Báo Đồng Nai điện tử
En

Xây dựng đạo đức kinh doanh khi tham gia Hiệp định TPP

04:10, 26/10/2015

Hiện nay đối với Việt Nam, Hiệp định TPP vừa là niềm vui và cũng là nỗi lo của các doanh nghiệp, bởi cơ hội nhiều nhưng thách thức cũng vô cùng lớn....

TS. BÙI QUANG XUÂN

Hiện nay đối với Việt Nam, Hiệp định TPP vừa là niềm vui và cũng là nỗi lo của các doanh nghiệp, bởi cơ hội nhiều nhưng thách thức cũng vô cùng lớn. Vì vậy, một đòi hỏi tất yếu mang tính quy luật là phải xây dựng đạo đức kinh doanh với một hệ thống các chuẩn mực phù hợp và đưa hệ thống đó vào cuộc sống để vươn tới những chuẩn mực toàn cầu, để có thể cạnh tranh thắng lợi.

Trong quá trình đổi mới kinh tế Việt Nam, bên cạnh những thành tựu quan trọng đã giành được, chúng ta đang gặp phải những khó khăn và tồn tại. Trong đó, điều đáng quan tâm là những sai lệch trong đạo đức kinh doanh của một số doanh nghiệp, một số nhà kinh doanh, một số cơ quan quản lý và người lao động.  

* Đạo đức kinh doanh là gì?

Thật ra, “Đạo đức kinh doanh là tất cả những quy tắc, tiêu chuẩn, chuẩn mực đạo đức hoặc luật lệ để cung cấp chỉ dẫn về hành vi ứng xử chuẩn mực và sự trung thực (của một tổ chức) trong những trường hợp nhất định” [1]

Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Công ty cổ phần tổng hợp gỗ Tân Mai ở Khu công nghiệp Biên Hòa 1 (ảnh minh họa).
Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Công ty cổ phần tổng hợp gỗ Tân Mai ở Khu công nghiệp Biên Hòa 1 (ảnh minh họa).

Hiểu biết của nhà kinh doanh cũng như người dân Việt Nam nói chung về đạo đức kinh doanh còn rất hạn chế, hầu hết đều gắn khái niệm đạo đức kinh doanh với tuân thủ pháp luật trong kinh doanh. Cách hiểu này đã thu hẹp đáng kể phạm vi áp dụng đạo đức kinh doanh. Hơn nữa, tại một quốc gia mà hệ thống phát luật chưa đầy đủ và chặt chẽ như Việt Nam thì cách hiểu này càng làm ý thức về đạo đức kinh doanh khó phát huy tác dụng.   

Điểm yếu kém nhất trong nhận thức của người Việt Nam thể hiện qua cuộc điều tra này chính là ý thức về môi trường và về vấn đề sở hữu trí tuệ. Điều này cũng trùng hợp với những kết quả điều tra của Liên hiệp quốc và những nguồn thông tin khác. Về lâu dài, đây là vấn đề cần được lưu ý giải quyết để đảm bảo sự phát triển bền vững cho Việt Nam

Thực tiễn trong và ngoài nước cho thấy, đạo đức kinh doanh là yếu tố quyết định sự thành công bền vững trong kinh doanh.

Việc xây dựng đạo đức trong kinh doanh ở Việt Nam phải đảm bảo thúc đẩy kinh doanh phát triển để dân giàu nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh; an ninh quốc phòng và sự bền vững về môi trường sinh thái.

Sản xuất hạt cà phê khử caffein tại Nhà máy Nestlé Trị An (Khu công nghiệp Amata, TP.Biên Hòa).
Sản xuất hạt cà phê khử caffein tại Nhà máy Nestlé Trị An - Khu công nghiệp Amata (ảnh minh họa).

Đối với nền kinh tế Việt Nam, tiêu chuẩn cơ bản nhất của doanh nghiệp hiện nay chính là đạo đức kinh doanh. Cần phải thực hiện những tư tưởng đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Cần kiệm, liêm chính, chi công, vô tư”.

* Chữ “tín” là chuẩn mực cao nhất của đạo đức kinh doanh

Việt Nam đã có câu: một sự bất tín vạn sự bất tin. Phương Tây cũng có nói: nhà kinh doanh cần phải chân thật và ngay thẳng, đạo đức là một bộ phận của tính chân thật và ngay thẳng.

Hiểu và làm thế nào để đạt được chữ “tín” là một chuyện khó. Hãy tìm hiểu và phân tích tâm sự của một giám đốc doanh nghiệp Việt Nam để nhận thức rõ hơn về vấn đề này. Qua thực tế doanh nghiệp của mình, ông ta đã rút ra 5 kết luận xoay quanh chữ “tín”.

      - Bản chất tâm lý của chữ tín là: lòng trung thực.

      - Nhu cầu tâm lý của chữ tín là: sự an tâm.

      - Nguồn gốc tâm lý của chữ tín là: sự chu đáo và chất lượng sản phẩm.

      - Đường đi hợp lý của chữ tín là: từ nội tâm đến nội bộ và ra bên ngoài.

Từ đó, ông ta nâng lên thành 4 bốn bài học kinh nghiệm cho chính mình, mang tính chất tâm lý nhân văn trong doanh nghiệp:

      - Nhà doanh nghiệp coi trọng chữ tín hơn cả sản nghiệp.

      - Chữ tín là thước đo danh dự của doanh nhân và bảng hiệu của xí nghiệp.

      - Chữ tín không phải là hàng hoá, là một sản phẩm vô hình và vô giá, tạo ra tiền vốn và của cải.

      - Bảo toàn chữ tín tức là bảo toàn vốn, bảo toàn sản nghiệp trên mức độ an toàn. Đây cũng là sự bảo toàn đạo lý và pháp lý trong kinh doanh lành mạnh.

Một góc xưởng sản xuất Công ty TNHH On Semiconductor Việt Nam (Khu công nghiệp Biên Hòa 2)  có 100% vốn đầu tư của Mỹ.
Một góc xưởng sản xuất Công ty TNHH On Semiconductor Việt Nam (Khu công nghiệp Biên Hòa 2) có 100% vốn đầu tư của Mỹ (ảnh minh họa)

Cũng cần hiểu rõ thêm tư tưởng đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh: cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư.

       Cần: Tăng năng suất trong công tác, bất cứ công tác gì.

       Kiệm: Không lãng phí thời giờ, của cải của mình và của nhân dân.

       Liêm: Không tham ô, tôn trọng, giữ gìn của công và của nhân dân.

       Chính: Việc phải dù nhỏ cũng làm, việc trái dù nhỏ cũng không làm.

       Chí công vô tư: Ham làm việc ích quốc lợi nhân dân, không ham địa vị công danh phú quý. Khi làm việc gì cũng đừng nghĩ đến mình trước, khi hưởng thụ thì mình nên đi sau.

Vì vậy, việc xây dựng, đánh giá đạo đức kinh doanh ở Việt Nam cần một số tiêu chuẩn sau đây:

      a) Xác định đầy đủ quyền chủ động và trách nhiệm của mình trong toàn bộ quá trình kinh doanh và thực thi các văn bản pháp lý liên quan đến kinh doanh.

      b) Lựa chọn phương án kinh doanh tối ưu trên cơ sở sử dụng hợp lý có hiệu quả các nguồn lực đem lại lợi ích tối đa cho doanh nghiệp và cho xã hội. Cân nhắc các hậu quả lâu dài trước khi đề ra bất cứ một quyết định nào.

      c) Xây dựng các mối quan hệ hợp tác bình đẳng trong kinh doanh, phát triển cạnh tranh lành mạnh giữa các thành phần kinh tế cùng phát triển.

      d) Đảm bảo chữ “tín” đối với mọi nhóm đối tượng của doanh nghiệp.

      e) Lấy chỉ tiêu năng suất, chất lượng, giá thành, lợi nhuận và hiệu quả để đánh giá những thành công, thất bại của doanh nghiệp.             

Để xây dựng đạo đức kinh doanh, trước hết, cần xây dựng các nguyên tắc, chuẩn mực đạo đức trong kinh doanh. Trong đó, trung thực, giữ chữ tín, tự tôn dân tộc, phấn đấu vì lý tưởng dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, năng động, sáng tạo, nhạy bén, biết chớp thời cơ trong kinh doanh,... là những phẩm chất đặc biệt quan trọng. Mặt khác, đạo đức và văn hoá Việt Nam chính là cơ sở và nguồn nội lực rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung, của lĩnh vực kinh doanh nói riêng. Nếu biết phát huy nguồn lực này một cách hiệu quả, kết hợp với tận dụng tốt các nguồn ngoại lực thì giới doanh nhân và hệ thống các doanh nghiệp nước ta có thể tạo ra một kiểu kinh doanh đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam, có trình độ quốc tế, chẳng những để phục vụ tốt các nhu cầu trong nước mà còn là lợi thế trong việc chinh phục các thị trường các nước TPP và trên toàn thế giới.   

Hiện nay đối với Việt Nam, Hiệp định TPP vừa là niềm vui và cũng là nỗi lo của các doanh nghiệp bởi cơ hội nhiều nhưng thách thức cũng vô cùng lớn. Vì vậy, một đòi hỏi tất yếu mang tính quy luật là phải xây dựng đạo đức kinh doanh với một hệ thống các chuẩn mực phù hợp và đưa hệ thống đó vào cuộc sống để vươn tới những chuẩn mực toàn cầu, để có thể cạnh tranh thắng lợi.

B.Q.X



[1] Phillip V. Lewis (1985), “Defining 'Business Ethics': Like Nailing Jello to a Wall”, Journal of Business Ethics 4 (1985) 377-383. 0167-4544/85/.15

 

Tin xem nhiều