Báo Đồng Nai điện tử
En

Mở rộng các ga xe lửa

10:05, 08/05/2015

Để tăng năng lực vận chuyển hành khách, hàng hóa bằng đường sắt, Tổng công ty đường sắt Việt Nam đã triển khai dự án cải tạo 10 ga từ Nha Trang vào TP.Hồ Chí Minh. Trong đó, riêng Đồng Nai có 6 ga sẽ được mở rộng và nâng cấp.

Để tăng năng lực vận chuyển hành khách, hàng hóa bằng đường sắt, Tổng công ty đường sắt Việt Nam đã triển khai dự án cải tạo 10 ga từ Nha Trang vào TP.Hồ Chí Minh. Trong đó, riêng Đồng Nai có 6 ga sẽ được mở rộng và nâng cấp.

Ga Hố Nai (phường Tân Hòa, TP.Biên Hòa) là một trong 10 ga tàu lửa sẽ được cải tạo.
Ga Hố Nai (phường Tân Hòa, TP.Biên Hòa) là một trong 10 ga tàu lửa sẽ được cải tạo.

Dự án cải tạo các ga xe lửa được Tổng công ty đường sắt Việt Nam giao cho Ban Quản lý dự án đường sắt khu vực 3 triển khai. Đồng Nai có 6 ga được mở rộng nâng cấp là: Trảng Táo, Bảo Chánh (huyện Xuân Lộc), Long Khánh (TX.Long Khánh), Dầu Giây (huyện Thống Nhất), Trảng Bom (huyện Trảng Bom) và Hố Nai (TP.Biên Hòa). Các ga trên sẽ được mở thêm đường ray và kéo dài đường ray để dừng, tránh tàu nhằm tăng số lượng, tốc độ các chuyến tàu.

* Tăng khả năng vận chuyển

Việc mở thêm đường ray và cải tạo kéo dài đường ray sẽ giúp tăng lưu lượng các chuyến tàu vận chuyển hành khách, hàng hóa từ TP.Hồ Chí Minh ra Bắc và chiều ngược lại. Như vậy, các chuyến tàu sẽ dừng tránh tại Đồng Nai nhiều hơn và việc vận chuyển hàng hóa bằng xe lửa tại các ga thuộc địa bàn Đồng Nai cũng thuận tiện hơn.

Ông Nguyễn Bá Nam, cán bộ kỹ thuật ga Hố Nai ở KP.3, phường Tân Hòa (TP.Biên Hòa), cho biết: “Mặt bằng để thi công thêm 1 đoạn đường ray song song với đường ray chính để tránh tàu đã có sẵn, chỉ cần san lấp. Hiện ga chỉ có 2 đường ray nên tàu dừng ít, nếu có thêm đường ray thứ ba tàu dừng tránh nhiều hơn sẽ tăng được khả năng vận chuyển hàng hóa”. Theo đó, mỗi năm ga Hố Nai thu được khoảng 20 tỷ đồng doanh thu vận chuyển hàng hóa đi các tỉnh, thành miền Trung, Bắc. Làm mới đường ray, khả năng vận chuyển hàng hóa có thể tăng 20-30%. Ông Ngô Kim Đáng, Trưởng ga Trảng Bom, cho hay: “Chủ dự án đang kết hợp với tỉnh đo đạc và tính toán, sau đó sẽ giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch để thi công. Hầu hết các ga đều mong việc kéo dài, mở đường ray mới sớm thực hiện để đi vào khai thác. Người dân đi lại, vận chuyển hàng hóa thuận lợi hơn”.

Đồng Nai là tỉnh công nghiệp phát triển và cũng là vùng được coi là “vựa trái cây” của Đông Nam bộ, nhu cầu vận chuyển hàng hóa ra khu vực miền Trung, Bắc khá lớn. Vận chuyển hàng hóa bằng xe lửa thuận lợi và rẻ hơn ô tô, nhiều chủ hàng sẽ chuyển qua sử dụng phương tiện này. Ông Nguyễn Quang Hòe, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp, dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp Long Khánh (TX.Long Khánh), chia sẻ: “Mỗi tháng các thành viên trong hợp tác xã đều vận chuyển hàng trăm tấn nấm ra phía Bắc tiêu thụ và để xuất khẩu. Vận chuyển bằng tàu lửa tiện, giá rẻ và nhanh thì nhiều thành viên sẽ chọn dịch vụ trên”.

* Sẽ triển khai nhanh

Đại diện Ban Quản lý dự án đường sắt khu vực 3 cho biết, nếu có đất sạch thời gian thi công mở mới và kéo dài đường ray sẽ chỉ từ 3-6 tháng là hoàn thành. Thực tế, hành lang an toàn của các ga khá rộng, việc mở mới, kéo dài đường ray giải phóng mặt bằng rất ít. Mới đây, UBND tỉnh yêu cầu Sở Tài nguyên - môi trường phối hợp với các địa phương có ga nằm trong dự án nhanh chóng kiểm kê đất đai và sớm có phương án bồi thường giải phóng mặt bằng để thu hồi đất giao cho chủ dự án.

“Mở mới, kéo dài đường ray sẽ cải thiện dịch vụ vận tải hành khách, hàng hóa vì các chuyến tàu sẽ tăng về số lượng và dừng tại Đồng Nai nhiều hơn. Dự án này sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế các địa phương nên tỉnh sẽ kết hợp địa phương sớm hoàn thành giải phóng mặt bằng, giao đất sạch cho chủ đầu tư triển khai” - Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh nhận định.

Dự án cải tạo 10 ga nằm trên địa bàn 3 tỉnh là Đồng Nai, Bình Thuận và Ninh Thuận nhưng tập trung nhiều ở Đồng Nai. Tổng kinh phí để thực hiện dự án cải tạo 10 ga là gần 400 tỷ đồng, trong đó kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng gần 32 tỷ đồng, còn lại là chi phí xây dựng và một số chi phí khác. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2014-2015. Theo ông Trần Ngọc Thành, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty đường sắt Việt Nam, cải tạo hàng loạt các ga hạn chế về chiều dài và số lượng đường ga nhằm đồng nhất về tiêu chuẩn kỹ thuật trên khu đoạn từ Nha Trang - Sài Gòn và toàn tuyến Bắc Nam. Dự án hoàn thành sẽ nâng cao được trọng lượng đoàn tàu hàng, giảm thời gian đỗ đọng toa xe hàng, rút ngắn thời gian quay vòng toa xe, tăng tốc độ chạy tàu và tăng chuyến.

Hiện nay, nhu cầu đi lại bằng tàu lửa và vận chuyển hàng hóa rất lớn. Vào các dịp cao điểm lễ tết, mặc dù ngành đường sắt đã tăng thêm khoảng 10 chuyến tàu để phục vụ hành khách đi lại, nhưng vẫn không đáp ứng đủ.

Hương Giang

 

 

 

Tin xem nhiều