Báo Đồng Nai điện tử
En

Đồng Nai thu hút đầu tư FDI hơn 1 tỷ USD

12:06, 30/06/2016

Theo kế hoạch, năm 2016 Đồng Nai sẽ thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) khoảng 1 tỷ USD, nhưng 6 tháng đầu năm, số vốn thu hút được đã đạt trên 1 tỷ USD...

Kế hoạch năm 2016 Đồng Nai sẽ thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) khoảng 1 tỷ USD, nhưng 6 tháng đầu năm, số vốn thu hút được đã đạt trên 1 tỷ USD. Từ nay đến cuối năm, một số dự án “khủng” của doanh nghiệp FDI tiếp tục đầu tư vào tỉnh hứa hẹn lập kỷ lục mới.

Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái trao giấy chứng nhận đầu tư cho Ông Tsai Yu Minh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Great Kingdom Giang Điền tại Khu công nghiệp Giang Điền (huyện Trảng Bom).
Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái trao giấy chứng nhận đầu tư cho Ông Tsai Yu Minh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Great Kingdom Giang Điền tại Khu công nghiệp Giang Điền (huyện Trảng Bom).

Theo Sở Kế hoạch - đầu tư, trong 6 tháng đầu năm 2016 đã cấp mới 53 dự án đầu tư FDI có tổng vốn 394 triệu USD, điều chỉnh vốn 42 dự án tổng vốn tăng thêm 616 triệu USD. Những dự án FDI đầu tư vào tỉnh có chọn lọc nên phần lớn phù hợp với những ngành nghề tỉnh đang ưu tiên mời gọi đầu tư. Các doanh nghiệp FDI hầu hết đầu tư dự án vào các khu công nghiệp.

* Nhiều dự án lớn

Trong những dự án FDI đầu tư vào tỉnh trong 6 tháng đầu năm có 29 dự án có vốn lớn trên 10 triệu USD/dự án, trong đó có những dự án vốn đăng ký lên đến 60 triệu USD. Các chủ đầu tư đều khẳng định, thời gian xây dựng nhà xưởng và đi vào hoạt động chỉ sau 6-18 tháng kể từ khi được tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư. Những dự án có vốn lớn số đông thuộc công nghiệp hỗ trợ, các doanh nghiệp FDI đầu tư vào Đồng Nai là để hưởng các lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) và đón đầu Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Ông Kim Tae Hyun, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Dongwon Textile Việt Nam ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 6 (huyện Nhơn Trạch), cho hay: “Tôi đầu tư 60 triệu USD vào Đồng Nai để xây dựng nhà máy sản xuất sợi, vải các loại và sản phẩm dệt với công suất trên 20 ngàn tấn/năm để cung cấp cho thị trường Việt Nam và xuất khẩu. Lý do tôi chọn Đồng Nai để đầu tư vì tỉnh có công nghiệp phát triển, giao thông thuận lợi. Khoảng giữa năm 2017, công ty của tôi sẽ xây dựng xong và đi vào sản xuất”. Dự án của nhà đầu tư Hàn Quốc khi đi vào sản xuất sẽ giải quyết việc làm cho gần 1 ngàn lao động.

Ông Tsai Yu Minh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Great Kingdom Giang Điền tại Khu công nghiệp Giang Điền (huyện Trảng Bom) cho biết: “Tôi chọn Đồng Nai làm điểm đến đầu tư vì nhiều doanh nghiệp Đài Loan đầu tư vào tỉnh khá thành công. Ngoài ra, Đồng Nai có hạ tầng các khu công nghiệp hoàn chỉnh và nôi sản xuất sản phẩm gỗ xuất khẩu lớn của Việt Nam. Công ty đầu tư dự án 50 triệu USD để sản xuất sản phẩm gỗ xuất khẩu. Giữa năm 2017, dự án hoàn thành sẽ giải quyết việc làm cho gần 2 ngàn lao động”.

Các dự án đầu tư mới chủ yếu tập trung ở các khu công nghiệp: Nhơn Trạch, Long Đức, Long Thành, Giang Điền... với nhiều dự án có vốn lớn như: dự án Công ty TNHH Promax Textile (Brunei) vốn đăng ký 55 triệu USD, dự án Công ty TNHH Great Kingdom International Corporation Biên Hòa 15 triệu USD (Đài Loan), dự án Công ty TNHH Yong A Textile Vina Việt Nam (Hàn Quốc) 14 triệu USD, dự án Công ty TNHH Japan Best Foods (Nhật Bản)  gần 15 triệu USD, dự án Công ty TNHH Koikeya Việt Nam (Nhật Bản) 12,5 triệu USD...

* Tiếp tục thu hút nhiều nhà đầu tư

Yếu tố đầu tiên khiến các doanh nghiệp FDI chú ý đến Việt Nam hơn nhiều nước trong khu vực là vì đã có 15 FTA được ký kết và tới đây là TPP, FTA với Liên minh châu Âu. Luồng đầu tư của doanh nghiệp FDI từ cuối năm 2014 đã có sự dịch chuyển về Việt Nam khá rõ nét và Đồng Nai được nhiều nhà đầu tư chọn là điểm đến.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh, hiện Đồng Nai đang tiến hành cải cách hành chính và minh bạch các thủ tục trong thu hút đầu tư. Những doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Đồng Nai chỉ cần liên hệ với bộ phận một cửa tại Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh sẽ được hỗ trợ các thủ tục, hồ sơ. Những doanh nghiệp FDI có gì khó khăn, vướng mắc có thể báo về Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh hoặc đăng ký gặp trực tiếp lãnh đạo để trao đổi tháo gỡ.

Ông Cao Tiến Sỹ, Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai, cho biết: “Bên cạnh các lợi thế về hạ tầng khu công nghiệp, giao thông, địa lý thì các nhà đầu tư nước ngoài chọn Đồng Nai vì thủ tục hành chính được cải cách, rút ngắn. Đồng thời, tỉnh luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, những khó khăn vướng mắc được kịp thời tháo gỡ”. Cũng theo ông Sỹ, từ nay đến cuối năm sẽ có thêm một số doanh nghiệp FDI đầu tư vào tỉnh với những dự án có vốn lớn.

“Công ty Kuo Kuang đang dự tính đầu tư vào Đồng Nai để sản xuất ô tô, trạm trung chuyển phương tiện giao thông công cộng, vì đây là khu vực công nghiệp phát triển, đông lao động”, ông Douglas Wang, Giám đốc Bộ phận máy móc thiết bị Công ty giao thông vận tải Kuo Kuang nói. Theo ông Park Hyun Bae, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Đồng Nai, nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc đang muốn đầu tư vào Đồng Nai vì tỉnh có giao thông thuận lợi. Tới đây, sân bay quốc tế Long Thành xây dựng sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư Hàn Quốc đến Đồng Nai hơn.

Hương Giang

 

 

 

 

Tin xem nhiều