Báo Đồng Nai điện tử
En

Thị trường ASEAN: Hàng Việt khó chen chân

09:09, 21/09/2015

Cuối năm 2015, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) sẽ chính thức thành lập và khoảng 99% dòng thuế xuất khẩu sẽ giảm về 0%. Nhiều doanh nghiệp (DN) Đồng Nai cũng để tâm đến thị trường này, song  thực tế là hàng Việt Nam không dễ chen chân vào thị trường ASEAN.

Cuối năm 2015, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) sẽ chính thức thành lập và khoảng 99% dòng thuế xuất khẩu sẽ giảm về 0%. Nhiều doanh nghiệp (DN) Đồng Nai cũng để tâm đến thị trường này, song  thực tế là hàng Việt Nam không dễ chen chân vào thị trường ASEAN.

Sản xuất bánh kẹo tại Nhà máy Bibica Biên Hòa. Đây là một trong số ít doanh nghiệp đưa hàng vào 4 nước trong khối ASEAN.
Sản xuất bánh kẹo tại Nhà máy Bibica Biên Hòa. Đây là một trong số ít doanh nghiệp đưa hàng vào 4 nước trong khối ASEAN.

Theo Cục Hải quan Đồng Nai, xuất khẩu của Đồng Nai vào khối các nước ASEAN trong 8 tháng của năm 2015 đạt hơn 786 triệu USD và mặt hàng xuất khẩu nhiều là: giày dép, dệt may, máy tính, linh kiện điện tử, hầu như rất ít hàng tiêu dùng.

* Khó so kè về giá

Đại diện các DN Đồng Nai đang có hàng hóa xuất khẩu vào các nước trong khối ASEAN đều có chung nhận định là hàng hóa Việt Nam rất khó xuất khẩu vào các nước trong khu vực này. Nguyên nhân là do hầu hết các mặt hàng thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam thì Thái Lan, Singapore, Malaysia, Philippines đều có. Hàng hóa của các nước trên giá cả thường cạnh tranh hơn hàng Việt nên muốn tăng xuất khẩu vào thị trường này không dễ. Thực tế, các dòng thuế xuất nhập khẩu trong khối ASEAN đã bắt đầu giảm theo lộ trình từ năm 2010, tới thời điểm này có mặt hàng thuế chỉ còn 3-10% nên khi AEC chính thức, cơ hội tăng xuất khẩu cho DN Đồng Nai không nhiều.

Ông Nguyễn Văn Bình, Giám đốc Nhà máy Bibica Biên Hòa ở Khu công nghiệp Biên Hòa 1, cho biết: “Sản phẩm bánh kẹo của Bibica đã xuất vào được 4 thị trường trong khối là Myanmar, Singapore, Campuchia và Lào nhưng kim ngạch không nhiều, chỉ gần 2 tỷ đồng/tháng. Tới đây, khi AEC chính thức thành lập, thuế suất không còn là thuận lợi lớn cho xuất khẩu, song hàng Việt Nam rất khó vào các nước trong khối ASEAN với khối lượng lớn vì chịu cạnh tranh gay gắt hàng Thái Lan, Indonesia, Malaysia”.

Thị trường ASEAN có 600 triệu dân và GDP mỗi năm trên 2 ngàn tỷ USD. Song đây là thị trường DN Đồng Nai ít quan tâm vì sức cạnh tranh của hàng Việt với các mặt hàng của các quốc gia trong khối không cao. Do đó, DN Đồng Nai thường tìm đến thị trường Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc...

“Công ty có xuất khẩu mặt hàng hóa chất sang thị trường Campuchia nhưng sản lượng không nhiều. Mặt hàng này thuế suất đã giảm theo lộ trình còn rất thấp, nhưng không thể tăng xuất khẩu vì chịu sự cạnh tranh gay gắt của hàng hóa Trung Quốc và các nước trong khối” - ông Nguyễn Văn Trí, Trưởng phòng Kinh doanh Công ty TNHH công nghệ hóa chất Haein (Khu công nghiệp Gò Dầu, huyện Long Thành) cho hay. Chính vì vậy, DN này tìm các đối tác để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sang Hàn Quốc.

* Không cạnh tranh trong khối

Theo Bộ Công thương, Cộng đồng kinh tế ASEAN không phải để cho các nước trong khối cạnh tranh xuất khẩu hàng hóa với nhau, vì nếu vậy hàng Việt Nam khó cạnh tranh với hàng Thái Lan, Malaysia, Philippines. Mục đích của các nước khi tham gia là để chung lưng tạo thêm sức mạnh vươn ra bên ngoài.

Cộng đồng kinh tế ASEAN gồm có 10 nước là: Việt Nam, Myanmar, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Campuchia, Lào, Philippines, Brunei và Singapore. Đây là thị trường có 600 triệu dân với GDP mỗi năm trên 2 ngàn tỷ USD. Những lợi ích AEC mang lại là mở ra cơ hội hợp tác khu vực và sẽ là nơi hấp dẫn các nhà đầu tư từ Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc hơn cả Trung Quốc, Ấn Độ. Đồng thời, AEC giúp các nước trong khối tăng cạnh tranh, mở rộng xuất khẩu vào các thị trường lớn.

Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương), Phó đoàn đàm phán AEC Việt Nam, cho biết: “AEC thành lập với mục đích chính là tiến đến toàn cầu hóa và cạnh tranh với hàng hóa của Trung Quốc, Ấn Độ để tăng xuất khẩu vào các thị trường lớn là Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản và thu hút đầu tư của những quốc gia trên vào các nước trong khối. Thành lập cộng đồng là để cạnh tranh, các nước nằm ngoài toàn cầu hóa rất khó cạnh tranh”. Các nước trong khối ASEAN có 600 triệu dân nhưng sức mua không cao, do thu nhập bình quân đầu người còn thấp, nên phần lớn DN Đồng Nai ít nhắm đến thị trường này.

Ông Vòng Khiềng, Tổng thư ký Hiệp hội Gốm mỹ nghệ Đồng Nai, chia sẻ: “Nhiều cơ sở gốm trong tỉnh đã tìm hiểu thị trường ASEAN, song những sản phẩm gốm của Đồng Nai khó xuất khẩu sang các nước trong khối. Các cơ sở gốm của Đồng Nai chủ yếu tìm hiểu nhu cầu và xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ, châu Âu”.

Thực tế, hàng hóa của các nước trong khối ASEAN hiện đã tràn ngập Việt Nam và giá tương đối cạnh tranh. Một số mặt hàng lấn sân, chiếm thị phần lớn so với hàng Việt như: hàng điện lạnh, điện tử... Do đó, một số chuyên gia kinh tế nhận xét khi AEC chính thức thành lập, hàng Việt xuất qua các nước trong khối ASEAN sẽ không tăng nhiều. Nhưng đây là cơ hội để Việt Nam tăng nhập khẩu nguyên phụ liệu của các nước trong khối để hưởng các ưu đãi khi xuất khẩu vào những nước có ký các hiệp định thương mại với ASEAN và thu hút đầu tư. Việt Nam được đánh giá là một trong 3 nước hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài khi AEC chính thức thành lập.

Hương Giang

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều