Báo Đồng Nai điện tử
En

Xuất khẩu hàng đan lát xuống dốc

11:08, 28/08/2016

Trong giai đoạn 2010-2014, kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng đan lát từ lục bình, mây, tre, cói luôn tăng trưởng trên 10%/năm, nhưng từ năm 2015 bắt đầu chậm lại. T

Trong giai đoạn 2010-2014, kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng đan lát từ lục bình, mây, tre, cói luôn tăng trưởng trên 10%/năm, nhưng từ năm 2015 bắt đầu chậm lại. Trong gần 8 tháng của năm 2016, đơn hàng đan lát các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) nhận được giảm 30-40% so với cùng kỳ năm trước.

Các đơn hàng Hợp tác xã đan lát mây tre Hiệp Lực (TP.Biên Hòa) nhận được từ đầu năm đến nay giảm 40%.
Các đơn hàng Hợp tác xã đan lát mây tre Hiệp Lực (TP.Biên Hòa) nhận được từ đầu năm đến nay giảm 40%.

Theo Cục Thống kê Đồng Nai,  kim ngạch xuất khẩu hàng đan lát mây tre cói, nhựa gần 8 tháng của năm chỉ đạt 13,5 triệu USD. Để giữ chân thợ, các doanh nghiệp, HTX phải đa dạng mặt hàng bằng cách chuyển sang sản xuất thêm các mặt hàng đan lát bằng sợi nhựa, mở thêm các thị trường mới.

* Đơn hàng giảm mạnh

Nhiều doanh nghiệp, HTX sản xuất trên lĩnh vực đan lát mây tre cói đều khẳng định từ đầu năm đến nay đơn hàng nhận được chỉ bằng 60-70% so với những năm trước. Đơn hàng giảm,  giá các sản phẩm cũng hạ do ảnh hưởng của đồng euro mất giá so với USD. Do đó, doanh nghiệp ngành này cùng lúc phải đối mặt với nhiều khó khăn là thời tiết trong nước năm nay khắc nghiệt, nguồn cung nguyên liệu trong nước ít dẫn đến giá tăng; lương, bảo hiểm cho lao động tăng trong khi đơn hàng, giá sản phẩm xuất khẩu lại giảm sâu.

Những sản phẩm đan lát thủ công mỹ nghệ từ lục bình, mây tre, cói, nhựa hiện rất phong phú, đa dạng và nhiều công dụng có thể là bàn ghế, rổ khay để đựng các đồ dùng, thực phẩm trong nhà, hoặc trang trí bên ngoài các chậu cảnh... trông khá đẹp mắt. Trang trí, sử dụng các sản phẩm thủ công mỹ nghệ trong nhà tạo cho không gian hài hòa, gần gũi với thiên nhiên hơn.

 

Ông Đỗ Văn Lâm, Giám đốc HTX thủ công mỹ nghệ  Phú Lâm (huyện Định Quán) chuyên sản xuất mặt hàng đan lát, cho hay: “Mấy năm trước, bình quân mỗi tháng HTX sản xuất được gần 10 ngàn sản phẩm từ sợi lục bình để xuất khẩu, nhưng năm nay đơn hàng giảm đến 40% nên lao động vừa làm vừa nghỉ vì không có việc. Hiện đã vào mùa cao điểm của mặt hàng đan lát nhưng đơn hàng cũng rất hiếm, vì thế nhiều doanh nghiệp, HTX ngành này đang phải cố gắng cầm cự”. Từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp, HTX sản xuất lớn của ngành này đều phải cố gắng duy trì sản xuất để giữ chân thợ nên gần như không có lợi nhuận.

“Hàng đan lát chủ yếu xuất khẩu vào thị trường châu Âu nên khi thị trường này có biến động, nhu cầu giảm là các doanh nghiệp bị ảnh hưởng rất lớn. Bên cạnh đó, mặt hàng đan lát của Đồng Nai cũng như cả nước hiện đang chịu sự cạnh tranh gay gắt của hàng Trung Quốc cũng xuất khẩu vào thị trường này” - ông Nguyễn Quốc Văn, Giám đốc HTX thủ công mỹ nghệ và dịch vụ Hố Nai (huyện Vĩnh Cửu), nói. Một thực trạng đang xảy ra làm cho ngành đan lát khó chồng khó là các doanh nghiệp, HTX sản xuất mặt hàng đan lát đang có sự cạnh tranh không lành mạnh với nhau. Vì áp lực thiếu đơn hàng nên một số doanh nghiệp nhỏ đã “phá giá” bằng cách giảm giá sản phẩm để kéo hợp đồng từ những công ty khác về với mình. Điều này vô hình trung làm hại những công ty, HTX đang làm ăn chân chính.

* Đa dạng mặt hàng

Thông tin từ Cục Hải quan Đồng Nai, toàn tỉnh hiện có 35 doanh nghiệp, HTX xuất khẩu sản phẩm đan lát từ sợi lục bình, mây tre lá, cói, sợi nhựa. Trước đây, mặt hàng trên chủ yếu xuất khẩu vào châu Âu thì nay các doanh nghiệp, HTX đã đa dạng sản phẩm để xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ, Canada và Nhật Bản. Nguồn nguyên liệu truyền thống mây tre, lục bình giảm nên các doanh nghiệp, HTX sử dụng dây nhựa để sản xuất. Ngoài những mẫu do khách đặt hàng thì các doanh nghiệp, HTX chú ý đến thiết kế các mẫu mã mới để chào hàng.

Bà Lương Thị Thúy, Giám đốc HTX Hiệp Lực đan lát mây tre (TP.Biên Hòa), cho biết: “Từ đầu năm đến nay, HTX mới nhận được đơn hàng khoảng 10 tỷ đồng, giảm 40% so với những năm trước. Để giữ chân những thợ lành nghề, ngoài đan lát những sản phẩm bằng lục bình HTX còn làm thêm các sản phẩm đan lát bằng nhựa. Thị trường châu Âu bị ảnh hưởng nặng nề do đồng euro mất giá nên đơn hàng, giá sản phẩm đều giảm, HTX phải thiết kế các mẫu mã mới để mở rộng sang những thị trường Nhật Bản”.

Một số doanh nghiệp, HTX cũng đã quay về với thị trường nội địa, song mặt hàng này chưa được thị trường trong nước chú ý, bán được rất ít hàng. Mỗi doanh nghiệp, HTX đều có hàng ngàn mẫu mã khác nhau để khách hàng lựa chọn. Một số chuyên gia kinh tế đưa ra giải pháp cho ngành đan lát hàng thủ công mỹ nghệ là bên cạnh việc khai thác những thị trường xuất khẩu mới, các doanh nghiệp, HTX đan lát tìm được chỗ đứng cho sản phẩm tại thị trường trong nước như vậy sẽ bớt được áp lực, rủi ro khi chỉ lệ thuộc vào 1-2 thị trường lớn.

Hương Giang

 

 

Tin xem nhiều