Báo Đồng Nai điện tử
En

Triệu phú nơi rừng xanh

10:10, 09/10/2016

Hơn 20 năm trước, ông Sần Sùi Khìn đã ký hợp đồng nhận khoán chăm sóc rừng trồng tại xã Thanh Sơn, huyện Định Quán để kiếm sống.

Hơn 20 năm trước, ông Sần Sùi Khìn đã ký hợp đồng nhận khoán chăm sóc rừng trồng tại xã Thanh Sơn, huyện Định Quán để kiếm sống. Nhờ chăm chỉ lao động và chọn được mô hình trồng xen canh trên đất rừng cho lợi nhuận cao, hiện ông đã đạt thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm.

Ông Sần Sùi Khìn giới thiệu rừng tiêu cho thu nhập tiền tỷ.
Ông Sần Sùi Khìn giới thiệu rừng tiêu cho thu nhập tiền tỷ.

* Bắt đầu từ chăm sóc rừng

Ông Sần Sùi Khìn kể: “Xuất thân từ gia đình làm nông nghèo, lại không được ăn học nhiều nên khi về vùng đất kinh tế mới này, tôi đã nhận khoán chăm sóc khoảng 28 hécta đất rừng trồng. Nguồn tiền được hỗ trợ chăm sóc cây rừng không bao nhiêu nên gia đình tôi tận dụng đất trống để trồng xen canh thêm những giống cây hàng năm, như: cây họ đậu, cây thuốc lá... nhằm có thêm thu nhập. Thời đó khó khăn lắm, năm nào mất mùa là lo đói”.

Nhận thấy trồng cây hàng năm cho lợi nhuận ít, ông mượn vốn đầu tư chuyển đổi dần sang trồng một số loại cây lâu năm, như: điều, cà phê... Ông lại lần mò học hỏi kinh nghiệm chăm sóc loại cây trồng mới từ những nông dân có kinh nghiệm hơn và nhờ đúc kết được trong thực tế lao động. Theo ông Sần Sùi Khìn, trồng cây lâu năm cho thu nhập ổn định và cao hơn hẳn so với trồng cây hàng năm. Tích lũy được đồng vốn nào, ông đều tập trung tái đầu tư lại cho đất rừng và dần dần chuyển đổi toàn bộ đất rừng từ trồng xen canh cây hàng năm sang trồng điều, xoài, cà phê...

Với tham vọng bắt đất rừng “đẻ” ra “vàng”, ông luôn thử nghiệm trồng thêm những giống cây mới cho lợi nhuận cao hơn. Nhiều năm trước, ông đã chọn trồng thử cây tiêu trên đất rừng. Thời gian đầu, ông thử nghiệm trồng vài chục dây tiêu, quan sát xem cây trồng mới này có hợp với thổ nhưỡng ở đây rồi mới quyết định nhân rộng diện tích.

* Chọn cây làm giàu

Dẫn chúng tôi đi thăm vườn tiêu được trồng xen trong rừng cao ngút mắt, xum xuê đang bắt đầu vào mùa ra bông, kết hạt, ông Sần Sùi Khìn vui vẻ cho biết tiêu ở vùng đất rừng này thường cho thu hoạch sớm hơn cả tháng so với những vùng khác. Theo đó, tiêu bán được với giá tốt và cho lợi nhuận cao hơn.  Mặt khác, cây tiêu lại phát triển rất nhanh khi bám vào các cây nọc là cây rừng tự nhiên. Trong đó, cây sao, cây dầu... phù hợp nhất cho tiêu phát triển. Ông Sần Sùi Khìn so sánh: “Một gốc tiêu bám trên cây rừng lâu năm leo rất cao và có tán rộng nên thường cho năng suất gấp 3-4 lần so với trồng bằng nọc tiêu thường. Người trồng cũng không cần lạm dụng phân, thuốc nhiều vì đất rừng khá giàu nguồn dinh dưỡng. Cây tiêu cũng ít rủi ro về dịch bệnh hơn do trồng với mật độ thưa. Theo đó, 1 hécta đất rừng trồng xen canh cây tiêu có thể đạt năng suất từ 3-5 tấn”.   

Ông Sần Sùi Khìn chia sẻ: “Vì có sẵn cây rừng lâu năm làm nọc tiêu nên chi phí đầu tư ban đầu không quá lớn. Theo đó, tôi đã nhân rộng được gần 4 hécta đất rừng trồng xen canh cây tiêu và đạt thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm. Tôi dự định sẽ tiếp tục chuyển đổi phủ kín cây trồng tiền tỷ này trên diện tích đất rừng trồng hiện có”.

Bình Nguyên

 

 

Tin xem nhiều