Báo Đồng Nai điện tử
En

Để kinh tế trang trại là đầu tàu phát triển

11:12, 14/12/2016

Diễn đàn Kinh tế trang trại và doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam lần 1-2016 diễn ra trong ngày 14-12 đã thu hút đông đảo doanh nghiệp, chủ trang trại của 18 tỉnh, thành khu vực phía Nam đến tham gia.

Diễn đàn Kinh tế trang trại và doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam lần 1-2016 diễn ra trong ngày 14-12 đã thu hút đông đảo doanh nghiệp, chủ trang trại của 18 tỉnh, thành khu vực phía Nam đến tham gia.

Khách tham quan các gian trưng bày sản phẩm của các trang trại tại diễn đàn. Ảnh: B.NGUYÊN
Khách tham quan các gian trưng bày sản phẩm của các trang trại tại diễn đàn. Ảnh: B.NGUYÊN

Theo ông Lê Duy Minh, Chủ tịch Hiệp hội Trang trại và doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam, phát triển kinh tế trang trại có ý nghĩa quyết định trong việc chuyển hướng từ sản xuất nông hộ nhỏ lẻ sang sản xuất quy mô lớn theo hướng hàng hóa, an toàn. Tuy Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách phát triển kinh tế trang trại nhưng chưa có chính sách đặc thù, hiệp hội sẽ tập trung kiến nghị để sớm có những chính sách thực sự là “bà đỡ” cho kinh tế trang trại phát triển.

 Vẫn phát triển tự phát

Tính đến tháng 6-2016, cả nước có khoảng 29.853 trang trại, trong đó trang trại chăn nuôi chiếm số lượng lớn với gần 49% trên tổng số trang trại. Việc phát triển kinh tế trang trại có sự chuyển biến rõ, cung cấp số lượng lớn sản phẩm nông nghiệp cho thị trường trong và ngoài nước. Tuy có tăng nhanh về số lượng với nhiều thành phần kinh tế tham gia, nhưng kinh tế trang trại chủ yếu vẫn là trang trại hộ gia đình, phát triển theo hướng tự phát, quy mô nhỏ với diện tích bình quân của mỗi trang trại là trên 4,5 hécta. Số lượng trang trại cũng phân bố không đều giữa các vùng trong cả nước và ở các lĩnh vực. Ngay cả ở lĩnh vực chăn nuôi, kinh tế trang trại được đánh giá phát triển mạnh nhất nhưng vẫn còn nhiều hạn chế.

Theo ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Nhà nước cần có những chính sách mới hỗ trợ kinh tế trang trại phát triển với cách tiếp cận sâu hơn, tầm nhìn rộng hơn, sát thực tiễn hơn. Ở đây, Nhà nước cần tạo được hành lang pháp lý tốt, thị trường tốt để trang trại phát triển.

Ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi, nhận xét lĩnh vực chăn nuôi có 3 điều mừng: trang trại chăn nuôi phát triển mạnh, tăng nhanh số lượng; chất lượng sản phẩm đã đứng được trên thị trường; có thế mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật với nhiều trang trại đang sử dụng những công nghệ hiện đại hàng đầu của thế giới. Tuy nhiên, điểm yếu nhất của kinh tế trang trại hiện nay vẫn là phát triển tự phát, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các trang trại. Điều này khiến sản phẩm của trang trại ra thị trường vẫn bị thương lái chèn ép và tình trạng ô nhiễm môi trường do chăn nuôi.

Cùng quan điểm trên, ông Huỳnh Thành Vinh, Giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn, nhấn mạnh Đồng Nai đứng đầu cả nước về sản lượng đàn heo, gà. Xác định quy hoạch là mục tiêu quan trọng trong phát triển nông nghiệp, tỉnh đã chỉ đạo rất quyết liệt về vấn đề này nhưng vẫn không dễ khi triển khai.

Cần chính sách

 Hiện nay, cả nước chỉ có 7.825 trang trại được cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại. Tỷ lệ trang trại được cấp giấy chứng nhận thấp do các chủ trang trại chưa quan tâm, nhưng con số này cũng cho thấy chính sách hỗ trợ, khuyến khích kinh tế trang trại vẫn chưa phát huy tác dụng. Ông Đinh Xuân Thu, chủ trang trại Thu Thủy (tỉnh Đắk Nông), cho hay: “Trang trại tôi được cấp chứng nhận 12 năm nay, nhưng mảnh giấy này chỉ để cất trong tủ vì không dễ tiếp cận được chính sách hỗ trợ”.

Các trang trại còn gặp rất nhiều khó khăn về quy định hạn điền. Nhà nước cần có chính sách thông thoáng hơn để các trang trại hoạt động như doanh nghiệp, có thể tự xuất hóa đơn, tổ chức kinh doanh, mua bán... Ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty TNHH An Huy Long An (tỉnh Long An), chia sẻ: “40 năm đầu tư vào nông nghiệp, tôi thấy rất nhiều vấn đề khó khăn. Một dự án nông nghiệp nhưng yêu cầu về thủ tục, hồ sơ không thua gì dự án công nghiệp, thậm chí về tiêu chuẩn xử lý môi trường nông nghiệp cũng áp theo chuẩn công nghiệp...”.

Theo nhiều chủ trang trại, hạ tầng đầu tư cho nông nghiệp còn quá yếu kém, khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng cũng vì vướng vấn đề thủ tục, giấy tờ; thiếu nguồn nhân lực, về thị trường... đều là những “cái khó bó cái khôn” cho kinh tế trang trại phát triển.

Bình Nguyên


 

Tin xem nhiều