Báo Đồng Nai điện tử
En

Xây dựng hệ sinh thái cho khởi nghiệp

10:10, 12/10/2016

Tại hội thảo quốc tế "Tạo dựng hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam - bài học từ Israel" vào cuối tháng 9-2016, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh: "Chúng ta cũng cần học văn hóa chấp nhận thất bại và rủi ro.

Tại hội thảo quốc tế “Tạo dựng hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam - bài học từ Israel” vào cuối tháng 9-2016, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh: “Chúng ta cũng cần học văn hóa chấp nhận thất bại và rủi ro. Khởi nghiệp là hình thức đầu tư mạo hiểm, 5 phần thắng, 5 phần thua là đã may lắm rồi. Đây là cuộc chơi dành cho những người dũng cảm, đi tiên phong và dám chấp nhận rủi ro”.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phú Cường (thứ 2 từ phải sang) cùng các Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hòa Hiệp, Nguyễn Quốc Hùng tham quan sản phẩm trưng bày hàng công nghiệp hỗ trợ của các doanh nghiệp trong tỉnh sản xuất.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phú Cường (thứ 2 từ phải sang) cùng các Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hòa Hiệp, Nguyễn Quốc Hùng tham quan sản phẩm trưng bày hàng công nghiệp hỗ trợ của các doanh nghiệp trong tỉnh sản xuất.

Để tạo ra hệ sinh thái khởi nghiệp, Chính phủ cần phải có những đột phá về chính sách cũng như tích cực hơn trong việc triển khai mới đạt được như kỳ vọng, nếu không chỉ trở thành phong trào.

Không dễ là người tiên phong

Ông Lê Trí Minh, Chi hội trưởng Chi hội Công nghiệp hỗ trợ (thuộc Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai), chia sẻ: “Việc khởi nghiệp không hề dễ dàng. Để doanh nghiệp tồn tại được, chủ doanh nghiệp phải vượt qua rất nhiều thách thức, nhất là những doanh nghiệp sản xuất chịu áp lực về vốn, thị trường đầu ra, nhân lực. Nếu có được hệ sinh thái tốt thì khả năng “sống sót” của doanh nghiệp sẽ cao”. Hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ đang được Chính phủ khuyến khích phát triển, song theo ông Minh những hỗ trợ của Nhà nước đến nay phần lớn còn là các chính sách, chưa đến được với doanh nghiệp như mong muốn.

Cũng từ thực tế phát triển của doanh nghiệp, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất - thương mại Đi Bi (xã Phước Tân, TP.Biên Hòa) Phạm Quang Đỉnh cho rằng các chính sách hỗ trợ đặc biệt về vốn cho doanh nghiệp cần tích cực hơn, như hiện nay các doanh nghiệp vẫn phải tự bơi là chính. Vay vốn thì doanh nghiệp vẫn phải có thế chấp bằng tài sản, trong khi doanh nghiệp nhỏ mới thành lập khả năng tiếp  cận nguồn vốn, đặc biệt là nguồn vốn ưu đãi thì rất thấp. Đến nay, những chính sách đặc thù cho khởi nghiệp về nhà đầu tư mạo hiểm, cơ chế đối ứng đầu giữa Nhà nước và quỹ tư nhân chưa có. Đặc biệt, chưa có sự gắn kết và thiếu kiến thức, kinh nghiệm đầu tư cho khởi nghiệp. Còn rất nhiều việc Nhà nước phải làm để xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp.

Bắt đầu từ hoàn thiện thể chế, chính sách

Phó giám đốc Phòng Thương mại - công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh TP.Hồ Chí Minh Trần Ngọc Liêm cho rằng việc hoàn thiện thể chế, chính sách và tổ chức thực hiện những chính sách về khởi nghiệp hiện nay là rất quan trọng. Ông đánh giá thời gian qua, Chính phủ cũng như các địa phương đã tích cực trong công tác cải cách thủ tục hành chính để tạo một môi trường tốt hơn, tuy nhiên vẫn còn những rào cản từ những quy định quản lý làm khó doanh nghiệp. “Thời gian qua cũng ồn ào những chuyện như kiểm định hiệu suất năng lượng tối thiểu máy móc nhập khẩu, doanh nghiệp ở miền Nam phải đưa ra miền Bắc để kiểm định thời gian tới 2-3 tháng rất tốn kém và khó khăn cho doanh nghiệp” - ông Liêm nói. Để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp cần rất nhiều yếu tố, nhưng trên hết cần phải xây dựng một nền tảng pháp lý tốt.  Hệ sinh thái này thực sự là động lực cho quốc gia khởi nghiệp, ngoài những chính sách tạo hành lang pháp lý thì tư duy quản lý cũng cần phải đổi mới.

Về vấn đề này, nguyên Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai Phạm Đức Bình cũng ưu tư: “Hỗ trợ giáo dục khởi nghiệp cho sinh viên cũng cần cụ thể và thực tế hơn để các em không bị ảo tưởng về khởi nghiệp. Mới bước vào khởi nghiệp, thiếu thực tế rồi cứ tưng bừng khai trương lại âm thầm đóng cửa, rất lãng phí”. Cũng theo ông Bình, việc khởi nghiệp chỉ cần từ những việc nhỏ nhưng có tính sáng tạo, sản phẩm phải độc và lạ thì mới có cơ hội thành công. Nếu đi theo kiểu bắt chước hay dạng phong trào sẽ khó tồn tại được. Đồng quan điểm này, ông Lê Bạch Long, Giám đốc Công ty Nam Long (huyện Long Thành), cho rằng hiện tại trong xu thế hội nhập rất mạnh, các doanh nghiệp nhỏ của nước ngoài rất nhạy và cũng đang thâm nhập thị trường Việt Nam. Vì vậy, các doanh nghiệp mới thành lập không phải là sản phẩm, dịch vụ riêng hoặc phương án kinh doanh riêng sẽ khó cạnh tranh.

Theo các chuyên gia, trong việc tạo dựng hệ sinh thái khởi nghiệp thì đào tạo nguồn nhân lực cũng là điều kiện rất quan trọng để phục vụ hệ sinh thái này. Bởi không phải sinh viên nào ra trường là cũng đi làm chủ mà có cả đi làm thuê, song việc làm thuê cũng trên tinh thần sáng tạo, đổi mới. Lúc đó, hệ sinh thái khởi nghiệp mới thực sự phát triển đúng nghĩa. 

Khởi nghiệp với góc nhìn rộng hơn

Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ từng nhận định, khởi nghiệp hiện nay không chỉ là mục tiêu của cá nhân hay doanh nghiệp mà còn là của một thành phố, hay thậm chí là cả đất nước. Các công ty lớn cũng vẫn tiếp tục khởi nghiệp bằng những việc đưa ra ý tưởng mới, sản phẩm mới và thị trường mới. Khởi nghiệp là không ngừng, như vậy hệ sinh thái cho khởi nghiệp khá rộng và cụ thể mới thúc đẩy được tinh thần khởi nghiệp như mong đợi.

Công ty TNHH Siêu Việt (phường Tam Hiệp, TP.Biên Hòa) kiểm tra máy photocopy mới nhập khẩu để cho thuê dịch vụ.
Công ty TNHH Siêu Việt (phường Tam Hiệp, TP.Biên Hòa) kiểm tra máy photocopy mới nhập khẩu để cho thuê dịch vụ.

Theo ông Lương Quang Diệu, Giám đốc Công ty TNHH dịch vụ - thương mại - xuất nhập khẩu 3 Miền (quận 9, TP.Hồ Chí Minh), việc ổn định các chính sách là điều tối quan trọng để doanh nghiệp có thể mạnh dạn đầu tư bước vào khởi nghiệp. Ông Diệu cho hay, trong thời gian qua nhiều chính sách thay đổi xoành xoạch khiến doanh nghiệp rất hoang mang. Ông Diệu nói: “Có những lô hàng máy móc sản xuất khi công ty tôi làm thủ tục nhập khẩu thì thuế suất bằng 0%, nhưng khi máy về đến nơi chính sách thay đổi, doanh nghiệp phải chịu tính thuế 2%; hoặc chỉ trong 6 tháng năm 2016 mà thuế tiêu thụ đặc biệt thay đổi tới 2 lần. Như vậy rất gây khó khăn cho các doanh nghiệp”.

Cũng bàn về chính sách thuế, ông Đặng Văn Điềm, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai, cũng cho rằng đối với cách tính thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ, Chính phủ cũng cần xem xét lại mới hỗ trợ động viên được cho doanh nghiệp khởi nghiệp hiện đang là 18%, và dự kiến giảm xuống 17% vẫn là cao. Theo ông Điềm, các đối tượng này mức thuế chỉ ở 10-12% là phù hợp. Đặc biệt, đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp cần phải có sự hỗ trợ về vốn từ những nguồn quỹ cũng như ưu đãi thuế lúc ban đầu.

Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 cũng đã đưa ra những nhóm giải pháp cụ thể về tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo với mục tiêu đến đó có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả.

Theo đó, Nhà nước kiến tạo lấy doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư kinh doanh và phát triển; ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng thuận lợi, an toàn và thân thiện; bảo đảm quyền bình đẳng cho tất cả các doanh nghiệp; có lộ trình phù hợp để sớm bỏ các loại giấy phép con, phí, phụ phí bất hợp lý. Cùng với đó, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng được Chính phủ chuẩn bị trình Quốc hội xem xét. Đây là những bước cơ bản đặt nền móng cho hệ sinh thái khởi nghiệp. Mới đây, tại Nghị quyết số 01/NQ-CP Chính phủ lần đầu tiên yêu cầu phải hình thành và từng bước phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, như: vườn ươm doanh nghiệp, quỹ hỗ trợ khởi nghiệp, quỹ đầu tư mạo hiểm, dịch vụ đào tạo, tư vấn hỗ trợ khởi nghiệp. Theo ông Liêm, điều mà cộng đồng doanh nghiệp quan tâm là các cơ quan có liên quan triển khai những vấn đề đó trong thực tế như thế nào. Đánh giá của giới doanh nghiệp thì đến nay giữa chính sách và thực tế vẫn còn một khoảng cách.

Vân Nam

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích