Báo Đồng Nai điện tử
En

Nên nhìn nhận người nhập cư với thái độ tích cực

11:09, 05/09/2014

Sinh ra và lớn lên ở Đồng Nai - nơi nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp từ làn sóng lao động nhập cư vào các Khu công nghiệp, TS.Nguyễn Đức Lộc cho rằng, cần có một cái nhìn công bằng và thái độ tích cực hơn đối với người nhập cư...

“Xuất cư đối với an sinh hộ gia đình”, “Quản lý rủi ro của người công nhân ở các khu công nghiệp”, “Vì sao công nhân khổ?”, “Bàn chuyện an cư lạc nghiệp của người nhập cư”... là những đề tài xoay quanh cuộc sống của lao động nhập cư mà TS. Nguyễn Đức Lộc - Phó trưởng khoa Nhân học (Trường đại học khoa học xã hội và nhân văn, Đại học quốc gia TP. Hồ Chí Minh) đã và đang thực hiện.

Sinh ra và lớn lên ở tỉnh Đồng Nai - địa phương “nóng bỏng” với các vấn đề nảy sinh từ làn sóng lao động nhập cư vào các khu công nghiệp, TS.Nguyễn Đức Lộc cho rằng cần có một cái nhìn công bằng và thái độ tích cực đối với công nhân để xã hội phát triển hài hòa và người lao động nhập cư tìm được ý nghĩa cuộc sống nơi xứ xa.

* Nhìn nhận đúng hơn về người nhập cư

 * Lâu nay, nhiều địa phương vẫn xem người nhập cư là những mối lo ngại đáng quan tâm. Ông đánh giá cách nhìn này thế nào?

- Cần công bằng với họ trong cách nhìn nhận. Hãy hình dung nếu Bình Dương, Long An hay Đồng Nai vắng bóng những người nhập cư thì liệu có thể phát triển kinh tế và thu hút đầu tư như bấy lâu nay? Chúng ta không thể phủ nhận lực lượng này có vai trò rất quan trọng trong sự phát triển kinh tế của nhiều nơi, không chỉ là phát triển sản xuất (đi kèm với các doanh nghiệp), mà còn là động lực phát triển kinh tế - xã hội các địa phương, với hàng loạt dịch vụ thương mại khác: buôn bán hàng hóa, dịch vụ nhà trọ, y tế, giáo dục... cho hàng trăm ngàn người nhập cư. Đó là một nguồn lực lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Tuy nhiên, có vẻ như chúng ta đang thiếu một tầm nhìn có tính quy hoạch cho làn sóng nhập cư đến làm việc tại các khu công nghiệp. Cho đến hiện tại, làn sóng nhập cư từ nông thôn ra thành thị vẫn là những dòng người nhập cư tự túc. Chính vì vậy, điều này dẫn đến tình trạng cuộc sống của người lao động co cụm, phân nhóm và nảy sinh nhiều vấn đề. Ví dụ, hình thành nên những khu nhập cư mang sắc thái làng xã mà thậm chí cảnh sát khu vực còn phải e dè khi vào, như từng xảy ra ở Bình Dương.

* Ông bàn đến những quy hoạch, tính toán cho lao động nhập cư, nhưng cụ thể là gì?

- Các cấp quản lý cần có tầm nhìn rõ ràng hơn, dựa trên những thông tin chính xác. Ví dụ, doanh nghiệp A, B, C... cùng ở trong một khu công nghiệp mới mở thì lượng lao động cụ thể họ cần là bao nhiêu? Và địa phương đã chuẩn bị những gì để đón lượng lao động nhập cư ấy, từ nhà ở, chợ búa, y tế, giáo dục... Thực tế vài chục năm nay, những địa phương “nóng” về thu hút đầu tư, như: Đồng Nai, Bình Dương luôn luôn có số lượng người nhập cư lên đến hàng trăm ngàn, có điều chúng ta chưa tính đến một quy hoạch bền vững nào cho lượng người nhập cư đó sinh sống và làm việc, chúng ta mới chỉ tính toán những hạ tầng xã hội dành cho người địa phương mà thôi. Khi làn sóng người nhập cư tới mưu sinh, hạ tầng xã hội không chỉ không đáp ứng đủ nhu cầu người nhập cư mà còn gây ra sự quá tải đối với cư dân địa phương.

* Nhưng trước mắt và trong tương lai gần, việc chính quyền - ở đây có thể hiểu cụ thể là ngân sách - phải gánh vác trách nhiệm lo lắng cơ sở hạ tầng phúc lợi cho lao động nhập cư thì liệu có khả thi không?

- Trong tâm trạng người quê ra thành phố, rất ít người có tư tưởng cư trú lâu dài, hầu hết chỉ “muốn kiếm chút vốn về quê”. Dù từng số phận, từng con người cụ thể có thay đổi, song về số lượng tổng thể hầu như luôn được bảo toàn, và cần tính toán dựa trên con số ấy. Quy hoạch khu công nghiệp, cụm công nghiệp lẽ ra đầu tiên phải tính luôn cả cơ sở hạ tầng phúc lợi xã hội và các thiết chế văn hóa cho số lượng công nhân nhập cư dự kiến sẽ làm việc tại đó.

Ở nhiều nước phát triển như Nhật Bản, sự tính toán này thể hiện rõ trong mô hình phúc lợi theo kiểu “gia trưởng” hoặc “tân gia trưởng”, nghĩa là doanh nghiệp phải tính toán luôn cả nơi ăn chốn ở cho công nhân, đảm bảo sự yên tâm, gắn bó nghề nghiệp với doanh nghiệp. Song trách nhiệm này trong bối cảnh toàn cầu hóa, sự chuyển dịch nguồn vốn đầu tư giữa các quốc gia dẫn đến tình trạng gần như trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đã được đẩy cho chính quyền các nước sở tại - những nước đang cần thu hút đầu tư. Và khi chính quyền không thể gánh vác nguồn chi phí khổng lồ này thì gánh nặng chi phí lại tiếp tục được đẩy về phía người dân. Chúng ta có thể thấy điều này qua mô hình “xã hội hóa”, khá luẩn quẩn và phát sinh nhiều vấn đề.

* Hiện tại, nhiều địa phương ở miền Trung hay miền Bắc đang hình thành các khu công nghiệp một cách nhanh chóng và thu hút nhiều lao động địa phương.  Ông có cho rằng nếu chăm lo không tốt đến đời sống lao động nhập cư, nhiều địa phương phía Nam có thể rơi vào thế cạnh tranh về nguồn lao động trong tương lai?

- Nên nhớ, người lao động xuất cư đến các khu công nghiệp tại các tỉnh phía Nam, chịu cảnh sống tạm bợ, xa gia đình là một thiệt thòi về vật chất và tinh thần rất lớn. Lo cho đời sống người nhập cư cũng cần được nhìn nhận dưới một khía cạnh trách nhiệm của chính quyền sở tại. Trong tương lai gần, Đồng Nai, Bình Dương, Long An phải tính tới một xu hướng mới: lao động nhập cư sẽ trở về quê làm việc khi các khu công nghiệp ở miền Trung, miền Bắc hình thành và phát triển. Người lao động sẽ có nhiều lựa chọn nơi làm việc và những nơi làm việc gần nhà, mà lại được hưởng một mức lương tương tự sẽ là một trong những lựa chọn ưu tiên. Trong tương lai, việc thiếu lao động ở các tỉnh trọng điểm phía Nam là điều dễ hình dung, và nó sẽ tới càng nhanh, càng khó khăn hơn nếu thiếu chăm lo đến đời sống người lao động.

* Công nhân cũng cần một ý nghĩa cuộc sống

* Ông tiếp xúc và trò chuyện rất nhiều với lao động nhập cư, điều gì làm ông suy nghĩ nhiều nhất sau những lần gặp gỡ đó?

- Tôi có nhiều cuộc tiếp xúc với công nhân cho các đề tài nghiên cứu và các khóa huấn luyện kỹ năng, thái độ sống cho công nhân. Điều trăn trở trong tôi là công nhân nhìn nhận về cuộc sống, công việc của mình một cách tạm bợ và đầy bất trắc. Hành trang xuất cư của họ là giấc mơ đổi đời và cuộc sống lo toan cho những người ở quê. Nhưng rồi cuộc mưu sinh của họ nhanh chóng bị đẩy tới sự túng quẫn và mất dần đi ý nghĩa, động lực sống. Trong một vài cuộc nói chuyện gần đây tại một doanh nghiệp ở Bình Dương về “Ý nghĩa của lao động và thái độ sống trong cuộc đời”, tôi thấy họ rất đáng cảm thông. Họ thiếu động lực sống và không nhìn ra cơ hội thay đổi, mặc dù họ vẫn lao động đều đặn hàng ngày. Một vòng luẩn quẩn vô nghĩa cứ xoay vòng trong cuộc mưu sinh.

* Chúng ta có thể làm gì cho đời sống tinh thần của lao động nhập cư, ngoài những cách làm khá hình thức lâu nay như tổ chức văn nghệ cho họ xem hay cho họ đi du lịch vài ngày đâu đó?

- Không để họ nghĩ mình chỉ là một bộ phận của dây chuyền sản xuất vô tri. Ai cũng cần một ý nghĩa cuộc sống để nương tựa, đặc biệt là với những người nhập cư xa xứ. Từ cảm nhận ý nghĩa đó, họ mới tiến dần đến việc yêu nghề, làm việc nghiêm túc hơn, và do đó họ không thể đập phá máy móc vì biết đó chính là nguồn nuôi sống bản thân và gia đình. Tạo cơ hội để cho họ thấy được ý nghĩa thực sự của lao động, nền tảng cho mọi thay đổi trong cuộc đời. Một khi nhìn thấy, thời gian nhậu nhẹt sẽ được rút xuống, họ bắt đầu tìm đến các lớp học chuyên môn, ngoại ngữ, kỹ năng sống… Đó là sự thay đổi trong nhận thức. Còn nếu không, trường học có mở ra mà công nhân không tới thì mọi thứ cũng trở nên vô nghĩa.

Chúng ta phải cho họ nhìn thấy những cánh cửa khác tươi sáng hơn cuộc sống buồn tẻ hiện nay tại các khu công nghiệp.

* Vì sao ông chọn nghiên cứu về con người, cụ thể là lao động nhập cư, là một trong những dòng nghiên cứu chính của mình nhiều năm nay?

- Hiểu về con người là điều khó và hấp dẫn nhất đối với tôi. Những cuộc trò chuyện với công nhân ban đầu rất khó, họ khép kín và rụt rè. Có vẻ như họ đã tự dựng lên một bức tường vô hình và kiên cố để ngăn xã hội đến với họ. Khi một người lạ mặt, xuất thân từ một trường đại học đến tìm hiểu về cuộc sống của mình, họ dễ dàng nhìn nhận tôi như đại diện cho xã hội đến gây sự phiền nhiễu cho cuộc sống vốn chẳng mấy vui vẻ của mình. Cuộc mưu sinh đối với họ thực sự khắc nghiệt, họ mất dần sự tin tưởng vào những người xung quanh. Nhưng khi ta kiên nhẫn, vượt qua sự hãnh diện của bản thân, họ mở lòng và ta sẽ khám phá và cảm thông bao điều thú vị từ cuộc sống mưu sinh. Qua đó, không chỉ những vấn đề tôi quan tâm được hé mở, mà tôi còn cảm nhận được từng số phận, từng con người. Đó cũng là ý nghĩa trong công việc mà tôi chọn lựa.

 Xin cảm ơn ông!

Kim Ngân (thực hiện)

 

Tin xem nhiều