Báo Đồng Nai điện tử
En

Siết chặt nguồn vốn đầu tư

10:09, 05/09/2014

Ngày 4-9, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Minh Phúc đã chủ trì buổi làm việc với các sở, ngành, địa phương về triển khai xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và lập kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm (2016-2020).

Ngày 4-9, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Minh Phúc đã chủ trì buổi làm việc với các sở, ngành, địa phương về triển khai xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và lập kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm (2016-2020). Theo đó, nguồn vốn đầu tư cho giai đoạn tới sẽ bị siết chặt hơn.

Làm đường nông thôn ở xã Phước Thiền, huyện Nhơn Trạch (ảnh minh họa). Ảnh: Kiều Tân
Làm đường nông thôn ở xã Phước Thiền, huyện Nhơn Trạch (ảnh minh họa). Ảnh: Kiều Tân

Hầu hết các sở, ngành, địa phương đều lo lắng vì nguồn ngân sách phân bố giảm, đồng nghĩa với việc nhiều dự án sẽ không có vốn, ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội.

Ưu tiên vốn cho công trình dở dang

Theo Sở Kế hoạch - đầu tư, tổng nguồn vốn đầu tư từ ngân sách của giai đoạn 2016-2020 của tỉnh dự kiến là 25 ngàn tỷ đồng. Trong đó, cao nhất là TP.Biên Hòa được gần 947 tỷ đồng, còn các huyện, TX.Long Khánh chỉ được phân bổ từ 568-589 tỷ đồng. Nguồn vốn đầu tư này còn lệ thuộc một phần vào việc khai thác quỹ đất của các địa phương.

Giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư Bồ Ngọc Thu nhấn mạnh: “Nguồn vốn phân bổ có hạn nên phải rà soát, phân loại lại tất cả các dự án đã quy hoạch, ưu tiên đầu tư dự án quan trọng, còn các dự án chưa cấp bách phải đợi hoặc tìm các nguồn vốn khác. Các địa phương cần cân đối ưu tiên trả hết nợ cho các công trình đã hoàn thành nhưng thiếu vốn, tiếp đến đầu tư cho các công trình xây dựng dở dang. Khi nào thừa nguồn vốn cho các công trình đang xây dựng dang dở mới khởi công làm công trình mới”.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Minh Phúc cho biết: “Giai đoạn tới sẽ giảm 4 chương trình mục tiêu quốc gia xuống còn 2 mục tiêu là giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới. Các nguồn vốn của Trung ương sẽ chỉ ưu tiên cho 2 chương trình này. Những dự án không thuộc 2 chương trình trên cần tìm vốn từ các nguồn khác để đầu tư”.

Lo kinh tế chậm phát triển

Phó chủ tịch UBND huyện Long Thành Ngô Thế Ân bày tỏ: “Huyện đang băn khoăn vì nguồn vốn có hạn trong khi các công trình kết cấu hạ tầng cần xây dựng rất nhiều. Các công trình hạ tầng hạn chế khởi công mới sẽ ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế của địa phương”.

Giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư Bồ Ngọc Thu cũng thừa nhận giai đoạn 2011-2015, nhiều công trình khởi công mới bị đình lại khiến phát triển kinh tế của tỉnh có xu hướng chậm lại, thấp hơn nghị quyết đề ra. Tăng trưởng kinh tế năm 2013 giảm xuống còn 11% và 6 tháng đầu năm 2014 tiếp tục giảm. Ông Lê Mạnh Dũng, Chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch, cho hay nguồn vốn ngân sách phân bổ cho từng năm, ở giai đoạn 2016-2020 nếu không cho các địa phương điều chỉnh hàng năm sẽ rất khó khăn.

Trước đây, với những công trình hạ tầng khi tỉnh thiếu vốn, các địa phương thường cho nhà đầu tư ứng vốn hoặc vay vốn ngân hàng làm trước và thanh toán khi tỉnh bố trí được nguồn vốn. Nhưng từ năm 2015, theo Luật Đầu tư công, các kiểu đầu tư trên phải ngưng lại vì không cho nợ đọng. Theo UBND huyện Xuân Lộc, việc này rất khó khăn cho các địa phương vì nhiều công trình Nhà nước và nhân dân cùng làm, người dân đã đóng góp trước phần của mình, nếu Nhà nước không bố trí được vốn lại không cho vay ngân hàng hoặc cho chủ xây dựng ứng vốn làm đường trước thì người dân sẽ thắc mắc và sau này vận động xã hội hóa các công trình khác sẽ khó khăn.

Hương Giang

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích