Báo Đồng Nai điện tử
En

Thiếu hỗ trợ cho công nghiệp hỗ trợ

09:05, 26/05/2015

Theo quy định của Chính phủ, những doanh nghiệp đăng ký hoạt động trong ngành công nghiệp hỗ trợ sẽ được hưởng nhiều ưu đãi.

Theo quy định của Chính phủ, những doanh nghiệp đăng ký hoạt động trong ngành công nghiệp hỗ trợ sẽ được hưởng nhiều ưu đãi. Song do chính sách ưu đãi chưa cụ thể nên hầu hết các doanh nghiệp sản xuất trên lĩnh vực này đều không làm hồ sơ để được công nhận là doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ.

Sản xuất thiết bị máy móc cho  ngành gỗ tại Công ty TNHH CK. Hoàn Hảo ở xã Bắc Sơn (huyện Trảng Bom).
Sản xuất thiết bị máy móc cho ngành gỗ tại Công ty TNHH CK. Hoàn Hảo ở xã Bắc Sơn (huyện Trảng Bom).

Toàn tỉnh có gần 460 dự án công nghiệp hỗ trợ đã đầu tư vào các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Trong đó, trên 420 dự án thuộc doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và 37 dự án của các doanh nghiệp trong nước với tổng vốn đầu tư gần 7 tỷ USD. Ngành công nghiệp hỗ trợ thu hút nhiều dự án đầu tư là: cơ khí chế tạo, dệt, may, da giày, linh kiện điện tử, máy tính...

* Chưa được hưởng lợi

Tuy nhiên, những quy định ưu đãi cho lĩnh vực thì có nhưng còn quá chung chung, trong khi làm hồ sơ để được công nhận là doanh nghiệp hỗ trợ lại khá phức tạp. Doanh nghiệp muốn làm hồ sơ đăng ký phải ra tận Bộ Công thương. Thực tế nhiều năm qua không mấy doanh nghiệp bỏ thời gian, tiền bạc đi đăng ký hỗ trợ để chẳng được hưởng gì thêm so với khi chưa đăng ký.

Ông Trần Đình Kiền, Phó giám đốc Công ty TNHH CK. Hoàn Hảo ở xã Bắc Sơn (huyện Trảng Bom) cho hay: “Công ty chuyên sản xuất các loại dao, lưỡi cưa, lưỡi khoan và linh kiện cho các loại máy của ngành gỗ. Đây là ngành khá mới mẻ với doanh nghiệp Việt vì lâu nay những linh kiện này chủ yếu nhập khẩu. Khi mới nghe thông tin doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ sẽ được hưởng nhiều ưu đãi, tôi cũng tìm hiểu nhưng thấy chính sách hỗ trợ chưa rõ ràng, trong khi hồ sơ làm khá phức tạp nên tôi đã bỏ ý định”. Cũng theo ông Kiền, doanh nghiệp vừa và nhỏ có kinh phí hoạt động có hạn nên mọi chi phí đều phải “thắt lưng buộc bụng” và tính toán kỹ. Vì thế, ông không thể bỏ thời gian, tiền bạc để làm hồ sơ đăng ký là doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ rồi xếp đó chẳng đem lại lợi ích gì. 

Ông Lê Đức Vinh, Giám đốc Hành chính nhân sự Công ty TNHH sản phẩm máy tính Fujitsu Việt Nam (khu công nghiệp Biên Hòa 2), cho biết: “Mặt hàng công ty sản xuất là bản mạch in điện tử thô và lắp ráp cho ngành công nghiệp máy tính, đây là ngành công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao, nếu có những chính sách ưu đãi cụ thể tốt hơn, doanh nghiệp sẽ làm hồ sơ đăng ký. Và có thể công ty sẽ mở rộng sản xuất hơn nữa”.

* Cần chính sách rõ ràng

Theo ông Vương Trọng Sánh, Trưởng phòng Quản lý công nghiệp Sở Công thương, hiện trên địa bàn tỉnh chưa có doanh nghiệp nào làm hồ sơ đăng ký với Bộ Công thương để được công nhận là doanh nghiệp hỗ trợ. Phía Sở cũng đã có kiến nghị Bộ nên phân cấp về địa phương để tạo thuận lợi cho những doanh nghiệp muốn đăng ký sản xuất công nghiệp hỗ trợ. Bên cạnh đó, Sở cũng đề xuất Bộ sớm ban hành hướng dẫn cụ thể về chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ để việc thu hút đầu tư, kêu gọi mở rộng sản xuất lĩnh vực này dễ dàng hơn.

Vào tháng 2-2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 12 về chính sách phát triển một số ngành công nghiệp hỗ trợ. Đến tháng 8-2011, Thủ tướng Chính phủ ban hành tiếp Quyết định số 1483 về các danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển, trong đó có 6 nhóm ngành là: cơ khí, ô tô, điện tử, dệt may, da giày và công nghiệp công nghệ cao. Tuy nhiên đến nay, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ vẫn chưa tiếp cận được các ưu đãi của Chính phủ trong lĩnh vực này. Do đó, phần lớn các doanh nghiệp sản xuất lĩnh vực này không đăng ký hồ sơ để được công nhận là doanh nghiệp hỗ trợ.

Hiện nay, trước những thay đổi mà Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), Cộng đồng kinh tế ASEAN dự kiến đem lại, nếu không phát triển nhanh, tốt ngành công nghiệp hỗ trợ để đáp ứng nguyên liệu, linh kiện cho các ngành sản xuất khác, Việt Nam sẽ lỡ mất cơ hội được hưởng ưu đãi thuế suất bằng 0% với các mặt hàng khi xuất khẩu vào Hoa Kỳ và các nước trong khối ASEAN. “Nếu có những chính sách ưu đãi cụ thể cho lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ sẽ dễ dàng thu hút và mở rộng đầu tư các dự án của doanh nghiệp FDI, cũng như doanh nghiệp trong nước. Đồng thời, nên đơn giản các thủ tục đăng ký, xét, công nhận để tiết kiệm thời gian, tiền bạc tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Thu hút được nhiều doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ Đồng Nai cũng như cả nước sẽ dần dần chủ động được nguồn nguyên liệu sản xuất trong nước để nắm bắt cơ hội ưu đãi về thuế quan từ các hiệp định thương mại tự do, Cộng đồng kinh tế ASEAN và tới đây là Hiệp định TPP” - ông Mai Văn Nhơn, Phó trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai nói.      

Hương Giang

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều