Báo Đồng Nai điện tử
En

Tập trung đúng ngành, đúng sở trường mới phát huy được sức mạnh của doanh nghiệp

10:01, 09/01/2015

Khi đề cập đến ngành cao su năm 2015, Chủ tịch Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam Võ Sỹ Lực cho biết: "Dự đoán ngành cao su năm 2015 vẫn còn nhiều khó khăn vì nguồn cung vẫn dồi dào nhưng lượng cầu không có xu hướng tăng"...

2014 là năm khó khăn nhất trong nhiều năm trở lại đây của ngành cao su Việt Nam vì cao su bị rớt giá sâu. Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam (VRG) có sản lượng cao su khai thác cao hơn năm 2013 nhưng giá trị thu về lại ít hơn tới 2.500 tỷ đồng. “Dự đoán ngành cao su năm 2015 vẫn còn nhiều khó khăn vì nguồn cung vẫn dồi dào nhưng lượng cầu không có xu hướng tăng” - Chủ tịch VRG Võ Sỹ Lực cho biết.

* Thưa ông, kết thúc năm 2014, giá cao su đã xuống thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Với cương vị Chủ tịch VRG, ông có bất ngờ và lo lắng?

- Bất ngờ thì không mà lo lắng thì có. Vì giá thấp đã ảnh hưởng đến doanh thu, lợi nhuận, thu nhập người lao động.

* Bước sang năm mới 2015, liệu có tín hiệu gì khả quan không khi Việt Nam chuẩn bị kết thúc đàm phán Hiệp định khung xuyên Thái Bình Dương (TPP) cùng với việc hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN vào cuối năm nay?

- Theo dự đoán, năm 2015 nền kinh tế thế giới vẫn tiếp tục phục hồi nhưng chậm, giá dầu mỏ thì tiếp tục hạ nhanh. Điều này cũng tác động rất lớn đến giá cao su, cung vẫn vượt cầu. Giá năm rồi 52 triệu đồng/tấn mủ, nhưng hiện nay chỉ còn 32 triệu đồng/tấn. Tôi nghĩ một vài năm nữa giá chưa có sự đột phá như năm 2011-2012, nếu các nước có sản lượng cao su lớn, như: Malaysia, Thái Lan, Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam không có sự thay đổi về sản lượng mủ cao su cung cấp ra thị trường.

* Vậy Việt Nam thì sao và  VRG có những giải pháp hay điều chỉnh chính sách gì về sản xuất - kinh doanh cao su, thưa ông?

- Chúng tôi xác định phải tái cơ cấu lại chủng loại sản phẩm. Nếu như từ trước đến giờ làm mủ 3L nhiều để xuất sang Trung Quốc thì nay phải tính lại, giảm tỷ lệ mủ 3L mà tăng loại SV10, SV20 lên vì thị trường vỏ, ruột xe rất cần loại mủ này. Đồng thời, quy trình lấy mủ cũng phải điều chỉnh lại, có thể từ D3 sẽ lên D4, tức là kéo dài ngày cạo mủ hơn; tiết giảm các chi phí để hạ giá thành. Về mặt khách hàng thì tiếp tục tìm kiếm, mở rộng mối quan hệ với các đối tác để không bị động.

Theo Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn, năm 2014, Việt Nam xuất khẩu được 1,07 triệu tấn cao su, giá trị thu về là 1,8 tỷ USD. Mức xuất khẩu này tương đương năm 2013, song giá trị thu về giảm gần 28%. Giá trị xuất khẩu giảm phần nhiều do giá bán giảm. Cụ thể, giá xuất khẩu trung bình trong 11 tháng của năm 2014 là 1.695 USD/tấn, giảm hơn 27% so với cùng kỳ năm 2013. Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ lớn nhất của cao su Việt Nam khi chiếm gần 43% tổng lượng cao su xuất khẩu.

* VRG có vị trí và kinh nghiệm lâu đời như vậy mà còn gặp không ít khó khăn khi khách hàng chính là Trung Quốc giảm lượng tiêu thụ hàng. Có lẽ khu vực cao su tiểu điền còn khó khăn hơn khi phát triển nhanh trong thời gian qua?

- Ước tính cao su tiểu điền phát triển đã lên tới hơn 500 ngàn hécta. Nếu như những hộ trồng cao su có ăn có chịu với cây cao su mấy mùa rồi thì chuyện chung thủy với cây cao su cũng bình thường, bởi vòng đời của cây cao su là 25-30 năm. Nhưng với những hộ mới có thu hoạch mà giá mủ cao su thấp kiểu này thì thật sự khó khăn, có lẽ bà con phải xoay xở để có thể “nuôi” cây cao su. Có như vậy mới tránh tình trạng chặt - trồng - chặt. Năm 2014, tập đoàn cũng đã tiêu thụ giúp lượng cao su trong khu vực tiểu điền là 60 ngàn tấn.

* Việc cây cao su phát triển qua Lào, Campuchia có góp phần làm cho lượng cung quá dồi dào dẫn đến thừa?

- Tập đoàn đã trồng được 90 ngàn hécta cao su ở Campuchia và 30 ngàn hécta ở Lào. Diện tích đưa vào khai thác cũng mới vài chục ngàn hécta với sản lượng thấp nên chưa tác động gì về lượng cung ra thị trường. Có điều giá thấp sẽ làm ảnh hưởng đến thu nhập người lao động, thời gian khấu hao phải kéo dài.

* Còn việc đưa cây cao su lên miền Tây Bắc hay ra miền Trung, dư luận có thời điểm đã rộ lên sự nghi ngờ?

- Tôi nghĩ ai chưa lên Tây Bắc thì nên đến đó mới cảm nhận được việc đưa cây cao su lên đó có hiệu quả hay không. Hay như vùng Vĩnh Linh (Quảng Trị), cây cao su ra đó rất hợp, dù cũng đã có những trận bão tràn tới quất tơi bời nhưng bà con vẫn trồng lại vì thấy không có cây nào hiệu quả hơn cây cao su. Tôi nghĩ cần có quan điểm công bằng với cây cao su.

* Thời gian gần đây, Chính phủ siết lại việc đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn. VRG đã thực hiện chủ trương này như thế nào?

- Đầu tư ngoài ngành của tập đoàn là hơn 2 ngàn tỷ đồng, đến nay đã thoái vốn được 750 tỷ đồng, Tập đoàn đang cố gắng sẽ thoái vốn tiếp 1.500 tỷ đồng nữa trong năm nay nếu như tình hình thuận lợi. Thật ra những công trình thủy điện đã hoạt động thì thoái vốn dễ dàng, còn những công trình đang làm thì phải làm cho xong mới thoái vốn được.

Năm 2014, Tập đoàn cao su Việt Nam đạt tổng sản lượng 268 ngàn tấn, doanh thu đạt 22.500 tỷ đồng, doanh thu xuất khẩu đạt 374 triệu USD, lợi nhuận đạt 2.500 tỷ đồng. Tổng lao động toàn ngành là 110 ngàn người, thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng. Chỉ trừ tổng sản lượng khai thác là vượt,  còn lại các chỉ tiêu đều giảm so với năm trước.

* Bài học gì rút ra từ việc đầu tư ngoài ngành, thưa ông?

- Tôi nghĩ nên tập trung chuyên ngành, đúng sở trường, đúng năng lực. Có như vậy việc bố trí cán bộ, cất nhắc anh em mới đúng người, đúng việc, phát huy được hiệu quả. Nếu không, sẽ dàn trải và bộ máy cồng kềnh, không phát huy được sức mạnh tổng hợp.

* Ông nhận xét gì về Tổng công ty cao su Đồng Nai?

- Tập đoàn có 22 đơn vị thành viên là các công ty TNHH một thành viên, riêng chỉ có Đồng Nai là tổng công ty. Đồng Nai cũng đã có bước chuyển trong cơ cấu lại sản phẩm, giảm loại mủ 3L xuống còn 30%. Năm 2014, sản lượng mủ vượt kế hoạch gần 2 ngàn tấn, bảo đảm chăm lo đời sống cho người lao động với thu nhập bình quân trên 5 triệu đồng/người/tháng đã là cố gắng lớn trong tình hình vừa qua. Tổng công ty cao su Đồng Nai nộp ngân sách đầy đủ và đặc biệt là nội bộ đoàn kết, lãnh đạo địa phương cũng rất quan tâm. Lãnh đạo tập đoàn đánh giá cao Tổng công ty cao su Đồng Nai. Tuy nhiên, do một số diện tích vườn cây chưa cải thiện nên năng suất chung ở Đồng Nai chưa đạt mức 2 tấn/hécta.

* Ông có dự đoán gì cho năm 2015 của tập đoàn?

- Tình hình vẫn rất khó đoán khi giá dầu liên tục giảm,  các nước chủ lực về cây cao su chưa đưa ra chính sách giảm sản lượng khai thác. Tôi nghĩ trong điều kiện này, tập đoàn cần tìm cách liên kết, mở rộng thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, tái cấu trúc công ty, giảm chi phí hành chính.  Trước mắt, chúng tôi phải tập trung nguồn lực để chuẩn bị cho việc cổ phần hóa. Năm 2015 sẽ cổ phần hóa trước 5 đơn vị là các công ty cao su:  Bà Rịa, Tân Biên, Phú Riềng, Lộc Ninh và Bình Long.

* Xin cảm ơn ông!

Kim Loan (thực hiện)

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều