Báo Đồng Nai điện tử
En

Việt Nam cần xung lực mới để phát triển

09:03, 11/03/2016

Với cương vị trưởng đoàn, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh đã đại diện cho Việt Nam tham gia nhiều lần đàm phán về những hiệp định thương mại với các nước.

Với cương vị trưởng đoàn, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh đã đại diện cho Việt Nam tham gia nhiều lần đàm phán về những hiệp định thương mại với các nước. Nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết FTA với EU đàm phán xong có sự góp sức không nhỏ từ ông.

Ấn tượng cho những người từng gặp ông Khánh là điềm tĩnh, giản dị, dễ gần và cách nói chuyện nhẹ nhàng, cuốn hút người nghe; khi tham gia đàm phán lại bản lĩnh, khéo léo để luôn mang lại lợi ích lớn nhất cho Việt Nam. Ông là người nắm rõ các FTA, TPP, Cộng đồng kinh tế ASEAN đem lại những lợi thế lẫn khó khăn gì cho Việt Nam.

“Chúng ta không vội vã”

* Hiện nay, có những luồng ý kiến cho rằng Việt Nam quá vội khi tiến hành ký kết đồng loạt nhiều FTA và đàm phán xong TPP trong khi chưa có sự chuẩn bị kỹ càng từ trong nước. Như vậy, Việt Nam khó tận dụng các cơ hội để phát triển, ông có ý kiến thế nào?

- Tôi tham gia đàm phán đã nhiều năm và cho rằng đây là thời cơ chín muồi để ký kết các FTA thế hệ mới nhằm tạo ra một xung lực mới cho phát triển kinh tế trong nước. Tham gia các thị trường lớn của thế giới sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam mở rộng xuất khẩu, thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp lớn của nước ngoài vào đầu tư những lĩnh vực còn đang thiếu và yếu, như: sản xuất công nghiệp hỗ trợ, vận tải biển, dịch vụ, du lịch...

Tôi nhớ, trước đây khi Việt Nam gia nhập WTO cũng có những ý kiến cho rằng quá sớm. Nhưng thực tế thời gian qua đã chứng minh Việt Nam đã làm đúng: GDP tăng nhanh, kim ngạch xuất khẩu, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đều tăng cao, giải quyết việc làm ổn định cho nhiều lao động, đời sống của người dân được nâng lên. Đồng thời, giúp thể chế phát triển kinh tế trong nước từng bước hoàn thiện. Việc tham gia các FTA thế hệ mới sẽ giúp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh từ doanh nghiệp và sản phẩm. Tôi có thể khẳng định rằng sau thời gian tham gia hội nhập sâu, Việt Nam đủ tự tin để bước vào cuộc chơi mới với các FTA thế hệ mới. Đi trước và nhanh hơn các nước lân cận trong việc đàm phán và ký kết các FTA, TPP, nước ta chiếm ưu thế khi làn sóng đầu tư nước ngoài có hướng dịch chuyển về Việt Nam.

 * Ông đánh giá ra sao về mức độ sẵn sàng tham gia hội nhập của doanh nghiệp Việt Nam?

- Việt Nam đã tham gia hội nhập kinh tế quốc tế từ 20 năm trước chứ không phải đến bây giờ mới bước vào hội nhập, nên thực tế con đường này là doanh nghiệp đang đi tiếp. Đàm phán, ký kết thêm các FTA thế hệ mới chỉ là hội nhập sâu và toàn diện hơn giúp Việt Nam có thêm những lợi thế để cạnh tranh xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài so với các nước trong khu vực để doanh nghiệp trong nước phát triển sản xuất, mở rộng thị trường xuất khẩu và mời gọi đầu tư. Những doanh nghiệp lớn của Việt Nam hầu như đều có sự chuẩn bị tương đối kỹ nên tận dụng được rất nhiều lợi thế để phát triển sản xuất. Không ít doanh nghiệp Việt Nam đã phát triển và xây dựng được thương hiệu lớn ở thị trường trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên, những doanh nghiệp vừa và nhỏ khả năng tham gia hội nhập vẫn còn yếu, còn mơ hồ chưa hiểu rõ các FTA thế hệ mới hoặc TPP là gì, vì thế đang để vuột dần cơ hội. Các FTA và TPP, Cộng đồng kinh tế ASEAN chỉ đem lại cơ hội cho doanh nghiệp Việt trong 5-7 năm tới nên không nhanh tay bắt lấy sẽ mất và cơ hội này sẽ không trở lại.

* Việt Nam đã đàm phán và ký kết khoảng 16 FTA. Theo ông, những hiệp định nào có ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế trong nước?

- Có 3 hiệp định sẽ ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam là: TPP, FTA với Liên minh châu Âu và FTA với Liên minh kinh tế Á - Âu. Tôi nói vậy vì 3 hiệp định trên giúp nâng Việt Nam lên một vị thế mới trên quốc tế; do các nước lân cận, như: Thái Lan, Trung Quốc, Indonesia...đều chưa tham gia nên các nhà đầu tư khi muốn đầu tư vào khu vực này sẽ chú ý đến Việt Nam nhiều hơn; vì hàng hóa sản xuất tại Việt Nam khi xuất khẩu vào các 11 nước thuộc TPP, 28 nước châu Âu, Nga... sẽ hưởng rất nhiều ưu đãi về thuế, thủ tục. Như vậy, hàng hóa sẽ có giá thành cạnh tranh hơn. Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế độc lập quốc tế, TPP có thể giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 23,5 tỷ USD vào năm 2020 và 33,5 tỷ USD vào năm 2025, còn xuất khẩu sẽ tăng 68 tỷ USD vào năm 2025. Và Việt Nam sẽ là nước hưởng lợi nhất trong số 12 nước cùng tham gia TPP.

Riêng FTA với Liên minh châu Âu giúp doanh nghiệp trong nước mở rộng thêm thị trường xuất khẩu sang những nước thuộc liên minh này. Đây là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam. FTA với Liên minh kinh tế Á - Âu, Việt Nam là nước nhanh chân nhất vì chưa có quốc gia nào ký được hiệp định thương mại sâu như vậy với Nga và các nước khác trong khối này. Đi trước một bước, có lợi thế thuế giảm sâu hàng hóa Việt Nam xuất khẩu vào những nước ngày tăng khả năng cạnh tranh với hàng của những nước khác, như: Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan.

Chủ động hơn với FTA

* Thời điểm này, các doanh nghiệp vừa và nhỏ mới tham gia sâu vào các FTA thế hệ mới thì liệu có quá chậm khi doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam đã có sự chuẩn bị từ 2-3 năm trước?

- Tương đối chậm, song cơ hội vẫn còn dành cho chúng ta trong 5-7 năm tới nên nhanh chân vẫn nắm bắt kịp để phát triển. Vì sau khi TPP, FTA với EU được ký kết, thuế một số lĩnh vực, hàng hóa giảm theo lộ trình.

So với các nước cùng tham gia FTA, TPP thì phòng vệ thương mại của Việt Nam rất yếu. Tham gia vào hội nhập sâu cũng là công cụ bảo vệ đắc lực cho doanh nghiệp cho nên các doanh nghiệp phải tìm hiểu kỹ quy định này để tự bảo vệ chứ Nhà nước không thể đứng ra làm thay. Khi có những mặt hàng của nước ngoài bán phá giá tại Việt Nam, Nhà nước muốn xử lý phải dựa vào đơn khởi kiện của doanh nghiệp. Muốn đơn khởi kiện hợp lệ, doanh nghiệp phải chứng minh được giá thành bán phá giá của mặt hàng đó và mối quan hệ sụt giảm của bán phá giá. Gần đây một số doanh nghiệp Việt Nam chủ động kiện bán phá giá thành công, như: thép không rỉ, dầu thực vật.

Nhưng để không chậm hơn nữa, ngay từ bây giờ doanh nghiệp phải tìm hiểu kỹ những quy định của TPP, FTA với EU cho ngành hàng mình đang sản xuất, hiểu rõ sẽ biết được đâu là lợi thế, đâu là thách thức có sự điều chỉnh, quản trị doanh tốt hơn. Trong đó, chú ý đến xuất xứ hàng hóa, chất lượng, môi trường, lao động, sở hữu trí tuệ vì những nước trong TPP, EU đòi hỏi kỹ và cao. Hiện nhiều tập đoàn, doanh nghiệp trong TPP, EU đã tìm đến Việt Nam để liên kết đầu tư và nhập khẩu hàng hóa trực tiếp, doanh nghiệp Việt có thể liên kết với các doanh nghiệp nước ngoài để mở rộng sản xuất và thị trường cùng tham gia chuỗi cung ứng hàng hóa thế giới.

* Với TPP, ngành nông nghiệp Việt Nam đầy lo lắng, đặc biệt chăn nuôi heo, gà có nguy cơ xóa sổ. Đồng Nai là tỉnh có ngành chăn nuôi lớn nhất cả nước, nỗi lo cũng lớn hơn. Theo ông, có cách nào để giảm rủi ro xuống mức thấp nhất cho ngành chăn nuôi khi TPP chính thức?

- Khi tham gia các FTA thế hệ mới có được cũng sẽ có mất. Cái mất của Việt Nam là ngành chăn nuôi trong nước bị đe dọa vì khó cạnh tranh được với giá heo gà của một số nước trong TPP, như: Hoa Kỳ, Canada. Tuy nhiên đây là mặt hàng được xếp vào nhóm “nhạy cảm” nên Việt Nam đã đàm phán và được chấp thuận kéo dài lộ trình giảm thuế trong 10 năm để  ngành chăn nuôi có thể tái cơ cấu, nâng sức cạnh tranh. Một thời gian dài Việt Nam đã bảo hộ cho ngành chăn nuôi trong nước, nhưng đã đến lúc phải bỏ dần ưu đãi này khi tham gia hội nhập sâu. Tôi nghĩ tạo ra sức ép cho ngành chăn nuôi sẽ giúp chăn nuôi trong nước phát triển bền vững hơn.

Trong thời gian 10 năm, doanh nghiệp, nông dân phải tạo ra chuỗi liên kết hạ giá thành sản phẩm và đảm bảo các yêu cầu về an toàn thực phẩm thì mới tồn tại và phát triển được. Đã đến lúc chăn nuôi Việt Nam cũng như Đồng Nai phải liên kết, phân cấp người chuyên lo khâu giống, người chuyên sản xuất, người chuyên lo tiêu thụ. Đồng thời, Nhà nước sẽ hỗ trợ tốt cho người dân, doanh nghiệp về chính sách.

 * Xin cảm ơn ông!

Hương Giang (thực hiện)

 

 

 

 

Tin xem nhiều