Báo Đồng Nai điện tử
En

Giấc mơ công nghiệp hỗ trợ

10:02, 01/02/2015

Ông Nguyễn Hà An, chủ cơ sở An Trung Phát (ấp An Chu, xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom), giới thiệu về dòng sản phẩm đặc thù do cơ sở sản xuất: "Những chi tiết, sản phẩm cao su kỹ thuật trong máy móc, thiết bị tuy nhìn rất đơn giản, nhỏ bé nhưng nếu không có nó thì cả cỗ máy không vận hành được.

Ông Nguyễn Hà An, chủ cơ sở An Trung Phát (ấp An Chu, xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom), giới thiệu về dòng sản phẩm đặc thù do cơ sở sản xuất: “Những chi tiết, sản phẩm cao su kỹ thuật trong máy móc, thiết bị tuy nhìn rất đơn giản, nhỏ bé nhưng nếu không có nó thì cả cỗ máy không vận hành được. 

Chính vì vậy, làm khuôn mẫu để sản xuất các sản phẩm này đòi hỏi phải đầu tư công nghệ, máy móc rất nhiều.

* 10 năm học nghề

Sau một cơn sốt bại liệt lúc lên 3, ông An bị tật ở chân, vì thế ông dự định sau khi tốt nghiệp đại học sư phạm TP.Hồ Chí Minh sẽ đi dạy học. Nhưng rồi duyên tình cờ khiến ông về đất Đồng Nai lập nghiệp ở vị trí công nhân kỹ thuật vận hành máy CNC chuyên gia công, chế tạo khuôn mẫu cơ khí trong một công ty do nước ngoài đầu tư.

Nhờ đầu tư máy móc theo hướng tự động hóa, cơ sở An Trung Phát làm ra sản phẩm với giá cạnh tranh.  Ảnh: B.Nguyên
Nhờ đầu tư máy móc theo hướng tự động hóa, cơ sở An Trung Phát làm ra sản phẩm với giá cạnh tranh. Ảnh: B.Nguyên

Để chuẩn bị cho việc đầu tư cơ sở sản xuất trong lĩnh vực này, ông An đã trải qua 8 năm học nghề từ vị trí người thợ ở xưởng sản xuất và khi ra làm riêng ông vẫn tiếp tục tự học để cập nhật kiến thức, công nghệ mới để luôn bắt kịp yêu cầu công việc. Ông An nhớ lại: “Để làm ra một con dao cắt trong ngành sản xuất gỗ, tạo một chiếc kềm cắt móng tay hay chỉ một chiếc vòng gioăng cao su nho nhỏ gắn vào một bộ phận máy để chắn dầu, chắn nước đều cần làm khuôn mẫu mới sản xuất hàng loạt được. Cần rất nhiều khâu từ thiết kế mẫu, lập trình, chế tạo mới ra được chiếc khuôn cho sản phẩm. Khi làm thợ trong nhà máy, tôi chỉ chuyên phụ trách một khâu kỹ thuật nên muốn nắm được cả quá trình chế tạo, tôi phải nỗ lực rất nhiều tự mày mò tìm hiểu từ thực tế làm việc, qua tài liệu và nhất là nhờ những “ông thầy” giỏi nghề trong công ty truyền bí quyết thêm”.

Nhờ đó, năm 2013, ông tự tin mở cơ sở An Trung Phát, đầu tư cả tỷ đồng nhập máy móc trong sản xuất. Tuy lúc đó quy mô cơ sở của ông rất nhỏ, chỉ rộng khoảng 100 m2 đủ để đặt máy móc và vài người thợ điều khiển nhưng do làm dòng sản phẩm ít đụng hàng, lại giỏi về tay nghề nên khách vẫn tìm đến tận nơi đặt sản phẩm. Trong đó, có những doanh nghiệp lớn trong ngành sản xuất thiết bị, phụ tùng cao su từ tận ngoài Bắc tìm đến, đầu tư vốn cho An Trung Phát mua thêm máy móc để cơ sở cung cấp hàng lâu dài cho họ. Nhờ đó, ngay từ khi mới tham gia thị trường, cơ sở đã có đầu ra ổn định với sản lượng tăng đều hàng năm.

* Khai thác lợi thế để phát triển

Ông An vui vẻ khoe: “Đầu năm nay, tôi vừa chuyển xưởng sang vị trí mới với cơ sở khang trang, rộng rãi hơn rất nhiều nơi cũ. Tôi cũng đang đăng ký thành lập công ty để trực tiếp sản xuất ra các sản phẩm cao su phục vụ các ngành công nghiệp, như: gioăng, phớt, đệm... chứ không chỉ dừng lại ở việc chuyên làm khuôn mẫu như trước”. Theo ông An, tiềm năng của ngành công nghiệp phụ trợ này còn rất lớn. Vì bất cứ sản phẩm tiêu dùng từ máy giặt, bàn ủi, xe máy, ô tô đến chiếc ốc vít... đều cần các chi tiết, phụ tùng cao su làm phần đệm.

Khát vọng của ông An là làm ra những sản phẩm công nghiệp phụ trợ cạnh tranh được với hàng Trung Quốc cả về chất lượng và mức giá rẻ. Ông An so sánh: “Đầu tư máy móc theo hướng tự động hóa, sản phẩm của cơ sở làm ra có giá thành rẻ hơn gần 1 nửa so với cách làm thủ công truyền thống. Với lợi thế tự làm được khuôn mẫu, An Trung Phát hoàn toàn tự tin có thể làm được những chi tiết máy có giá tốt và đáp ứng được đòi hỏi kỹ thuật cao, đa dạng từ khách hàng”.

Bình Nguyên

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích