Báo Đồng Nai điện tử
En

Dự án thủy lợi khát vốn

08:04, 10/04/2014

Hiện nay, có 3 dự án thủy lợi trọng điểm được Đồng Nai đưa vào danh sách ưu tiên vốn để sớm thực hiện. Thế nhưng, cả 3 dự án đều thiếu vốn để thi công.

Hiện nay, có 3 dự án thủy lợi trọng điểm được Đồng Nai đưa vào danh sách ưu tiên vốn để sớm thực hiện. Thế nhưng, cả 3 dự án đều thiếu vốn để thi công.

Ba dự án thủy lợi trọng điểm là: nạo vét suối Săn Máu (TP. Biên Hòa), hồ Gia Măng (huyện Xuân Lộc) và dự án hồ Lộc An (huyện Long Thành). Trong số này, có dự án đã triển khai hơn 15 năm vẫn chưa hoàn thành.

* Dự án hơn 15 năm

Dự án nạo vét suối Săn Máu (TP. Biên Hòa) được quy hoạch từ năm 1998. Lúc đầu, dự án được giao cho TP. Biên Hòa thực hiện, nhưng sau 2 năm không triển khai được đã giao về cho Ban Quản lý dự án nông nghiệp (Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn). Dự án nạo vét suối Săn Máu dài hơn 6 km đi qua 5 phường, có chức năng thoát nước mưa và nước sinh hoạt, chống ngập úng. Tổng kinh phí dự án hơn 409 tỷ đồng, trong đó chi phí xây lắp gần 153 tỷ đồng, chi phí đền bù giải tỏa hơn 194 tỷ đồng...

Dự án nạo vét suối Săn Máu sau hơn 15 năm đến nay mới thi công được gần 1,5 km.
Dự án nạo vét suối Săn Máu sau hơn 15 năm đến nay mới thi công được gần 1,5 km.

Đây là một trong những dự án được tỉnh xếp vào danh sách ưu tiên thực hiện trong giai đoạn 2011-2015. Tuy nhiên, đến đầu tháng 4-2014, sau hơn 15 năm thực hiện, dự án mới gần hoàn thành gói thầu số 1 dài 1,5 km. Dự án này đã từng gây nhiều bức xúc cho người dân, vì triển khai chậm nên vào mùa mưa thường gây ngập lụt ở nhiều đoạn đường chính của TP. Biên Hòa.

Dự án nạo vét suối Săn Máu (TP. Biên Hòa) bắt đầu từ năm 1998 với tổng kinh phí ban đầu gần 60 tỷ đồng. Sau hơn 15 năm triển khai, vốn đầu tư đã đẩy lên gần 409 tỷ đồng vì trượt giá. Dự án hồ Lộc An (huyện Long Thành) có tổng vốn đầu tư gần 180 tỷ đồng, trong đó hơn 145 tỷ đồng chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng và gần 34,5 tỷ đồng cho xây lắp. Dự án hồ Gia Măng (huyện Xuân Lộc) có vốn đầu tư khoảng 324 tỷ đồng. Theo thiết kế, hồ có dung tích khoảng 5,5 triệu m3.

Ông Phạm Minh Đạo, Giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn, cho biết: “Những năm trước dự án triển khai chậm là do vướng bồi thường, tái định cư. Hiện bồi thường tái định cư đã gần xong thì lại thiếu vốn để thi công”. Chỉ còn gần 1 tháng nữa sẽ bắt đầu mùa mưa, nhưng dự án mới thực hiện được gần 1,5 km đoạn từ cầu bê tông đường Nguyễn Văn Hoài đến hạ lưu cầu Mương Sao. Theo Ban Quản lý dự án nông nghiệp, nếu được bố trí vốn kịp thời để khởi công các đoạn tiếp theo, có khả năng đến hết năm 2017 dự án sẽ hoàn thành, còn với tình trạng thiếu vốn như hiện nay thì chưa biết đến khi nào mới xong.

* Lộc An, Gia Măng đợi vốn

Hồ Lộc An là dự án được hàng ngàn hộ dân ở các xã Lộc An, Tam Phước, Tam An và thị trấn Long Thành (huyện Long Thành) trông đợi. Bởi nhiều năm nay, vào mùa mưa người dân vùng này thường nơm nớp lo lũ về bất ngờ gây thiệt hại người và tài sản. Hồ Lộc An được tỉnh phê duyệt từ năm 2004 với mục tiêu để cắt lũ, chống ngập trong phạm vi 26km2 và tạo nguồn nước tưới cho khoảng 300 hécta cây trồng. Dự án do Ban Quản lý dự án nông nghiệp làm chủ đầu tư. Đến nay, hồ Lộc An đã gần hoàn thành công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, song lại thiếu vốn xây lắp. Theo Sở Kế hoạch - đầu tư, quy định của Chính phủ là năm 2014 chỉ thực hiện các dự án cấp bách chuyển tiếp từ năm trước, không khởi công các dự án mới. Vì thế, tỉnh không thể bố trí vốn khởi công dự án trong năm 2014.

Phó chủ tịch UBND huyện Long Thành Ngô Thế Ân cho hay: “Dự án thi công sớm ngày nào thì vào mùa mưa lũ dân bớt khổ ngày đó. Vào mùa mưa có những khi lũ đột ngột đổ về, nhiều nhà ngập sâu cả mét. Ngoài thiệt hại về tài sản hoa màu, thì tính mạng của nhiều người dân vùng này cũng bị đe dọa”.

Tương tự, dự án hồ Gia Măng (huyện Xuân Lộc) triển khai từ năm 2004, giao cho Ban Quản lý dự án nông nghiệp làm chủ đầu tư, nhưng năm 2006 giao về cho Công ty TNHH một thành viên khai thác công trình thủy lợi làm chủ đầu tư. Hồ được xây dựng với mục đích cung cấp nước tưới cho khoảng 590 hécta cây trồng của 3 xã: Xuân Hiệp, Xuân Tâm, Lang Minh. Sau gần 10 năm thực hiện, dự án đã cơ bản hoàn thành khâu khó khăn nhất là bồi thường giải phóng mặt bằng, nhưng hiện thiếu vốn để khởi công xây dựng. “Người dân ở 3 xã trên rất mong dự án sớm hoàn thành để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản xuất tăng vụ, như vậy thu nhập sẽ tăng lên nhiều” - Chủ tịch UBND huyện Xuân Lộc Trần Anh Tuấn chia sẻ. Song dự kiến, hồ Gia Măng cũng không thể khởi công trong năm 2014 vì không được bố trí vốn.

Hương Giang

 

 

 

 

Tin xem nhiều