Báo Đồng Nai điện tử
En

Xây dựng vùng chuyên canh dâu, tằm

10:12, 04/12/2016

Ông Trịnh Đình Hóa có hơn 20 năm gắn bó với nghề sản xuất con giống và trồng dâu, nuôi tằm. Gia đình ông có công ty chuyên sản xuất tơ từ kén tằm và đã xây dựng được chuỗi liên kết từ khâu sản xuất giống, nuôi tằm đến nhà máy kéo sợi tại TP.Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng).

Ông Trịnh Đình Hóa có hơn 20 năm gắn bó với nghề sản xuất con giống và trồng dâu, nuôi tằm. Gia đình ông có công ty chuyên sản xuất tơ từ kén tằm và đã xây dựng được chuỗi liên kết từ khâu sản xuất giống, nuôi tằm đến nhà máy kéo sợi tại TP.Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng). Ông cũng là một trong những người đi đầu thành lập cơ sở sản xuất giống tằm và xây dựng vùng chuyên canh dâu tằm tại huyện Cẩm Mỹ.

Ông Trịnh Đình Hóa giới thiệu nong tằm giống. Ảnh: B.Nguyên
Ông Trịnh Đình Hóa giới thiệu nong tằm giống. Ảnh: B.Nguyên

Sản xuất giống tằm

Ông Trịnh Đình Hóa chia sẻ: “Công ty chúng tôi muốn mở rộng vùng nguyên liệu cung cấp kén tằm nên khi có khách hàng ở huyện Cẩm Mỹ mang kén tằm đến bán, tôi đã bỏ công về đây tìm hiểu. Nhận thấy thổ nhưỡng và khí hậu ở vùng này rất phù hợp cho cây dâu phát triển, đạt năng suất gấp rưỡi so với xứ Lâm Đồng nên tôi quyết định về thành lập cơ sở sản xuất giống tằm”. Năm 2010, ông Hóa đến xã Sông Ray (huyện Cẩm Mỹ) mua đất trồng dâu, lập Trại sản xuất giống tằm Minh Hóa. Thời điểm đó nghề trồng dâu nuôi tằm ở Cẩm Mỹ chủ yếu phát triển tự phát, quy mô nhỏ lẻ nên người nuôi bỏ nghề nhiều vì hiệu quả không cao.  

Thời gian đầu tuy nhu cầu giống tằm thấp do ít người nuôi, nhưng ông Hóa vẫn đầu tư trại giống khá bài bản rộng hơn 2 hécta, gồm: vườn trồng dâu được lắp đặt hệ thống tưới tự động; trại sản xuất giống được chia ra nhiều khu vực phù hợp với từng giai đoạn ủ trứng, nuôi con giống với nhiều kích cỡ khác nhau... Qua hơn 5 năm hoạt động, trại sản xuất giống của ông hiện đang cung cấp con giống và bao tiêu kén tằm cho hàng trăm hộ nuôi tằm tại địa phương.

Làm cánh đồng lớn

Ông Hóa kể: “Thời tôi về vùng đất này, số hộ trồng dâu, nuôi tằm đếm được trên đầu ngón tay. Đây vẫn là nghề mới tại địa phương nên không dễ thuyết phục người dân tham gia. Tôi vừa bán giống vừa hướng dẫn kỹ thuật nuôi tằm cho nông dân. Những hộ mới tham gia không có vốn, tôi vừa cung cấp giống vừa đầu tư vật dụng nuôi cho họ... Vốn đầu tư này sẽ được trừ dần vào các đợt thu mua kén tằm”.

Theo ông Hóa, mọi người vẫn nghĩ nuôi tằm là nghề vất vả và khó theo, khó học. Nhưng với việc trồng dâu giống mới có bản lá lớn, năng suất cao và ứng dụng những cải tiến mới về kỹ thuật nuôi tằm sẽ tiết kiệm được công lao động, ít rủi ro nên cho lợi nhuận gấp nhiều lần so với những cây hàng năm, như: bắp, lúa... Chính vì vậy, ông còn thu hút được hàng chục hộ dân là người dân tộc thiểu số tại địa phương tham gia trồng dâu, nuôi tằm.

Trong những khách hàng ông đang cung cấp giống và bao tiêu kén tằm, không nhiều những hộ dân giỏi nghề có đến vài hécta trồng dâu, nuôi tằm cho lợi nhuận hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Ông Hóa cho biết: “Tuy diện tích trồng dâu nuôi tằm tại Cẩm Mỹ phát triển rất nhanh trong vòng vài năm trở lại đây, nhưng chỉ mới đáp ứng được một phần nhu cầu nguyên liệu sản xuất sợi của doanh nghiệp. Chính vì vậy, chúng tôi đã đăng ký và đang triển khai dự án cánh đồng lớn trồng dâu nuôi tằm tại Cẩm Mỹ”. Theo ông Hóa, việc phát triển vùng dâu nuôi tằm theo hướng cánh đồng lớn sẽ tạo mối dây liên kết, gắn bó chặt chẽ giữa doanh nghiệp và nông dân. Sản phẩm của nông dân được doanh nghiệp ký kết hợp đồng bao tiêu ổn định. Mặt khác, người nuôi tằm sẽ tiếp cận với nhiều chính sách hỗ trợ từ phía Nhà nước và doanh nghiệp  để vùng chuyên canh  này tiếp tục được nhân rộng và phát triển bền vững.

Bình Nguyên

 

Tin xem nhiều