Báo Đồng Nai điện tử
En

Nâng "chất" các khu công nghiệp

10:12, 28/12/2016

Đến cuối năm 2016, Đồng Nai đã thành lập 32 khu công nghiệp (KCN), trong đó 30 KCN đã đi vào hoạt động. Các KCN trong tỉnh hiện có tỷ lệ cho thuê đất bình quân đạt hơn 71%.

Đến cuối năm 2016, Đồng Nai đã thành lập 32 khu công nghiệp (KCN), trong đó 30 KCN đã đi vào hoạt động. Các KCN trong tỉnh hiện có tỷ lệ cho thuê đất bình quân đạt hơn 71%. Thu hút đầu tư được chú trọng, nhưng vấn đề được tỉnh coi trọng nhất là chất lượng đầu tư tại các KCN.

Một số doanh nghiệp phản ánh Khu công nghiệp Biên Hòa 2 (TP.Biên Hòa) còn tình trạng đậu xe lấn chiếm lòng đường.
Một số doanh nghiệp phản ánh Khu công nghiệp Biên Hòa 2 (TP.Biên Hòa) còn tình trạng đậu xe lấn chiếm lòng đường.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh nhấn mạnh, giải quyết nhanh những vướng mắc của doanh nghiệp trong các KCN là để tạo ra môi trường đầu tư thuận lợi. Mục đích của tỉnh là làm sao để các KCN có chất lượng tốt cho cả doanh nghiệp lẫn người lao động.

Khó về đất đai

Khảo sát gần đây của Ban Quản lý các KCN Đồng Nai về 10 tiêu chí chất lượng hạ tầng KCN, thì mức độ hài lòng khá cao với tỷ lệ trên 80%, tỷ lệ không hài lòng chỉ chiếm dưới 18%. Tuy nhiên, các công ty hạ tầng phản ánh vẫn còn một số vướng mắc kéo dài chưa được địa phương giải quyết và xử lý dứt điểm, gây phiền hà cho các doanh nghiệp đang sản xuất trong KCN.

Bà Phạm Thị Thanh Hương, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Amata Việt Nam, cho hay: “Tình trạng người dân lấn chiếm đất trong KCN Amata Biên Hòa, lấn suối Chùa làm cản trở đường thoát nước nên vào mùa mưa hay xảy ra ngập úng đã được công ty phản ánh nhiều nhưng chưa được giải quyết dứt điểm. Việc này làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của KCN và gây khó khăn cho doanh nghiệp đang hoạt động”.

Theo đại diện Công ty đầu tư hạ tầng KCN Long Bình (TP.Biên Hòa), khó khăn lớn nhất của KCN được nhiều doanh nghiệp phản ánh cũng là tình trạng người dân lấn chiếm đất hành lang lưới điện trong KCN để trồng trọt. Quá trình người dân chăm sóc cấy trồng, bón phân, phun thuốc gây mùi khó chịu cho gần 10 doanh nghiệp đang hoạt động quanh đó. Vấn đề này đã được KCN báo với chính quyền địa phương song chưa được xử lý. Phía công ty hạ tầng KCN Hố Nai (huyện Trảng Bom), Nhơn Trạch 1 (huyện Nhơn Trạch) cũng bày tỏ bức xúc vì người dân lấn chiếm đất của KCN đã diễn ra khá lâu mà chưa có xử lý thích đáng.

Bên cạnh đó, một số công ty hạ tầng của KCN Tam Phước (TP.Biên Hòa), Bàu Xéo, Giang Điền, Sông Mây (huyện Trảng Bom), Thạnh Phú (huyện Vĩnh Cửu) than phiền về việc bồi thường giải phóng mặt bằng kéo dài, gây ảnh hưởng đến việc xây dựng hạ tầng các KCN. Mong muốn của các công ty hạ tầng là tỉnh giải quyết nhanh việc lấn chiếm đất đai và thu hồi đất.

Gỡ khó cho doanh nghiệp

Theo đánh giá của Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh, thời gian qua một vài địa phương trong tỉnh giải quyết những vướng mắc cho doanh nghiệp chưa tốt. Do đó, xảy ra tình trạng đất của các KCN bị lấn chiếm, doanh nghiệp hạ tầng phản ánh nhiều lần mà chưa được xử lý. Tình trạng lấn chiếm đất trong KCN không giải quyết sớm, để kéo dài sẽ thành tiền lệ xấu và sau này rất khó giải quyết. “Những trường hợp lấn chiếm đất trong KCN, các địa phương không vận động nữa mà phải tiến hành cưỡng chế ngay. Quá trình giải quyết gặp khó khăn có thể đề xuất tỉnh hỗ trợ để giải quyết dứt điểm tình trạng lấn chiếm đất đai, trồng trọt trái phép làm ảnh hưởng đến chất lượng và môi trường đầu tư của KCN” - ông Vĩnh nói. Những công ty kinh doanh hạ tầng ngoài việc cho thuê đất, cũng cần theo dõi sát quá trình hoạt động của doanh nghiệp, tránh tình trạng cho thuê đất xong bỏ mặc doanh nghiệp.

Ông Cao Tiến Sỹ, Trưởng ban Quản lý các KCN Đồng Nai, cho biết: “Để giải quyết nhanh những vướng mắc cho nhà đầu tư, các địa phương nên thường xuyên tổ chức các buổi đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp. Qua đó, kịp thời nắm bắt những khó khăn doanh nghiệp đang gặp phải để có hướng giải quyết. Nếu vấn đề vượt quá thẩm quyền, có thể báo về Ban Quản lý các KCN Đồng Nai hoặc tỉnh”. Ông Sỹ cũng chia sẻ thêm, Ban Quản lý các KCN Đồng Nai có đường dây nóng, các doanh nghiệp khi gặp khó khăn có thể điện thoại phản ánh trực tiếp để được tháo gỡ sớm.

Ngoài những vướng mắc về đất đai, doanh nghiệp trong các KCN: Nhơn Trạch 3, Sông Mây, Hố Nai, Giang Điền còn kiến nghị khá nhiều về tình trạng cúp điện không báo trước gây ảnh hưởng cho sản xuất, nguồn điện không ổn định, khi xảy ra sự cố thường chậm khắc phục; giá bán điện ở một vài nơi còn quá cao và đơn vị chức năng chưa kiểm soát chặt giá của các công ty thứ cấp bán lại cho doanh nghiệp sản xuất. Hệ thống thoát nước mưa, nước thải cho các KCN chưa đảm bảo nên vào mùa mưa thường xảy ra ngập. Tình trạng ô nhiễm về khói bụi, chất thải nguy hại trong các KCN cũng cần quản lý thật chặt.

Theo các doanh nghiệp,  những vướng mắc trên nếu được xử lý nhanh và khi phát sinh những vấn đề mới, các sở, ngành, địa phương giải quyết sớm thì chất lượng đầu tư các KCN sẽ được nâng lên và đây cũng là một trong yếu tố để nhiều nhà đầu tư nước ngoài quyết định chọn Đồng Nai.

Khánh Minh

Tin xem nhiều