Báo Đồng Nai điện tử
En

Tìm chỗ đứng trong gia công

11:03, 09/03/2016

Hội nhập kinh tế sâu rộng giúp Việt Nam trở thành nơi hấp dẫn về đầu tư. Các doanh nghiệp (DN) nước ngoài đã đổ vốn vào thời gian gần đây để đón đầu cơ hội tốt từ hội nhập của Việt Nam. Ngoài việc mở rộng sản xuất các DN lớn, họ còn liên kết với DN nhỏ trong nước để tăng tính hiệu quả.

Hội nhập kinh tế sâu rộng giúp Việt Nam trở thành nơi hấp dẫn về đầu tư. Các doanh nghiệp (DN) nước ngoài đã đổ vốn vào thời gian gần đây để đón đầu cơ hội tốt từ hội nhập của Việt Nam. Ngoài việc mở rộng sản xuất các DN lớn, họ còn liên kết với DN nhỏ trong nước để tăng tính hiệu quả.

Công nhân sản xuất tại Công TNHH Châu Hoàng Thịnh (huyện Trảng Bom).
Công nhân sản xuất tại Công TNHH Châu Hoàng Thịnh (huyện Trảng Bom).

Đây cũng là cơ hội cho cả DN trong nước, đặc biệt là những DN vừa và nhỏ. Nhiều DN nhỏ trong nước đang tích cực tìm chỗ đứng cho mình ở lĩnh vực gia công hàng cho công ty lớn.

* Gia tăng giá trị sản phẩm

Công TNHH Châu Hoàng Thịnh (huyện Trảng Bom) đang gấp rút hoàn thành một nhà xưởng sản xuất mới với diện tích 1.500 m2 để nhận các đơn hàng có mức hoàn thiện cao nhằm tăng thêm giá trị. Ông Đỗ Văn Cư, Giám đốc công ty, cho biết hiện DN đang gia công chi tiết các sản phẩm gỗ cho 4 DN lớn làm hàng xuất khẩu. “Từ trước tới nay, công ty chỉ nhận gia công một chi tiết trong sản phẩm, sắp tới tôi đầu tư thêm máy móc, nhà xưởng sẽ nhận hoàn thiện cả sản phẩm. Cũng là gia công nhưng sẽ nâng cao được thêm giá trị” - ông Cư nói.

Cũng trong lĩnh vực chế biến gỗ, Công ty TNHH một thành viên Trường Liên (phường Long Bình, TP.Biên Hòa) đã sản xuất hàng gia công cho các đối tác là DN Đài Loan và Hàn Quốc gần 10 năm. Đến nay, các sản phẩm giường, tủ sản xuất đều là thành phẩm không còn là những chi tiết rời rạc như trước đây. Ông Nguyễn Văn Tiệp, Giám đốc công ty, chia sẻ: “Gia công sản phẩm đến khâu hoàn thiện đòi hỏi phải đầu tư máy móc, dây chuyền sản xuất nhiều hơn, bù lại lợi nhuận khá hơn so với làm loại hàng chi tiết”.

Ở ngành hàng đan lát xuất khẩu cũng tương tự, nhiều đơn vị làm hàng gia công hiện nay đều nhận trọn bộ về sản xuất theo mẫu. Bà Dương Thị Ngọc Thúy, Phó giám đốc DNTN Minh Thúy (phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa), cho hay những năm trước DN nhận hàng sản xuất từ các công ty xuất khẩu lớn ở Bình Dương về làm. Tuy nhiên chỉ nhận 1 bộ phận nào đó, ví dụ như đan một bộ bàn ghế thì chỉ nhận mẫu bàn hoặc ghế về để dễ sản xuất. Nhưng 2 năm nay khi đơn hàng khá tốt, DN đã lãnh trọn bộ để làm. Việc này tốn công nhưng mang lại thu nhập tốt hơn. Nhiều DN ở các lĩnh vực sản xuất khác cũng đang chọn hướng  gia công này.

* Xu hướng mới

Theo các nhà chuyên môn, việc Việt Nam đang tích cực tham gia vào Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và các hiệp định thương mại tự do  khác đã tạo ra một lợi thế mới cho các nhà đầu tư. Ông Nguyễn Quang Phát, Phó giám đốc kinh doanh Công ty cổ phần Minh Phú AC (ở TX.Dĩ An, Bình Dương, chuyên xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ), cho hay đối tác kinh doanh của công ty ông ở Đức khi thấy được lợi thế hàng của Việt Nam trên thị trường châu Âu đã yêu cầu nhà cung cấp tăng mạnh nguồn hàng. Việc công ty mở rộng sản xuất để đáp ứng lượng hàng là rất tốn kém nên chọn phương án liên kết với các nhà sản xuất nhỏ như những “cánh tay nối dài” trong sản xuất. Để đảm bảo hàng giao tốt, DN tạo điều kiện cho các DN này gia công trọn gói sản phẩm.

Ông Phát chia sẻ: “Phải là những DN làm ăn uy tín thì chúng tôi mới cho gia công theo hình thức này để tránh bị động hàng. Các đơn vị gia công tăng được lợi nhuận, còn chúng tôi có được lượng hàng lớn đáp ứng các hợp đồng xuất khẩu”.  Về vấn đề này, Hội Xuất nhập khẩu Đồng Nai cũng cho rằng, cạnh tranh trong xu thế hội nhập, các DN sản xuất hàng xuất khẩu lớn sẽ chọn cho mình phương án liên kết với các DN nhỏ trong nước để có được sản phẩm có giá cạnh tranh nhất, đồng thời có được lượng hàng lớn mà ít phải đầu tư hơn. Tham gia trong chuỗi sản xuất này, các DN nhỏ cũng  từng bước nâng tính chuyên nghiệp lên.

Vân Nam

 

 

 

Tin xem nhiều