Báo Đồng Nai điện tử
En

Hiệp định thương mại tự do: Sức ép cho phát triển

07:02, 27/02/2016

Đến đầu năm 2016, Việt Nam đã ký kết và đàm phán 15 hiệp định thương mại tự do (FTA). Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh, việc ký kết, đàm phán xong nhiều FTA tạo ra sức ép để phát triển.

Đến đầu năm 2016, Việt Nam đã ký kết và đàm phán 15 hiệp định thương mại tự do (FTA). Theo ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công thương, Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ về kinh tế và thương mại quốc tế, việc ký kết, đàm phán xong nhiều FTA đã tạo ra sức ép để Việt Nam phát triển.

May mặc là một trong 2 lĩnh vực Việt Nam hưởng lợi nhiều nhất khi ký kết các FTA. Trong ảnh: Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Công ty cổ phần Tổng công ty may Đồng Nai.
May mặc là một trong 2 lĩnh vực Việt Nam hưởng lợi nhiều nhất khi ký kết các FTA. Trong ảnh: Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Công ty cổ phần Tổng công ty may Đồng Nai.

Ngày 26-2, Đồng Nai đã tổ chức hội nghị trực tuyến “Vận dụng cơ hội của các FTA để nâng cao năng lực hội nhập, cạnh tranh của doanh nghiệp, hiệp hội và chính quyền địa phương” với 11 huyện, TX.Long Khánh, TP.Biên Hòa. Hội nghị nhằm cung cấp thêm các thông tin về các FTA giúp doanh nghiệp, chính quyền nắm rõ các cơ hội, thách thức khi tham gia hội nhập, đồng thời hiểu rõ phải chuẩn bị những gì để không vuột mất những lợi thế từ các FTA.

* Hội nhập phiên bản mới

Thực tế, Việt Nam đã bước vào con đường hội nhập 20 năm nay, bắt đầu từ việc tham gia vào khu vực thương mại tự do giữa các nước ASEAN. Kết quả hội nhập quốc tế sau 20 năm là kim ngạch xuất khẩu tăng 32 lần, đời sống của người dân cả nước được nâng lên. Và cũng từ khi tham gia vào hội nhập từ năm 1996, Việt Nam đã bắt đầu thực hiện các chính sách cắt bỏ thuế quan theo lộ trình, mở cửa thị trường. Nhưng những FTA Việt Nam ký kết gần đây được coi là FTA thế hệ mới. Trong thời gian ngắn, Việt Nam ký kết hàng loạt FTA thế hệ mới làm nảy sinh 2 luồng ý kiến. Một luồng ý kiến cho rằng thời điểm này ký kết là thích hợp nhất vì tạo thêm sức ép cho Nhà nước, doanh nghiệp trong nước phát triển, song có luồng ý kiến khác cho rằng quá vội vàng.

Cam kết lộ trình giảm thuế trong TPP

Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được nhiều doanh nghiệp Việt Nam trông đợi nhất, vì đây là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Tham gia TPP có 12 quốc gia với 800 triệu người, chiếm 40%GDP và 1/3 tổng kim ngạch thương mại toàn cầu. Về thuế, khi tham gia TPP, Việt Nam cam kết xóa bỏ gần 100% số dòng thuế trong hiệp định. Trong đó, 65,8% số dòng thuế có thuế suất 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực, 86,5% số dòng thuế có thuế suất 0% vào năm thứ 4 khi hiệp định có hiệu lực và 97,8% dòng thuế suất về 0% vào năm thứ 11 khi hiệp định hiệu lực. Các mặt hàng còn lại cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu với lộ trình xóa bỏ thuế tối đa vào năm thứ 16 hoặc theo hạn ngạch thuế quan. Một số mặt hàng sẽ cắt giảm thuế chậm là: thịt heo, gà, bắp, thực phẩm chế biến từ thịt.

Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh khẳng định: “Việt Nam tham gia hội nhập 20 năm và đã đạt được những thành quả về kinh tế, xã hội rất tốt, trong đó thể hiện rõ nhất là đời sống của người dân được nâng lên. Đây là thời điểm chín muồi để Việt Nam ký kết thêm các FTA thế hệ mới, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh”. Ông Khánh còn chia sẻ thêm, hiện nay Việt Nam đang cần một “xung lực” mới để tham gia các thị trường lớn, như: Hoa Kỳ, các nước Liên minh châu Âu... Việc “nhanh tay” ký các FTA trong thời gian ngắn để Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài vào những lĩnh vực đang thiếu và yếu là: dịch vụ, sản xuất công nghiệp hỗ trợ, vận tải biển... Bên cạnh những lợi thế, Việt Nam cũng chịu những rủi ro lớn cho một số ngành, lĩnh vực như sản xuất nông nghiệp.

Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, chia sẻ: “Khi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực, ngành mà Việt Nam chịu rủi ro lớn nhất là chăn nuôi. Nhưng ngành này chúng ta có lộ trình 10 năm mới giảm thuế về 0%, người chăn nuôi Đồng Nai có khoảng thời gian dài để chuẩn bị. Muốn cạnh tranh phát triển được, người chăn nuôi phải tạo chuỗi liên kết, áp dụng khoa học - kỹ thuật nâng cao năng suất, hạ giá thành và chấp hành tốt yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm”.

* Phải tạo ra lợi thế riêng

Ông Hà Duy Tùng, Phó vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính), cho biết: “Trong các FTA đã ký kết theo lộ trình từ năm 1999, nước ta đã phải giảm trên 80% các dòng thuế nhập khẩu. Những FTA thế hệ mới số dòng thuế giảm cao, nhanh hơn nên doanh nghiệp trong nước phải tạo ra lợi thế riêng mới cạnh tranh được với các nước khác”. Hiện nay, trong khối ASEAN Việt Nam là một trong những nước có tiền công lao động rẻ nhất, nhưng năng suất lao động thấp hơn nhiều so với các nước như: Indonesia, Philippines, Thái Lan... Thời gian tới, lợi thế về lao động giá rẻ không còn nữa, nếu không nâng cao được năng suất lao động rất khó cạnh tranh.

Giày dép là mặt hàng Việt Nam được hưởng lợi nhất từ ký kết các FTA. Trong ảnh: Sản xuất giày dép tại Công ty cổ phần Giày dép cao su màu (TP. Biên Hòa).
Giày dép là mặt hàng Việt Nam được hưởng lợi nhất từ ký kết các FTA. Trong ảnh: Sản xuất giày dép tại Công ty cổ phần Giày dép cao su màu (TP. Biên Hòa).

Theo ông Bùi Minh Hùng, Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công thương, FTA là những thỏa thuận mở cửa thị trường với sự tham gia ít nhất 2 thành viên. Các lợi ích FTA mang lại cho những nước ký kết là: giảm các hàng rào thương mại, hàng rào thuế quan, hàng rào kỹ thuật, tăng cường tính cạnh tranh và thúc đầy cải cách kinh tế để phát triển. Để nắm bắt được những ưu thế từ các FTA mang lại, các doanh nghiệp Đồng Nai phải nghiên cứu kỹ các quy định của từng hiệp định, lộ trình giảm thuế và ngành hàng mình đang sản xuất. Có nắm rõ các quy định của các FTA, doanh nghiệp mới biết đâu là điểm mạnh, đâu là điểm yếu để bổ sung, tránh những rủi ro.

Liên minh châu Âu sẽ xóa 99% dòng thuế xuất khẩu của Việt Nam

Theo Bộ Công thương, đàm phán Hiệp định thương mại Việt Nam - Liên minh châu Âu (EU) xong vào tháng 8-2015. Theo cam kết, sẽ xóa bỏ 99% số dòng thuế trong vòng 7 năm với EU và đối với Việt Nam là 10 năm. Về những dòng thuế còn lại, hai bên sẽ dành cho nhau những hạn ngạch thuế quan, cắt giảm thuế quan một phần hoặc thời gian xóa bỏ thuế quan dài hơn. Hiện Việt Nam có 474 mặt hàng đang áp dụng thuế xuất khẩu thì trong tương lai xóa bỏ thuế 417 dòng thuế với hàng xuất khẩu sang EU trong lộ trình 15 năm. EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam, mặt hàng Việt Nam cũng như Đồng Nai xuất khẩu nhiều vào thị trường EU là: may mặc, giày dép, gỗ, sản phẩm từ gỗ.

Trong các FTA Việt Nam đã ký kết, nhiều doanh nghiệp trong nước đang bỏ ngỏ thị trường lớn nhiều tiềm năng là Liên minh kinh tế Á - Âu. Đây là thị trường 283 triệu dân, thu nhập bình quân đầu người 13 ngàn USD/năm. Hiện chỉ có Việt Nam ký được FTA sâu rộng nhất với Liên minh kinh tế Á - Âu và các quốc gia này có nhiều ưu ái dành cho Việt Nam. Vì thế, các doanh nghiệp tìm hiểu, mở rộng xuất khẩu vào thị trường này, không để lợi thế đi trước vuột mất.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh nhận định: “Đồng Nai là một trong những tỉnh rất quan tâm đến hội nhập. Trước mỗi FTA được ký kết, tỉnh đều phối hợp với Bộ Công thương, các tham tán thương mại tại những nước đang đàm phán FTA về gặp gỡ doanh nghiệp, hiệp hội để chia sẻ những quy định khi tham gia hội nhập và đâu là lợi thế, thách thức để doanh nghiệp có sự chuẩn bị trước”. Vì thế, Đồng Nai được Bộ Công thương đánh giá là một trong những tỉnh, thành nắm bắt thông tin và chuẩn bị khá tốt cho hội nhập.

Thị trường Liên minh kinh tế Á - Âu

Thông tin từ Bộ Công thương, FTA giữa Việt Nam - Liên minh kinh tế Á - Âu ký kết cuối tháng 5-2015. Thị trường này có tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 931 tỷ USD. Việt Nam là nước đầu tiên ký FTA với Liên minh kinh tế Á - Âu nên được hưởng nhiều lợi thế về thuế quan, thủ tục giảm, còn các nước khác vẫn phải chịu thuế khi xuất khẩu vào liên minh này. Hiện Nga đang cấm vận một số sản phẩm nông sản, thực phẩm của phương Tây nên đây là cơ hội cho hàng hóa Việt Nam tìm cách lấp chỗ trống. Theo lộ trình, Liên minh kinh tế Á - Âu sẽ cắt giảm 82% dòng thuế với hàng dệt may Việt Nam, 77% với hàng giày dép, trên 90% thuế ngành thủy sản.

 

 

Hương Giang      

 

 

Tin xem nhiều