Báo Đồng Nai điện tử
En

Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam: Cần cơ chế đặc thù để đột phá

10:12, 28/12/2016

Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam hiện đi đầu cả nước về mức tăng trưởng kinh tế (gấp hơn 1,5 lần so với cả nước). Tốc độ tăng trưởng kinh tế của toàn vùng đạt trung bình khoảng 11%/năm.

Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam hiện đi đầu cả nước về mức tăng trưởng kinh tế (gấp hơn 1,5 lần so với mức tăng trưởng của cả nước). Tốc độ tăng trưởng kinh tế của toàn vùng đạt trung bình khoảng 11%/năm. Tỷ lệ đô thị hóa của vùng cũng đạt cao nhất cả nước.

Sản phẩm trái cây chế biến của Đồng Nai tham gia hội nghị kết nối cung cầu giữa TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành năm 2016.
Sản phẩm trái cây chế biến của Đồng Nai tham gia hội nghị kết nối cung cầu giữa TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành năm 2016.

Tại hội thảo “Cơ chế, chính sách phát triển Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam” diễn ra tuần qua, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam năm 2015-2016, đánh giá: Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là vùng duy nhất hiện nay hội tụ đủ các điều kiện và lợi thế để phát triển đều các mặt; giữ vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Tuy nhiên, Nhà nước chưa có cơ chế, chính sách mang tính đặc thù, cụ thể để tạo nên sự phát triển đột phá tương xứng với tiềm năng của vùng.

Phát triển chưa xứng tầm

Theo các chuyên gia kinh tế, nên thành lập Quỹ phát triển Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam để triển khai các dự án quy mô lớn, mang tính chất liên vùng, liên tỉnh. Chính phủ cần xác định lại tỷ lệ điều tiết cho ngân sách địa phương đảm bảo tương ứng với vai trò đóng góp ngân sách của từng tỉnh, thành phố, tạo nguồn lực phát triển kinh tế vùng.

Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam gồm 8 tỉnh, thành; trong đó tiểu vùng Đông Bắc, gồm: Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu là địa bàn phát triển năng động nhất. Tiêu biểu như Đồng Nai đạt tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011-2015 là 12%/năm. Theo kiến nghị của UBND tỉnh Đồng Nai, các địa phương trong vùng có nguồn thu lớn nhưng Nhà nước đầu tư lại cho vùng không tương xứng. Điều đó khiến các địa phương đều gặp khó khăn về đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại và giải quyết vấn đề an sinh xã hội, nhất là với các tỉnh, thành có lượng dân nhập cư đông. Cụ thể, Đồng Nai nằm trong tốp đầu đóng góp cho ngân sách, nhưng mức ngân sách đầu tư bình quân đầu người ở Đồng Nai chỉ 3,5 triệu đồng/người, thấp nhất trong vùng. Đây là nguyên nhân khiến cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của tỉnh chưa theo kịp yêu cầu phát triển, thậm chí phát triển chậm hơn các vùng khác. 

Cùng quan tâm về vấn đề này, Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh Đinh La Thăng nhấn mạnh với cơ chế hiện nay, các địa phương phải tập trung hoàn thành những chỉ tiêu Nhà nước giao hàng năm nên địa phương không thể lơ là nhiệm vụ để tập trung cho lợi ích của vùng. Ở đây, cần xây dựng cơ chế gắn hiệu quả của địa phương với hiệu quả của vùng. Trong đó, từng địa phương đều có trách nhiệm để xây dựng được một cấu trúc liên kết bền vững.

Thiếu cơ chế

Chỉ ra nguyên nhân khiến Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam chưa phát triển xứng tầm, GS.TS Võ Thanh Thu, giảng viên cao cấp Trường đại học kinh tế TP.Hồ Chí Minh, cho rằng vấn đề là ở cơ chế chính sách. “Các “đặc khu kinh tế” muốn thành công thì cơ chế chính sách phục vụ cho phát triển phải hấp dẫn hơn so với các vùng kinh tế không trọng điểm. Ở đây thiếu hẳn cơ chế này và vùng cũng không được đầu tư đặc biệt về cơ sở hạ tầng, thậm chí mức đầu tư này còn thấp hơn rất nhiều so với vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc. Và hàng loạt các vấn đề còn bất cập về quy hoạch vùng, chiến lược phát triển, phân công lao động trong nội bộ vùng...” - GS.TS Thu nhấn mạnh.

Ý kiến nhiều chuyên gia kinh tế cũng đặt ra vấn đề liên kết vùng có ý nghĩa sống còn với phát triển Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nhưng hiện vẫn chưa được chú trọng, nhất là trong việc giải quyết những khó khăn của vùng, như: nạn ô nhiễm môi trường, đào tạo nguồn nhân lực... Ông Phạm Danh, Giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường tỉnh Bình Dương, cho rằng nạn ô nhiễm môi trường ngày càng phức tạp cùng với sự gia tăng dân số, phát triển nhanh chóng các ngành nghề sản xuất. Theo ông Dân: “Cuộc sống của hơn 20 triệu dân trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đang bị đe dọa nghiêm trọng và nếu không có hướng ngăn chặn kịp thời thì chắc chắn thu nhận từ hoạt động kinh tế sẽ không thể nào bù đắp được chi phí phải trả cho việc cải thiện môi trường và phục hồi chất lượng nước sông Đồng Nai”.

Đại diện UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu kiến nghị Thủ tướng Chính phủ nên kéo dài tuyến đường sắt đô thị từ TP.Hồ Chí Minh đến TP.Vũng Tàu để tạo liên kết giao thông vùng. Chính phủ cũng nên xem xét hỗ trợ nguồn kinh phí cho các địa phương vùng biên thực hiện đầu tư hạ tầng giao thông, thương mại và dịch vụ nhằm hỗ trợ hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa...

Bình Nguyên

Tin xem nhiều