Báo Đồng Nai điện tử
En

Ông Iijima Isao, cố vấn đặc biệt của Thủ tướng Nhật Bản: Đầu tư của Nhật Bản vào Đồng Nai sẽ tăng cao

10:05, 16/05/2016

Từ năm 2010, làn sóng đầu tư của doanh nghiệp (DN) Nhật Bản dịch chuyển về Việt Nam ngày càng tăng. Đồng Nai là một trong 4 tỉnh, thành được nhiều DN Nhật Bản lựa chọn đầu tư nhiều nhất.

Từ năm 2010, làn sóng đầu tư của doanh nghiệp (DN) Nhật Bản dịch chuyển về Việt Nam ngày càng tăng. Đồng Nai là một trong 4 tỉnh, thành được nhiều DN Nhật Bản lựa chọn đầu tư nhiều nhất. Ông Iijima Isao, cố vấn đặc biệt của Thủ tướng Nhật Bản, khẳng định quan hệ giữa Nhật Bản - Đồng Nai sẽ ngày càng thắt chặt trên cả lĩnh vực kinh tế lẫn văn hóa.

Đến đầu tháng 5-2016, Nhật Bản đầu tư vào Đồng Nai 206 dự án với tổng vốn đăng ký 3,71 tỷ USD, xếp thứ ba trong 43 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Đồng Nai. Ngành nghề DN Nhật Bản đầu tư vào tỉnh nhiều là sản xuất công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp và đa số đều có công nghệ cao, thân thiện với môi trường, phù hợp với lĩnh vực tỉnh đang ưu tiên thu hút đầu tư.

 * Chuyển đầu tư về Việt Nam

 Thưa ông, có hay không sự dịch chuyển trong đầu tư của các DN Nhật Bản từ một số quốc gia lân cận về Việt Nam từ năm 2010 đến nay? Nguyên nhân là gì và liệu xu hướng này có bền vững hay không?

- Khoảng 6 năm trở lại đây, làn sóng đầu tư của các DN Nhật Bản có xu hướng dịch chuyển từ Trung Quốc, Thái Lan và một số nước khác về Việt Nam và khoảng 3 năm trở lại đây, làn sóng này mạnh mẽ hơn. Lý do là vì Việt Nam có nền chính trị khá ổn định, Chính phủ có phương châm đồng hành cùng DN, mọi khó khăn, vướng mắc được giải quyết nhanh nhằm bảo vệ quyền lợi cho DN. Giá nhân công, điện và các chi phí khác cũng thấp hơn những nước trong khu vực, như: Trung Quốc, Singapore, Thái Lan... và kinh tế Việt Nam nhiều năm nay tăng trưởng cao, ổn định.

Ngoài ra, Việt Nam là một trong những nước tham gia vào hội nhập sâu nhanh hơn so với các nước trong khu vực với 15 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã được ký kết và đàm phán xong. Các FTA thế hệ mới giúp DN Nhật Bản cũng như nước ngoài đầu tư vào Việt Nam khi đưa hàng hóa xuất khẩu sẽ thuận lợi và tăng khả năng cạnh tranh, vì theo lộ trình thuế sẽ giảm dần về 0%, đặc biệt là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

 Theo ông, những ưu thế nào giúp Đồng Nai nằm trong nhóm dẫn đầu các tỉnh, thành thu hút đầu tư của DN Nhật Bản?

- Tôi cho rằng các ưu thế chủ quan là khá nhiều. Từ năm 2013, nhiều tập đoàn, DN vừa và nhỏ của Nhật Bản đã chọn Đồng Nai đầu tư do tỉnh có lợi thế về giao thông, địa lý, gần TP.Hồ Chí Minh, dễ tiếp cận với đội ngũ chuyên gia, tuyển dụng lao động chất lượng cao. Chính quyền tỉnh có những ưu ái cho DN Nhật Bản khi đầu tư vào Đồng Nai, như: thành lập bàn Kansai hỗ trợ về thủ tục, hồ sơ. Hàng năm, tỉnh đều tổ chức các đoàn sang Nhật Bản gặp gỡ các DN giới thiệu chính sách, lĩnh vực mời gọi đầu tư. Đồng thời, tỉnh còn thành lập riêng Khu công nghiệp Long Đức (huyện Long Thành), xây dựng sẵn nhà xưởng Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3 (huyện Nhơn Trạch) để mời gọi những DN vừa và nhỏ Nhật Bản.

Những tập đoàn của Nhật Bản đầu tư sớm vào Đồng Nai hầu hết hoạt động hiệu quả, như: Fujitsu, Mabuchi Motor, Lixil, Shimamoto, Ajinomoto... Các tập đoàn này sau một thời gian hoạt động tại Đồng Nai đã tăng vốn gấp nhiều lần ban đầu và mở rộng sản xuất cũng là yếu tố giúp những nhà đầu tư mới của Nhật Bản yên tâm hơn khi chọn Đồng Nai.

* Sẽ thêm nhiều lĩnh vực

 Trong thời gian tới, những lĩnh vực đầu tư nào mà DN Nhật sẽ quan tâm, thưa ông?

- Tôi có thể khẳng định là đầu tư của Nhật Bản vào Đồng Nai tới đây sẽ tiếp tục tăng cao và lĩnh vực đầu tư cũng được mở rộng sang cả nông nghiệp công nghệ cao, chế biến nông sản, dược phẩm, y tế, du lịch và xây dựng. Chuyến làm việc tại Đồng Nai của tôi lần này có đại diện các tập đoàn lớn thuộc lĩnh vực du lịch, y tế, vận tải, nông nghiệp công nghệ cao, môi trường, thiết kế xây dựng cùng đi để tìm hiểu chính sách và khảo sát thực tế để chọn địa điểm đầu tư. Những chủ tập đoàn Nhật Bản sang khảo sát Đồng Nai đều có chung nhận xét là tỉnh còn nhiều tiềm năng cho  nhà đầu tư vào các lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, du lịch, logistics và y tế.

Tôi chưa từng nghe DN Nhật Bản nào đầu tư vào Đồng Nai phàn nàn về những khó khăn của mình mà không được giải quyết. Tuy nhiên để thu hút đầu tư vào tỉnh tốt hơn, tôi nghĩ Đồng Nai nên tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, đơn giản và rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ, giấy tờ cho DN, trong đó chú ý nhiều đến lĩnh vực thuế, hải quan cần tạo thuận lợi hơn nữa. Đồng Nai cũng nên chú ý liên kết với các trường đại học, trung tâm trong và ngoài nước đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao cho các lĩnh vực để hỗ trợ DN đầu tư vào tỉnh dễ dàng tuyển dụng lao động, sớm ổn định sản xuất.

Đặc biệt, lĩnh vực du lịch, tỉnh có rất nhiều sông, hồ, rừng, thác tự nhiên khá đẹp nhưng chưa được khai thác đúng tầm. Nếu được đầu tư bài bản, những khu vực đó sẽ trở thành nơi thu hút rất đông khách tham quan trong và ngoài nước đến vui chơi giải trí.

Trong tương lai gần, sân bay quốc tế Long Thành được xây dựng và đi vào hoạt động, Đồng Nai sẽ đón làn sóng đầu tư lớn từ Nhật Bản và nhiều quốc gia khác trên các lĩnh vực. Phát triển du lịch, dịch vụ sẽ giúp Đồng Nai tăng thêm nguồn thu lớn và vị thế.

 Biết về Đồng Nai lâu năm, ông đánh giá như thế nào về môi trường đầu tư và tỉnh cần làm gì để thu hút đầu tư tốt hơn?

- Đồng Nai là cái nôi phát triển công nghiệp của cả nước. Các khu công nghiệp xây dựng khá bài bản và có phân định rõ từng khu vực phát triển ngành nghề nào và các khu công nghiệp đều có nhà máy xử lý nước thải tập trung. Đây là thuận lợi cho các DN khi đầu tư vào tỉnh, vì dễ dàng liên kết với các DN khác cùng lĩnh vực để cung ứng nguyên liệu cho nhau, rút ngắn khoảng cách thời gian vận chuyển hàng hóa.

Các nhà đầu tư khi chọn điểm đến thường chú ý đến hạ tầng giao thông, chính sách, giá thuê đất và nguồn cung nguyên liệu. Những yếu tố trên Đồng Nai hội tụ gần đủ nên có thể đánh giá môi trường đầu tư của Đồng Nai khá tốt.

 Xin cảm ơn ông!

Hương Giang (thực hiện)

 

 

 

Tin xem nhiều