lợi nhuận thu về giảm mạnh vì năng suất thấp. Dạo gần đây, giá quýt tăng khá mạnh nhưng đành lực bất tòng tâm vì đất không còn phù hợp để trồng quýt nữa”.

Theo ông Phạm Ngọc Hưng, Trưởng phòng Nông nghiệp - phát triển nông thôn huyện Tân Phú, diện tích quýt đường sụt giảm là tình trạng chung trong toàn huyện chứ không riêng ở xã Núi Tượng. Nguyên nhân chính là do năng suất giảm mạnh, cây quýt đã qua giai đoạn cho năng suất cao nhất, thường từ 6-7 năm trên cùng loại đất. Trong khi đó, giá cả thị trường của các cây trồng khác, như: tiêu, bưởi, xoài... lại tăng lên và đồng lời ổn định hơn.

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Hiện nay, xã Núi Tượng đang thực hiện chủ trương của huyện về chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Trong đó, những loại cây, như: tiêu, cà phê, bưởi, xoài, các loại rau được xem là loại cây chủ lực, phù hợp để thay thế những vườn quýt đã già cỗi.

“4 năm trở lại đây, nhà tôi chuyển qua các loại cây lâu năm, như: gáo, sưa... Từ năm nay, tôi còn trồng xen canh cây bưởi da xanh với tổng diện tích hơn 15 hécta. Bưởi đang được giá, đất cũng hợp, lại đỡ công chăm sóc, tiết kiệm chi phí hơn” - bà Xuân nói. Trong khi đó, hộ ông Phạm Bảo Long lại chuyển qua trồng xoài Đài Loan, mít siêu sớm với sản lượng khá cao và giá cả ổn định.

Ông Phạm Đức Kiên, Phó chủ tịch UBND xã Núi Tượng, nói: “Hầu hết các hộ dân đã chuyển sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế hơn. Xã cũng thường xuyên mở các lớp khuyến nông, áp dụng khoa học - công nghệ, tư vấn về giống cây trồng để nông dân yên tâm canh tác”.

“Nông dân nên hướng đến sản xuất những mặt hàng thị trường cần, trồng những cây phù hợp với quy hoạch định hướng của huyện. Hiện tại, huyện Tân Phú đang hướng tới xây dựng cánh đồng lớn liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm để đảm bảo đầu ra và ổn định giá thành cho người dân” - ông Phạm Ngọc Hưng cho biết thêm.

Hải Quân

 

Tin xem nhiều