Báo Đồng Nai điện tử
En

Tay trắng lập nghiệp

10:03, 27/03/2016

Năm 19 tuổi, anh Đỗ Văn Cư (Giám đốc Công ty TNHH Châu Hoàng Thịnh, xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom) rời tỉnh Thái Bình vào miền Nam lập nghiệp. Chỉ 2 bàn tay trắng, nhưng nhờ có sẵn nghề mộc vốn học từ thời còn ngồi trên ghế nhà trường nên anh Cư sớm ổn định được công việc cho mình và tạo lập được chỗ đứng cho mình.

 

Năm 19 tuổi, anh Đỗ Văn Cư (Giám đốc Công ty TNHH Châu Hoàng Thịnh, xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom) rời tỉnh Thái Bình vào miền Nam lập nghiệp. Chỉ 2 bàn tay trắng, nhưng nhờ có sẵn nghề mộc vốn học từ thời còn ngồi trên ghế nhà trường nên anh Cư sớm ổn định được công việc cho mình và tạo lập được chỗ đứng cho mình.

Anh Đỗ Văn Cư đang kiểm tra sản phẩm tại xưởng sản xuất.
Anh Đỗ Văn Cư đang kiểm tra sản phẩm tại xưởng sản xuất.

Đến xưởng sản xuất của Công ty TNHH Châu Hoàng Thịnh vào thời điểm này, công nhân đang tấp nập tăng ca. Anh Cư cho biết khách hàng cần gấp nên từ sau Tết Nguyên đán đến nay, công ty phải tổ chức cho công nhân tăng ca liên tục.

* Từ làm thuê đến làm chủ

Năm 1998, thi không đậu đại học, anh Cư khăn gói vào miền Nam để tìm việc làm. Trạm dừng của anh là xã Hố Nai 3. Chỉ sau một tháng làm việc cho một công ty chế biến gỗ ở phường Tân Hòa, TP.Biên Hòa, anh Cư đã mạnh dạn xin nhận hàng mang về nhà trọ để làm ăn theo sản phẩm. Theo anh Cư, việc mang hàng về nhà trọ anh sẽ tranh thủ và làm được nhiều hơn so với đến công ty làm việc.

Do có tay nghề, các sản phẩm chạm khắc của anh làm đường nét sắc sảo hơn nên chỉ 3 tháng sau chủ doanh nghiệp đã chưng dụng anh vào làm quản lý sản xuất. Những năm đó ngành mộc xuất khẩu đang thịnh vượng nên những thợ có tay nghề luôn được các công ty chế biến gỗ săn đón, trường hợp anh Cư cũng không ngoại lệ. Làm quản lý cho DN ở Tân Hòa 9 tháng thì một công ty chế biến gỗ tại quận 9, TP.Hồ Chí Minh mời anh về làm quản lý cho DN này. Ở đây, chủ DN không chỉ bố trí anh làm quản lý mà còn cho phép anh tự tuyển công nhân riêng để làm gia công sản phẩm cho công ty. Rồi những công ty chế biến gỗ khác ở Bình Dương cũng lôi kéo anh bằng nhiều hình thức hấp dẫn khác. Sau 5 năm “trôi dạt” từ Đồng Nai, TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương, anh trở lại vùng đất mà ngày đầu bước chân vào miền Nam để lập nghiệp. 

* Làm ăn với “ông lớn”

Năm 2002, anh Cư dành dụm được một ít vốn, về lại xã Hố Nai 3 mua đất làm xưởng sản xuất riêng cho mình. Xưởng được dựng lên nhưng khi kết nối làm ăn với các công ty chế biến gỗ xuất khẩu nước ngoài (FDI) thì gặp nhiều khó khăn. Anh loay hoay đi vay mượn tiền các nơi để cố gắng hoàn chỉnh hệ thống nhà xưởng đạt yêu cầu của đối tác. “Các công ty FDI rất kỹ tính, mình muốn nhận hàng về gia công, họ xuống tận nơi để kiểm tra hệ thống nhà xưởng của mình xem có đạt hay không mới ký hợp đồng” - anh Cư chia sẻ. Anh cho hay, anh chọn đối tác là các công ty FDI để thực hiện gia công các chi tiết sản phẩm cho họ bởi các công ty này thường có đơn hàng dài, ít bị ngưng việc, giá tốt hơn.

Trong sản xuất mộc, anh Cư chọn một góc hẹp trong ngành này mà mình có thế mạnh nhất để phát triển. Cụ thể, những chiếc tủ, giường, bàn trang điểm vv… có những chi tiết hoa văn chạm khắc mà máy không thực hiện được phải làm bằng thủ công thì anh nhận phần đó về sản xuất. Ngoài ra, 3 năm trở lại đây anh đã thực hiện làm mẫu hàng cho các công ty chế biến gỗ lớn ở các khu công nghiệp Bàu Xéo (huyện Trảng Bom), Tam Phước (TP.Biên Hòa). Anh cũng cho biết thêm, hiện anh đang đầu tư thêm nhà xưởng sản xuất và tăng cường một số máy móc hỗ trợ để thực hiện những đơn hàng lớn đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Hiện một số đối tác đang muốn công ty anh hoàn thiện sản phẩm hoàn chỉnh hơn thay vì chỉ gia công đơn thuần các chi tiết sản phẩm như trước đây và công ty đang tính đến chuyện đầu tư mở rộng thêm dây chuyền sản xuất, máy móc chuyên nghiệp hơn.

Vân Nam

 

Tin xem nhiều