Báo Đồng Nai điện tử
En

Mặn mà với muối

10:12, 11/12/2016

Muối biển của Việt Nam được các nước phát triển, như: Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hàn Quốc đánh giá khá cao về chất lượng và hàng năm vẫn nhập khẩu về để sử dụng.

Muối biển của Việt Nam được các nước phát triển, như: Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hàn Quốc đánh giá khá cao về chất lượng và hàng năm vẫn nhập khẩu về để sử dụng. Mặc dù vậy, diêm dân trong nước vẫn tồn hàng và đầy khó khăn, thậm chí còn đối mặt với muối nhập khẩu.

Ông Nguyễn Công Thành với sản phẩm muối tinh khiết.
Ông Nguyễn Công Thành với sản phẩm muối tinh khiết.

Ông Nguyễn Công Thành, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên muối biển Việt  (huyện Nhơn Trạch), đã bỏ thời gian 2 năm để nghiên cứu ra quy trình muối tinh khiết, quyết tâm tạo hương vị đặc biệt hơn cho muối Việt Nam.

Gắn bó với nghề

Vốn là kỹ sư ngành hóa học được đào tạo trước năm 1975, ông Thành có chuyên môn hóa học khá vững, cộng thêm đam mê nghiên cứu nên ông có những công trình ứng dụng nho nhỏ khá hiệu quả, từ xử lý nước thải đến làm men bánh mì. Không chỉ nghiên cứu, ông cũng trải qua khá nhiều công việc như làm quản lý của doanh nghiệp nhà nước, rồi sang doanh nghiệp tư nhân và nhận nghiên cứu chuyển giao công nghệ xử lý nước. Cuối cùng, ông tìm đến với muối. Hơn 10 năm trước, ông Thành đã có nhà máy sản xuất muối tại TP.Hồ Chí Minh, chuyên cung cấp muối cho công ty sản xuất mì ăn liền.  Ông Thành cho hay, muối sản xuất vào thời đó chưa đạt tinh khiết như hiện nay.

Đưa chúng tôi đi tham quan dây chuyền sản xuất muối, ông Thành giới thiệu: “Nói đến muối thì hầu như mọi người đều nghĩ là đơn giản, điều đó chỉ đúng với muối ăn bình thường. Nhưng để làm ra sản phẩm muối tinh khiết cũng rất phức tạp, từ nguyên liệu đầu vào đến sản phẩm đầu ra hoàn toàn chạy trong dây chuyền khép kín”. Dây chuyền sản xuất muối này cũng do ông nghiên cứu lắp ráp.

Đạt chuẩn tinh khiết không dễ

Về cơ bản, muối nguyên liệu từ muối biển thô (không phải muối mỏ) được cho vào các bể nước hòa tan ra, nước muối đó được lọc qua 3 lần để lấy ra hết tạp chất, sau đó được đưa vào hệ thống nấu, đến đây là ra được loại muối sạch. Từ muối sạch thu được, lại phải qua một hệ thống máy để xử lý hết độ ẩm của muối  rồi mới ra được muối tinh khiết. Ông Thành cho biết thời gian đầu khi sản xuất hoàn chỉnh, ông cũng ra được công đoạn muối tinh khiết. Nhưng để thêm vài ngày, các hạt muối trong bao tự kết dính với nhau thành một khối muối. Lúc này ông mới nghĩ ra, bởi muối có độ tinh khiết sẽ không còn những tạp chất để ngăn cách nên các phân tử muối rất dễ liên kết với nhau. Vì vậy, chỉ một thời gian ngắn các hạt muối sẽ dính chặt vào nhau thành một khối. Việc này cũng khiến ông mất mấy tháng trời để nghiên cứu ra phương pháp ngăn muối tự kết dính. Cũng theo ông Thành, muối tinh khiết hiện nay chủ yếu được sử dụng trong ngành công nghiệp, rất nhiều lĩnh vực cần đến loại muối này, như: công nghiệp thực phẩm, công nghiệp sản xuất giấy, sản xuất hóa chất, xử lý nước (trong xử lý nước muối tinh khiết dùng để tái sinh hạt nhựa trao đổi ion trong hệ thống làm mềm nước, khử kiềm nước), làm thuốc…

Hàng năm, lượng muối tinh khiết trong nước không đáp ứng đủ nhu cầu nên các doanh nghiệp sản xuất nhập khẩu khá nhiều loại muối này về để phục vụ sản xuất. Nhờ đó, thị trường để giải quyết đầu ra cho sản phẩm của công ty ông cũng dần rộng mở, không còn gặp nhiều khó khăn như những ngày đầu khởi nghiệp.

Vân Nam

 

Tin xem nhiều