Báo Đồng Nai điện tử
En

Tiến sĩ Phạm Hữu Khánh: Cát Tiên như viên ngọc quý cần phải biết nâng niu, trân trọng

10:11, 01/11/2013

Là một trong những thành viên tham gia biên soạn thành công hồ sơ đề cử Khu ramsar Bàu Sấu, Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cát Tiên, khu di tích quốc gia đặc biệt Vườn quốc gia (VQG) Cát Tiên và hiện nay là thành viên ban nội dung hồ sơ đề nghị VQG Cát Tiên là di sản thiên nhiên thế giới, TS. Phạm Hữu Khánh cũng là người rất quyết liệt phản đối 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A.

Là một trong những thành viên tham gia biên soạn thành công hồ sơ đề cử Khu ramsar Bàu Sấu, Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cát Tiên, khu di tích quốc gia đặc biệt Vườn quốc gia (VQG) Cát Tiên và hiện nay là thành viên ban nội dung hồ sơ đề nghị VQG Cát Tiên là di sản thiên nhiên thế giới, TS. Phạm Hữu Khánh cũng là người rất quyết liệt phản đối 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A. Ông nói: “VQG Cát Tiên như viên ngọc quý cần phải biết nâng niu, trân trọng, bảo vệ, giữ gìn cho muôn đời con cháu mai sau”.

* Sáng 30-10, báo cáo tại kỳ họp Quốc hội về rà soát quy hoạch thủy điện, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đã chính thức loại bỏ 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A ra khỏi quy hoạch. Cảm giác của ông ra sau khi đón nhận thông tin này?

- Từ cuối tháng 9-2013, tôi được biết Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chỉ đạo cho Bộ Công thương xem xét, rà soát loại bỏ 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A ra khỏi hệ thống quy hoạch thủy điện. Tin vui này làm cho tôi thực sự xúc động đến lặng người. Nhưng lúc ấy cũng còn nhiều anh em nghi ngại vì Chính phủ mới có ý kiến chỉ đạo “rà soát”, chưa “dứt điểm”. Đến nay, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng báo cáo trước Quốc hội đã chính thức loại bỏ 2 dự án thủy điện này thì niềm vui ấy mới thật sự trọn vẹn.

* Có lúc nào ông cảm thấy chao đảo, lo lắng cho “cuộc chiến” bảo vệ đa dạng sinh học ở VQG Cát Tiên?

“Các cơ quan báo chí cả nước, trong đó có Báo Đồng Nai đã góp phần rất quan trọng và thành công trong việc chuyển tải các thông tin kịp thời, nhanh chóng đến công luận, đấu tranh gìn giữ báu vật VQG Cát Tiên cho các thế hệ mai sau”.

- VQG Cát Tiên như viên ngọc quý cần phải biết nâng niu, trân trọng, bảo vệ, giữ gìn cho muôn đời con cháu mai sau. Nhưng nhiều người không biết, hoặc cố tình không biết giá trị của nó nên quên đi ý thức bảo tồn, chỉ biết khai thác và hưởng lợi những giá trị trước mắt, bất chấp hậu quả. Thủy điện như con gà đẻ trứng vàng. Trong nhiều năm qua, các nhóm lợi ích muốn đạt được toan tính của mình bằng mọi giá, bỏ qua hệ lụy vô cùng to lớn. Lúc đầu, có ý kiến bi quan cho rằng, vấn đề này chỉ là thời gian, khi công luận lắng xuống, trước sau gì Công ty Đức Long Gia Lai (chủ đầu tư 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A) sẽ xây dựng, làm cho tôi cũng có lúc cảm thấy chao đảo, mất tự tin. Tuy nhiên, khi nghĩ về các tác động xấu của thủy điện quá lớn, hậu quả của nó không thể lường hết được, tôi tự nhận thấy mình phải có trách nhiệm lên tiếng bảo vệ đến cùng.

 * Với ông, khó khăn lớn nhất trong việc phản biện 2 dự án thủy điện này là gì?

- Trước đó, tôi không có thông tin đầy đủ về việc quy hoạch xây dựng thủy điện Đồng Nai 6 và 6A. Cho đến tháng 8-2011, khi Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VRN) tổ chức hội thảo bàn về quản lý tổng hợp rừng đầu nguồn bảo vệ lưu vực sông Đồng Nai tại VQG Cát Tiên, có mời đại diện Công ty Đức Long Gia Lai trình bày về đánh giá tác động môi trường (lần 1) của 2 dự án thủy điện này. Từ bản đánh giá tác động môi trường này, mọi người mới biết vị trí, quy mô xây dựng và tác động của nó, đồng thời phát hiện nhiều điểm không chính xác, vi phạm luật và các công ước quốc tế. Bản đánh giá tác động môi trường có nhiều lỗ hổng, sao chép, cắt dán. Báo chí bắt đầu vào cuộc, sự thật bắt đầu được phanh phui, thu hút được sự quan tâm của chính quyền và người dân địa phương.

Vấn đề là phải phân tích có cơ sở khoa học, khách quan và thực tế. Như quan điểm bảo tồn đa dạng sinh học, cần phải bảo tồn tính nguyên vẹn của các hệ sinh thái trong khu vực; cung cấp nhiều bằng chứng về các loài quý hiếm, có giá trị đa dạng sinh học cao còn hiện hữu trong khu vực; không có khái niệm rừng nghèo, rừng chuyển tiếp trong bảo tồn đa dạng sinh học. Thậm chí các trảng cỏ và rừng tre lồ ô cũng là sinh cảnh cho các loài thú quý hiếm như bò tót. Diện tích rừng bị phá dẫn đến thu hẹp sinh cảnh sống của các loài, có khả năng gây tuyệt diệt nhiều loài quý hiếm của VQG Cát Tiên…

* Trong quá trình chủ đầu tư “đấu tranh” với công luận cũng có không ít nhà khoa học lên tiếng ủng hộ 2 dự án này, ông nghĩ sao về điều này? Ông nhận thấy thái độ của người dân và lãnh đạo tỉnh Đồng Nai ra sao?

- Cuộc đấu tranh giữa một bên là nhóm lợi ích và một bên là người dân, chính quyền địa phương các tỉnh, thành trong khu vực và các nhà khoa học. Có nhiều người từng là chuyên gia, từng nghiên cứu và hiểu biết nhiều về VQG Cát Tiên nhưng được Công ty Đức Long Gia Lai thuê làm tư vấn, lại nói sai sự thật, lên tiếng ủng hộ thủy điện Đồng Nai 6 và 6A. Trong đó có nhiều người là bạn bè, đồng nghiệp, hoặc là những người lão luyện trong lĩnh vực môi trường. Nếu không khéo léo, dễ sinh ra mâu thuẫn và hiểu lầm nhau.

Tuy nhiên sự thật vẫn là sự thật. Thái độ của người dân và chính quyền tỉnh Đồng Nai ngay từ đầu đã kịch liệt phản đối. Đồng Nai đã có nhiều văn bản gửi Bộ Chính trị, Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ thể hiện quan điểm và chính kiến rõ ràng, nhất quán, điều này làm tăng thêm sự tự tin cho tôi để đấu tranh đến cùng.

Năm 1987, ông Phạm Hữu Khánh là một trong những kỹ sư lâm nghiệp đầu tiên được điều động công tác về Ban Quản lý rừng cấm Nam Bãi Cát Tiên (nay là VQG Cát Tiên), trải qua nhiều chức vụ rồi lên đến Phó giám đốc VQG Cát Tiên. Năm 2009, ông được điều động làm điều phối viên dự án phát triển du lịch sinh thái của VQG Cát Tiên do WWF Đan Mạch tài trợ; hiện đang phụ trách Phòng Khoa học và hợp tác quốc tế của VQG Cát Tiên. Bảo vệ luận án tiến sĩ năm 2010 tại Trường đại học lâm nghiệp Việt Nam, chuyên ngành lâm sinh. Ông có hơn 20 công trình và ấn phẩm đã được công bố. Cả hai vợ chồng đều làm ở VQG Cát Tiên, gia đình ở xã Phú Sơn, huyện Tân Phú.

* Có phải “hậu” thủy điện Đồng Nai 6 và 6A là có thể trút bỏ mọi ưu tư, lo lắng về công tác bảo vệ sự toàn vẹn VQG Cát Tiên không bị xâm hại bởi sự tham lam có ý thức của con người?

- Cuộc chiến giữa thủy điện và rừng xung quanh 2 dự án này đã kết thúc, nhưng cũng còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ khác. Tôi nhớ năm 1988, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đến thăm VQG Cát Tiên có nói rằng: “Các thành phố văn minh, hiện đại nếu bị phá hủy, chúng ta có thể xây dựng lại được. Nhưng nếu để mất khu rừng Cát Tiên rất quý giá này, sẽ bị mất mãi mãi. Do vậy chúng ta cần phải ra sức gìn giữ, bảo tồn cho các thể hệ mai sau”. Vấn đề giữ rừng, bảo vệ tài nguyên đa dạng sinh học của Cát Tiên vẫn luôn là công việc khó khăn và phức tạp mà các cán bộ, kiểm lâm phải đối mặt hàng ngày, hàng giờ.

Hiện nay, Cát Tiên đang đứng trước nhiều nguy cơ bị xâm hại bằng các hoạt động của con người, như: nạn phá rừng làm rẫy, lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản trái phép, săn bắt, bẫy chim thú rừng. Ở dọc sông Đồng Nai, nạn khai thác cát trái phép vẫn tiếp tục diễn ra, có nguy cơ làm ô nhiễm nguồn nước, làm sụt lở bờ sông. Ở vùng đệm, hàng chục ngàn hécta rừng bị chuyển đổi để trồng cao su. Mất vùng đệm, làm cho vùng lõi có nguy cơ bị đe dọa ở mức độ căng thẳng hơn, phức tạp hơn. Nhà nước cần có chính sách phục hồi lại vùng đệm để tạo thuận lợi cho công tác bảo tồn.

* Ông rút ra bài học gì về chuyện bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường xung quanh 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A?

- Thủy điện Đồng Nai 6 và 6A có thể được xem như là bài học đắt giá cho các nhà quản lý, các nhà quy hoạch thủy điện với thông điệp không nên xây dựng thủy điện trong các khu rừng đặc dụng. Cần phải kết hợp hài hòa giữa các mục tiêu kinh tế, xã hội và môi trường để phát triển bền vững. Dự án Đồng Nai 6 và 6A đã được loại bỏ, thì cũng nên xem xét trách nhiệm của những các cơ quan tư vấn, các cơ quan chức năng đã phê duyệt các dự án này, gây nhiều tổn thất cho doanh nghiệp, gây bức xúc trong xã hội một thời gian dài.

 Xin cảm ơn ông!

Xuân Phú (thực hiện)

 

 

 

 

Tin xem nhiều