Báo Đồng Nai điện tử
En

Cần 3-5 tháng để khắc phục sự cố sập cầu Ghềnh

06:03, 21/03/2016

Chiều 20-3, các Thứ trưởng Bộ Giao thông - vận tải: Nguyễn Hồng Trường, Nguyễn Ngọc Đông cùng đoàn công tác của bộ đã có mặt tại Đồng Nai để làm việc về vụ xà lan đâm sập cầu Ghềnh.

[links()]Chiều 20-3, các Thứ trưởng Bộ Giao thông - vận tải: Nguyễn Hồng Trường, Nguyễn Ngọc Đông cùng đoàn công tác của bộ đã có mặt tại Đồng Nai để làm việc về vụ xà lan đâm sập cầu Ghềnh.

Nhóm thợ lặn đang xuống sông để xác định nơi tàu đẩy xà lan bị chìm.
Nhóm thợ lặn đang xuống sông để xác định nơi tàu đẩy xà lan bị chìm. Ảnh: Vân Nam

Đoàn đã khảo sát hiện trường nơi cầu bị sập, làm việc với lãnh đạo Ga Biên Hòa về công tác vận chuyển hành khách, phối hợp với UBND tỉnh Đồng Nai để tìm giải pháp khắc phục sự cố xảy ra.

Điều tiết lại giao thông

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông đã yêu cầu ngành đường sắt Việt Nam tổ chức lại giao thông, bởi ga đầu và cuối trong hành trình Bắc - Nam hiện nay là Ga Biên Hòa. Trong ngày xảy ra sự cố do không chủ động được nên cần tổ chức xe ô tô để vận chuyển hành khách kịp thời. Bắt đầu từ ngày 21-3, Tổng công ty đường sắt Việt Nam tổ chức điều độ lại việc chạy tàu và có kế hoạch cụ thể để tăng cường lực lượng cho Ga Biên Hòa. Theo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, sau sự cố này cơ quan đường sắt cần làm việc với các đơn vị vận tải hàng không và đường bộ để chia sẻ lượng khách.

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết sẽ cử cán bộ có trách nhiệm phối hợp với Công an Đồng Nai nhanh chóng điều tra vụ việc. Đối với hệ thống chạy tàu sẽ phải bố trí lại toàn bộ hành trình, tìm mọi cách giải tỏa nhanh hành khách tại các ga bị dồn ứ. Những trường hợp không giải tỏa kịp thì phải bố trí chỗ ăn, ở đảm bảo an toàn. Tại các điểm giao thông bị ách tắc bởi sự cố, lực lượng công an cũng cần phải bố trí hợp lý.

Một việc cấp bách khác được lãnh đạo Bộ và UBND tỉnh đề ra là phải lập phương án để phân luồng giao thông đường thủy, các phương tiện giao thông đường thủy qua khu vực này phải có đèn báo hiệu.

Cũng trong chiều 20-3, Bộ Giao thông - vận tải đã thành lập Tổ công tác đặc biệt do Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông làm tổ trưởng.

Khắc phục nhanh sự cố

Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái cho rằng ngoài việc tỉnh tập trung tổ chức tốt giao thông, vấn đề còn lại tỉnh sẽ hỗ trợ các đơn vị để thực hiện trục vớt xà lan, các nhịp cầu bị đổ cũng như công tác thi công cầu sau này. Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh, việc trục vớt xà lan cần phải thực hiện khẩn trương vì để lâu sẽ xảy ra tình trạng xà lan trôi dạt gây ảnh hưởng đến an toàn giao thông đường thủy.

Lãnh đạo Bộ Giao thông - vận tải yêu cầu trong việc khắc phục phải giao ngay cho đơn vị tư vấn để đánh giá phương án trục vớt xà lan, tàu đẩy và nhịp cầu bị sập. Đặc biệt, cần đánh giá lại các trụ cầu xem còn dùng được hay không, lên phương án và chỉ định đơn vị thi công với mục tiêu phải khắc phục sự cố nhanh nhất.

Thứ trưởng phụ trách Bộ Giao  thông vận tải Nguyễn Hồng Trường yêu cầu trong 2 ngày tới phải giải tỏa xong xà lan để không trôi và đập gây ảnh hưởng đến các phương tiện khác. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng phối hợp với đơn vị khảo sát tiến hành trục vớt dầm cầu đã bị gãy. “Bộ sẽ cử hẳn một đồng chí cán bộ đường sắt Việt Nam theo dõi sát sao việc trục vớt để đưa ra phương án sửa chữa” - Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường nhấn mạnh.

Viện Khoa học công nghệ giao thông - vận tải (thuộc Bộ Giao thông - vận tải) là cơ quan thẩm định, phối hợp với Tổng công ty đường sắt Việt Nam lên phương án trục vớt và tìm giải pháp khắc phục sự cố này. Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường, từ nay đến khi trục vớt và xử lý xong vụ việc, ban chỉ đạo phải thường xuyên cập nhật thông tin mỗi ngày để chỉ đạo kịp thời.

Theo nhận định của lãnh đạo Bộ Giao thông - vận tải, việc khắc phục được sự cố sập cầu này có thể phải mất từ 3-5 tháng. Chính vì vậy cần phải có sự phối hợp chặt của các đơn vị với địa phương để triển khai. Nguồn kinh phí do Tổng công ty đường sắt làm đầu mối ứng trước, sau này Bộ Giao thông - vận tải sẽ báo cáo Chính phủ.

Trần Danh - Khắc Giới

Tin xem nhiều