Báo Đồng Nai điện tử
En

"Nới lỏng" để thu hút nhà đầu tư vào cụm công nghiệp

10:08, 14/08/2016

Nhiều năm nay, Đồng Nai khá nhiệt tình trong mời gọi đầu tư vào các cụm công nghiệp, song nhiều doanh nghiệp vẫn "ngại", dẫn đến tình trạng ế ẩm.

Nhiều năm nay, Đồng Nai khá nhiệt tình trong mời gọi đầu tư vào các cụm công nghiệp, song nhiều doanh nghiệp vẫn “ngại”, dẫn đến tình trạng ế ẩm. Trong đó, có những cụm công nghiệp thiếu vắng cả nhà đầu tư hạ tầng lẫn nhà đầu tư thứ cấp. Để thu hút đầu tư vào cụm công nghiệp, UBND tỉnh sẽ có những chính sách nới lỏng trong mời gọi đầu tư.

Một doanh nghiệp cơ khí ở huyện Trảng Bom muốn vào cụm công nghiệp nhưng ngại tiền thuê đất cao.
Một doanh nghiệp cơ khí ở huyện Trảng Bom muốn vào cụm công nghiệp nhưng ngại tiền thuê đất cao.

Đồng Nai hiện có 27 cụm công nghiệp với diện tích gần 1,5 ngàn hécta. Tính đến nay, có 15 cụm công nghiệp có chủ đầu tư hạ tầng và 12 cụm công nghiệp chưa có chủ đầu tư. Trong 15 cụm công nghiệp đã có hạ tầng hoàn chỉnh chỉ 3 cụm công nghiệp được lấp đầy là Cụm công nghiệp vật liệu xây dựng Hố Nai 3 (huyện Trảng Bom), Cụm công nghiệp Thiện Tân - Thạnh Phú (huyện Vĩnh Cửu) và Cụm công nghiệp Tân Hạnh
(TP.Biên Hòa), còn lại vắng bóng nhà đầu tư thứ cấp.

* Lo giá quá cao

Khi quy hoạch các cụm công nghiệp mục đích của tỉnh là để đưa các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong khu dân cư, không phù hợp quy hoạch, gây ô nhiễm vào hoạt động để bảo vệ môi trường. Đồng thời vào hội nhập sâu, các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần có nơi sản xuất đảm bảo mới ký được hợp đồng lâu dài với những đối tác nước ngoài hoặc xuất khẩu.  Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ trong tỉnh cũng muốn di dời vào cụm công nghiệp để yên tâm đầu tư sản xuất lâu dài, nhưng lại “ngại” vì giá thuê đất cao, cụm công nghiệp lại nằm quá xa vùng nguyên liệu, mất nhiều công vận chuyển.

Ông Phạm Việt Phương, Phó giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư, cho hay: “Đồng Nai có nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ đang sản xuất “chui”, rất muốn vào các cụm công nghiệp, song lại ngại chi phí cao. Vì các cụm công nghiệp đã có hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh giá cho thuê đất khá cao, gần bằng các khu công nghiệp. Do đó, muốn thu hút doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước vào các cụm công nghiệp, tỉnh phải có chính sách ưu đãi về giá thuê đất, vốn vay đầu tư mới”. Đồng Nai hiện có hàng ngàn doanh nghiệp vừa và nhỏ đang sản xuất trong các khu dân cư, nơi không phù hợp với quy hoạch và con số này sẽ không ngừng tăng nếu tỉnh không có chính sách ưu đãi rõ ràng trong mời gọi các nhà đầu tư thứ cấp vào cụm công nghiệp. Theo tính toán của chủ đầu tư một số cụm công nghiệp giá thuê đất khoảng 1,5-2,5 USD/m2/năm và doanh nghiệp thuê đất sau khi hợp đồng phải đóng trước 10 năm hoặc cả thời gian thuê. Như vậy muốn vào các cụm công nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ phải đóng trước vài tỷ đồng.

Ông Đặng Văn Điềm, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai, cho biết: “Thuê đất trong các cụm công nghiệp đã làm xong hạ tầng thì giá cao gần bằng khu công nghiệp nên nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ đành phải chọn giải pháp mua đất bên ngoài xây dựng nhà xưởng để sản xuất cho rẻ”. Một số doanh nghiệp vừa và nhỏ cho biết, dù không muốn nhưng vẫn phải chọn giải pháp mua đất bên ngoài xây dựng nhà xưởng để sản xuất do số tiền bỏ ra mua đất làm nhà xưởng chỉ bằng một nửa so với vào cụm công nghiệp. Bên cạnh đó, những doanh nghiệp nhỏ hoạt động sơ chế, chế biến nông sản ngại vào cụm công nghiệp vì xa vùng nguyên liệu sẽ tốn thêm một khoản chi phí trong vận chuyển.

* Nới rộng trong mời gọi đầu tư

Khó mời gọi nhà đầu tư hạ tầng trong nước nên Sở Công thương đã kiến nghị tỉnh nên mời gọi các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào hạ tầng cụm công nghiệp và đầu tư xây dựng nhà xưởng để sản xuất. Đồng thời, tỉnh cũng nên có chính sách ưu đãi cụ thể để ưu tiên cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước di dời, đầu tư vào cụm công nghiệp. 

Ông Lý Thành Phương, Phó giám đốc Sở Xây dựng, cho hay: “Các cụm công nghiệp nên có chính sách ưu tiên cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước để họ có đủ khả năng di dời hoặc đầu tư mới. Bởi mục đích của tỉnh khi hình thành các cụm công nghiệp là nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước có nơi sản xuất ổn định lâu dài đủ khả năng tham gia vào hội nhập”. Theo Sở Kế hoạch - đầu tư, mời gọi nhà đầu tư thứ cấp nước ngoài vào các cụm công nghiệp phải quy định rõ ngành nghề, diện tích và chú ý đến xử lý môi trường. Những doanh nghiệp nước ngoài thuê diện tích lớn thì chỉ cho đầu tư vào khu công nghiệp.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh nhấn mạnh: “Tỉnh ưu tiên làm cụm công nghiệp là để các doanh nghiệp vừa và nhỏ vào sản xuất. Việt Nam đã tham gia vào hội nhập sâu theo xu hướng chung vài năm nữa các doanh nghiệp không đảm bảo sản xuất xanh sẽ không có đơn hàng để làm. Đồng Nai đã có chính sách hỗ trợ 20 tỷ đồng cho doanh nghiệp đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp, yêu cầu các địa phương rà lại những khó khăn của doanh nghiệp khi vào cụm công nghiệp kiến nghị tỉnh để có chính sách hỗ trợ phù hợp”. Ngoài ra, Đồng Nai cũng đang khuyến khích các nhà đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp nên xây dựng sẵn nhà xưởng cho doanh nghiệp thứ cấp thuê. Các địa phương xem xét lại nhu cầu thực sự của các doanh nghiệp vừa và nhỏ tránh đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp rồi lại không có nhà đầu tư thứ cấp.

Khánh Minh

 

 

 

Tin xem nhiều