Báo Đồng Nai điện tử
En

Bán hàng VietGAP đi đâu?

10:09, 21/09/2016

Nhiều năm nay, Đồng Nai ưu tiên hỗ trợ nông dân thực hiện việc cấp giấy chứng nhận VietGAP cho hàng loạt các mặt hàng nông sản: rau, trái cây, sản phẩm chăn nuôi...

Nhiều năm nay, Đồng Nai ưu tiên hỗ trợ nông dân thực hiện việc cấp giấy chứng nhận VietGAP cho hàng loạt các mặt hàng nông sản: rau, trái cây, sản phẩm chăn nuôi...

Nông dân trồng bưởi Tân Triều (huyện Vĩnh Cửu) không còn mặn mà với việc tái đăng ký chứng nhận VietGAP vì nhiều năm nay vẫn chưa có kênh tiêu thụ riêng cho sản phẩm bưởi sạch.
Nông dân trồng bưởi Tân Triều (huyện Vĩnh Cửu) không còn mặn mà với việc tái đăng ký chứng nhận VietGAP vì nhiều năm nay vẫn chưa có kênh tiêu thụ riêng cho sản phẩm bưởi sạch.

Thực tế, nhiều vùng rau, trái cây VietGAP sau một thời gian nông dân không thực hiện tái chứng nhận VietGAP vì đến nay vẫn chưa có thị trường ổn định cho sản phẩm này.

Lãng phí do theo phong trào

Hiện nay, nhiều thị trường khó tính, như: Úc, Hàn Quốc, Nhật Bản... đang mở cửa cho nông sản Việt, nhất là mặt hàng trái cây, rau củ. Các thị trường trên cũng không yêu cầu sản phẩm buộc phải có chứng nhận VietGAP hay GlobalGAP, mà chủ yếu chỉ yêu cầu nghiêm ngặt về quy trình sử dụng phân, thuốc để tránh tồn dư các chất có hại trong sản phẩm.

Từ vài năm trước, nông dân vùng bưởi đặc sản Tân Triều từng háo hức thực hiện chương trình đăng ký VietGAP, có hộ sẵn sàng tốn thêm chi phí để làm chứng nhận GlobalGAP cho loại trái cây cho thu nhập cao này. Tuy nhiên sau vài năm thực hiện, trái bưởi VietGAP vẫn chưa có kênh tiêu thụ riêng mà vẫn bán đại trà ra thị trường như hàng thường. Đây là nguyên nhân chính khiến nông dân vùng bưởi Tân Triều đều không thực hiện tái đăng ký chứng nhận này.

Ông Ngô Văn Thân, Phó giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp - dịch vụ Tân Triều (huyện Vĩnh Cửu), thừa nhận: “Chứng nhận VietGAP sử dụng được trong 2 năm phải thực hiện việc tái đăng ký. Nhưng sau đợt được Nhà nước hỗ trợ kinh phí thực hiện đăng ký chứng nhận VietGAP, hiện không còn mấy nông dân vùng bưởi Tân Triều thực hiện tái đăng ký chứng nhận này. Nguyên nhân chủ yếu là do chưa có thị trường cho trái bưởi VietGAP”. Điều đáng buồn hơn là không ít vườn bưởi trong vùng sản xuất VietGAP hiện nay đang xuất hiện tình trạng cây bị suy kiệt. Nguyên nhân chủ yếu là do các chủ vườn chạy theo lợi nhuận, lạm dụng phân thuốc để ép cây cho sản lượng cao. 

Câu chuyện của trái bưởi Tân Triều cũng đang xảy ra với trái ổi, chôm chôm, sầu riêng...VietGAP của Đồng Nai cùng một đặc điểm chung là thị trường tiêu thụ vẫn còn bỏ ngỏ trong quy trình hỗ trợ, khuyến khích nông dân thực hành sản xuất tốt. Tuy nhiên, phong trào thực hiện đăng ký thực hành sản xuất theo chuẩn VietGAP vẫn diễn ra khá sôi nổi tại nhiều địa phương.

Ông Trần Anh Tùng, nông dân tại xã Bình Sơn (huyện Long Thành), tính toán cần hàng chục triệu đồng cho 1 hồ sơ đăng ký để được cấp chứng nhận VietGAP. Nhà nước có nhiều chính sách hỗ trợ cho chương trình VietGAP, có nơi được hỗ trợ đến 100% kinh phí nên thu hút sự quan tâm của nông dân. Cụ thể, trái sầu riêng Long Thành vừa được cấp giấy chứng nhận đạt chuẩn VietGAP và hiện không ít nông dân tiếp tục đăng ký thực hiện việc cấp giấy chứng nhận này cho trái măng cụt, dù thực tế hiện nay sản phẩm trái cây VietGAP của địa phương vẫn chưa có đầu ra ổn định”.   

Để không cònm quy trình ngược

Từ nhiều năm nay, việc sản xuất theo chuẩn VietGAP, GlobalGAP... ở nước ta vẫn diễn ra theo quy trình ngược. Nhà nước hỗ trợ phần lớn chi phí để khuyến khích nông dân làm chứng nhận VietGAP, GlobalGAP... cho sản phẩm rồi chờ cơ hội thị trường đến chứ không phải có đơn đặt hàng rồi mới đầu tư sản xuất. Đây chính là nguyên nhân khiến việc thực hành sản xuất VietGAP tại nhiều địa phương diễn ra rầm rộ theo phong trào rồi im hơi, lặng tiếng mất đi. Và có một thực tế là nhiều vùng rau, trái cây được cấp giấy chứng nhận VietGAP nhưng hầu như không có mấy thương hiệu hay sản phẩm VietGAP tạo được uy tín, thương hiệu trên thị trường.

Ông Trần Anh Tùng chia sẻ thêm: “Chương trình VietGAP cần đi vào thực chất chứ không chỉ quan tâm đến cái chứng chỉ sản phẩm sạch. Điều quan trọng nhất vẫn là hình thành được ý thức về sản xuất an toàn cho nông dân. Để đạt được mục tiêu này, chính người tiêu dùng và thị trường mới đóng vai trò quyết định. Vì chỉ khi có thị trường cho sản phẩm sạch và người tiêu dùng kiên quyết tẩy chay sản phẩm không an toàn thì buộc nông dân phải làm ra sản phẩm đạt yêu cầu”. 

Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Thế Bảo, Giám đốc Hợp tác xã xoài Suối Lớn (huyện Xuân Lộc), chia sẻ sau một thời gian dài thỏa thuận, hiện đơn vị đã được 2 đối tác đến từ Úc đồng ý đặt hàng xuất khẩu trái xoài vào thị trường Úc. Dự kiến, vào tháng 3-2017, những lô xoài đầu tiên của Đồng Nai sẽ có mặt tại hệ thống các siêu thị chợ đầu mối của Úc.

Theo ông Bảo, đơn vị có thể đảm bảo tốt về mặt sản lượng vì phía doanh nghiệp đối tác không đòi hỏi nông dân trồng xoài phải làm chứng nhận VietGAP hay GlobalGAP, mà chỉ cần sản xuất theo đúng quy trình kỹ thuật họ đưa ra trong việc sử dụng phân, thuốc và có hẳn một danh sách cụ thể những loại hoạt chất, chất độc tuyệt đối không được sử dụng. Hợp tác xã đã xây dựng quy trình sản xuất trái xoài theo tiêu chuẩn của thị trường Úc và sẽ tổ chức triển khai đến nông dân trong thời gian tới. Ông Bảo cho biết thêm: “Mỗi thị trường xuất khẩu có một yêu cầu riêng về chuẩn chất lượng sản phẩm. Và ở đây, điều quan trọng nhất là nông dân cần tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật đã đưa ra. Điều chúng tôi rất cần được hỗ trợ đầu tư trong khâu sau thu hoạch, bảo quản, nhất là về mặt hồ sơ, thủ tục, để được cấp mã số xuất khẩu; trong khâu tổ chức chiếu xạ... để trái xoài Đồng Nai đủ điều kiện ra thị trường thế giới”.

Bình Nguyên

 

 

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích