Báo Đồng Nai điện tử
En

Rốt ráo thực hiện quy hoạch giết mổ tập trung

12:08, 15/08/2015

Đồng Nai đang rốt ráo thực hiện quy hoạch chăn nuôi tập trung với mục tiêu nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước trong lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm với các sản phẩm có nguồn gốc động vật, đồng thời bảo đảm hiệu quả hoạt động của các cơ sở giết mổ tập trung theo quy hoạch.

Đồng Nai đang rốt ráo thực hiện quy hoạch chăn nuôi tập trung với mục tiêu nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước trong lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm với các sản phẩm có nguồn gốc động vật, đồng thời bảo đảm hiệu quả hoạt động của các cơ sở giết mổ tập trung theo quy hoạch.

Hoạt động giết mổ tại Công ty TNHH thực phẩm Rạng Đông (TP.Biên Hòa).
Hoạt động giết mổ tại Công ty TNHH thực phẩm Rạng Đông (TP.Biên Hòa).

UBND tỉnh vừa ban hành Quyết định số 2037, phê duyệt quy hoạch các cơ sở, điểm giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

* Sẽ đóng cửa các cơ sở ngoài quy hoạch

Theo đó, đến cuối năm 2015, phải xây dựng hoàn chỉnh và đưa vào hoạt động 18 cơ sở giết mổ tập trung và 15 điểm giết mổ vệ tinh; tổ chức di dời tất cả các điểm giết mổ ngoài quy hoạch trên địa bàn các huyện, TX.Long Khánh (trừ các điểm giết mổ tạm thời của TP.Biên Hòa và huyện Nhơn Trạch).

Theo Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn, toàn tỉnh hiện có 177 cơ sở giết mổ được cấp phép nhưng nằm ngoài quy hoạch. Nếu đúng lộ trình, các cơ sở giết mổ nằm ngoài quy hoạch sẽ phải đóng cửa và di dời vào các khu giết mổ tập trung. Các huyện đang tích cực thực hiện công tác tuyên truyền, vận động để thực hiện việc sắp xếp lại hoạt động giết mổ theo đúng quy hoạch. Khi chương trình được triển khai, những cơ sở giết mổ trên địa bàn rất quan tâm nhưng việc thực hiện sắp xếp, di dời vào các khu giết mổ tập trung vẫn còn nhiều vướng mắc, khó khăn.

Cụ thể, theo huyện Trảng Bom, một trong những địa phương gặp nhiều khó khăn trong vấn đề này, hiện toàn huyện có 19 cơ sở giết mổ được cấp phép hoạt động. Theo quy hoạch, đến cuối năm 2015, huyện sẽ có 5 cơ sở giết mổ tập trung thay cho các cơ sở giết mổ lậu. Nhưng đến nay, chỉ mới có 3 cơ sở giết mổ tập trung được đầu tư. Trong đó, 1 cơ sở giết mổ gia cầm đạt công suất 100 ngàn con/tháng; 1 cơ sở giết mổ heo đạt công suất 260 con/tháng. Riêng Nhà máy chế biến thực phẩm Đồng Nai (D&F) với công suất giết mổ 2.000 con gà/giờ và 100 con heo/giờ đã tạm ngưng hoạt động từ tháng 4-2014 vì lỗ vốn do quy mô giết mổ chỉ đạt từ 5-10% công suất thiết kế.

Ông Trương Minh Sao, chủ cơ sở giết mổ tại xã An Viễn (huyện Trảng Bom), chia sẻ: “Chúng tôi rất ủng hộ chủ trương quy hoạch giết mổ của tỉnh. Tuy nhiên, bản thân tôi vẫn rất e ngại khi vào các khu giết mổ tập trung vì những bất cập, như: nhu cầu giết mổ của khách hàng là tiểu thương thường chỉ 1-2 con với các thời gian trong ngày, trong khi dây chuyền giết mổ của nhà máy lớn, khó đáp ứng về thời gian, yêu cầu, vận chuyển thịt từ địa phương đến điểm giết mổ xa... Một khó khăn không nhỏ hiện nay là tình trạng giết mổ lậu vẫn hoạt động tràn lan, cạnh tranh bất bình đẳng với các cơ sở giết mổ có phép.

* Tìm hướng gỡ khó

Tại buổi làm việc tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn để Nhà máy D&F hoạt động trở lại diễn ra vào cuối tháng 7 qua, ông Phùng Khôi Phục, Phó tổng giám đốc Tổng công ty công nghiệp thực phẩm Đồng Nai, cho biết D&F đang xây dựng phương án sẽ nhận giết mổ gia công cho các khách hàng. Nhà máy sẽ điều chỉnh lại quy trình giết mổ, thời gian, mức phí... trên cơ sở thỏa thuận với khách hàng để phù hợp nhất với yêu cầu khách đề ra. Tuy nhiên, để phương án khả thi thì địa phương phải hạn chế hết mức các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, vận động họ vào khu giết mổ tập trung theo quy hoạch.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh khẳng định, các cơ sở chăn nuôi ngoài quy hoạch sẽ phải đóng cửa và di dời vào các khu giết mổ tập trung theo đúng lộ trình quy hoạch đề ra. Chính quyền tỉnh và các địa phương luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi về mặt cơ chế, ưu đãi về chính sách, như: hỗ trợ về vốn ưu đãi, kết nối thị trường… để các cơ sở giết mổ tập trung  hoạt động hiệu quả.

Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, nhận định: “Đang có một nghịch lý là nhà máy giết mổ tập trung tại Đồng Nai đang thua lỗ, thậm chí phải đóng cửa vì không có khách hàng. Trong khi theo tôi được biết, chỉ riêng huyện Thống Nhất hiện trung bình mỗi ngày có khoảng 2 ngàn con heo đưa vào các lò mổ tại TP.Hồ Chí Minh. Nguồn thịt sau giết mổ lại được đưa ngược về Đồng Nai cung cấp cho các bếp ăn công nghiệp. Tỉnh nên kết nối để đưa nguồn heo thịt này vào các khu giết mổ tập trung tại địa phương. Bản thân các cơ sở giết mổ cũng phải chủ động tiếp cận các đối tượng khách hàng lớn là các bếp ăn công nghiệp này”. Theo ông Công, Hợp tác xã Đồng Hiệp (huyện Thống Nhất) hiện đang có những hợp đồng cung cấp heo, gà thịt lớn, hợp tác xã sẽ hợp tác với D&F trong khâu giết mổ để đảm bảo nguồn thịt sạch từ khâu chăn nuôi đến giết mổ cung cấp cho thị trường.

Bình Nguyên

 

 

 

 

Tin xem nhiều