Báo Đồng Nai điện tử
En

Cú hích cho xuất khẩu?

10:10, 17/10/2016

Đầu tháng 10-2016, Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á - Âu (Vietnam - EAEU FTA) có hiệu lực. Ngay lập tức, nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EAEU mức thuế còn 0%.

Đầu tháng 10-2016, Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á - Âu (Vietnam - EAEU FTA) có hiệu lực. Ngay lập tức, nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EAEU mức thuế còn 0%. Đây cũng được xem là cơ hội để xuất khẩu hàng Việt Nam tăng tốc trong thời gian tới.

Sản phẩm may mặc của nhiều doanh nghiệp được xuất sang khu vực EAEU từ nhiều năm qua.  Trong ảnh: Kiểm hàng xuất khẩu tại Công ty cổ phần Tổng công ty may Đồng Nai (Khu công nghiệp Biên Hòa 1, TP.Biên Hòa).

Sản phẩm may mặc của nhiều doanh nghiệp được xuất sang khu vực EAEU từ nhiều năm qua. Trong ảnh: Kiểm hàng xuất khẩu tại Công ty cổ phần Tổng công ty may Đồng Nai (Khu công nghiệp Biên Hòa 1, TP.Biên Hòa).

* Không phải thị trường mới

Ông Nguyễn Hữu Trí, Giám đốc Công ty cổ phần tổng hợp gỗ Tân Mai (TP.Biên Hòa), cho biết đây là thị trường truyền thống trong lĩnh vực may mặc của công ty ông. Việc EAEU giảm thuế xuống 0% sẽ giúp tăng sức cạnh tranh hơn của sản phẩm Việt Nam nói chung và của công ty ông nói riêng. Cục phó Cục Hải quan Đồng Nai Nguyễn Phúc Thọ cho hay, EAEU gồm: Liên bang Nga, Cộng hòa Belarus, Cộng hòa Armenia, Cộng hòa Kazakhstan và Cộng hòa Kyrgyzstan. Tại Đồng Nai, một số mặt hàng chủ lực xuất khẩu sang thị trường này của các doanh nghiệp là sản phẩm may mặc, giày dép, hàng thủ công mỹ nghệ đan từ mây nhựa hoặc lục bình.

Theo ông Thọ, đây không phải là một thị trường mới đối với doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam. Riêng Nga và Belarus còn được xem là thị trường truyền thống của nhiều doanh nghiệp làm hàng xuất khẩu của Việt Nam. Rà trên biểu thuế cắt giảm theo hiệp định thì tới 59% dòng thuế hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang EAEU được đưa về 0%, đây là một khối lượng khổng lồ thuế cắt giảm. Nhiều sản phẩm của Việt Nam có thế mạnh được hưởng mức thuế về 0% ngay từ bây giờ khi xuất khẩu vào thị trường này, như: dệt may, đồ nhựa, giày da, túi xách, thủy sản chế biến... 

Theo thông báo của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), ngoài gần 60% dòng thuế được đưa về 0% thì 25% dòng thuế khác sẽ được xóa bỏ theo lộ trình, 13% khác nằm trong nhóm không cam kết. Với mức cắt giảm thuế mạnh mẽ như vậy, hy vọng sẽ tăng kim ngạch thương mại lên trong thời gian tới. Hiện kim ngạch thương mại 2 chiều của Việt Nam và EAEU đang ở mức 4 tỷ USD/năm và được kỳ vọng sẽ tăng mạnh ở thời gian gần đây.

* Vẫn còn bất lợi

Các doanh nghiệp đều cho rằng, việc nhiều dòng thuế giảm từ 15% xuống 0% là mức giảm lớn. Trong cùng một thị trường chỉ cần mức thuế hơn nhau 5% đã tạo ra sự cạnh tranh quyết liệt, trong khi đó ở đây mức cắt giảm các dòng thuế phần lớn từ 10-15% về 0% là một thuận lợi lớn để nguồn hàng cạnh tranh.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Duy Hưng, Phó chủ tịch Hội Xuất nhập khẩu Đồng Nai, việc bất lợi ở thị trường EAEU hiện tại là thời gian vận chuyển hàng hóa. Phần lớn các mặt hàng xuất khẩu sang thị trường này phải cạnh tranh gay gắt với hàng Trung Quốc, trong khi đó về khoảng cách địa lý đã là bất lợi cho hàng Việt Nam. “Xuất hàng đi từ Việt Nam sang đến Nga thời gian mất gần 1 tháng, nhưng từ Trung Quốc hay một số nước Bắc Á là ít hơn khoảng 1 tuần. Bên cạnh đó, dịch vụ logistics ở trong nước hoạt động chưa hiệu quả nên việc lưu thông hàng hóa thường chậm và chi phí cao, kém sự cạnh tranh” - ông Hưng chia sẻ.

Đánh giá của Hội Xuất nhập khẩu Đồng Nai, việc cung cấp hàng hóa cho thị trường EAEU của doanh nghiệp Việt Nam đến nay phần lớn tập trung vào Nga; các thị trường khác, như: Armenia, Kazakhstan hay Kyrgyzstan chưa phải là mạnh. Chính vì vậy, hàng chủ yếu vào Nga sau đó mới đến các nước khác, không như hàng của Trung Quốc đi trực tiếp đến được từng quốc gia của khối này. So với các thị trường xuất khẩu khác như Mỹ, châu Âu, thì thị trường  EAEU chưa được nhiều doanh nghiệp tập trung khai thác.

Vân Nam

Tin xem nhiều