Báo Đồng Nai điện tử
En

Nên thi kiến trúc cho cầu An Hảo

10:11, 17/11/2013

Dự án xây dựng cầu An Hảo từ  cù lao Hiệp Hòa sang Khu công nghiệp Biên Hòa 1 (gần ngã tư Vũng Tàu - TP.Biên Hòa) dự kiến sẽ khởi công xây dựng vào cuối năm 2014.

Dự án xây dựng cầu An Hảo từ  cù lao Hiệp Hòa sang Khu công nghiệp Biên Hòa 1 (gần ngã tư Vũng Tàu - TP.Biên Hòa) dự kiến sẽ khởi công xây dựng vào cuối năm 2014. Cầu An Hảo được xây dựng theo hình thức BT (xây dựng và chuyển giao). Công trình này đòi hỏi đáp ứng cả 2 mục tiêu là giải quyết giao thông và điểm nhấn đô thị.

Tuyến đường chính từ ngã tư Vũng Tàu sẽ kết nối với cầu An Hảo để qua cù lao Hiệp Hòa.
Tuyến đường chính từ ngã tư Vũng Tàu sẽ kết nối với cầu An Hảo để qua cù lao Hiệp Hòa.

Đây là công trình được nhiều người dân TP.Biên Hòa mong đợi, bởi nó sẽ giải quyết được bài toán giao thông đang bức bách của TP.Biên Hòa hiện nay.

* Điểm nhấn đô thị

Khi được xây dựng, cầu An Hảo sẽ rút ngắn khoảng cách khá lớn giữa trung tâm TP.Biên Hòa với quốc lộ 1 và quốc lộ 51. Khoảng cách từ cầu Hiệp Hòa đến cầu An Hảo chỉ có 3km và đến ngã tư Vũng Tàu chưa đến 4km, trong khi hiện nay người dân đang phải đi vòng đến 13km. Nhiều người qua lại nơi đây hiện nay chọn phương án đi bằng đò cho gần nhưng lại mất nhiều thời gian chờ đò, chưa kể thiếu an toàn và lưu lượng xe qua lại không nhiều. Việc mở tuyến giao thông này sẽ chia sẻ một lượng lớn phương tiện cho tuyến đường Phạm Văn Thuận đang quá tải vào các giờ cao điểm.

Theo UBND TP.Biên Hòa thì cổng chính vào thành phố sau này sẽ từ hướng ngã tư Vũng Tàu, bởi nơi đây khá rộng rãi thuận lợi cho việc kết nối với các trục giao thông, chính vì vậy, cầu An Hảo được xem là cửa ngõ của thành phố và được kỳ vọng nhiều. Mới đây, UBND tỉnh đã có buổi làm việc với UBND TP.Biên Hòa và các sở, ngành để thống nhất phương án xây dựng cầu An Hảo. Tại cuộc họp, nhiều ý kiến cho rằng đây là chiếc cầu cửa ngõ của đô thị ngoài việc giải quyết giao thông còn là điểm nhấn của thành phố, vì vậy cần có kiến trúc đẹp.

Nghị định số 38/2010/NĐ-CP của Chính phủ về Quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị yêu cầu: Các công trình giao thông và công trình phụ trợ giao thông trong đô thị phải được thiết kế đồng bộ bảo đảm thuận lợi cho người và phương tiện tham gia giao thông; có hình thức kiến trúc, màu sắc bảo đảm yêu cầu mỹ quan, dễ nhận biết và thể hiện được đặc thù của đô thị đó, phù hợp với các công trình khác có liên quan trong đô thị. Công trình giao thông có quy mô lớn, vị trí quan trọng, ảnh hưởng mỹ quan đô thị (cầu qua sông, cầu vượt, cầu cho người đi bộ...) phải tổ chức thi tuyển hoặc tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc theo quy định trước khi lập dự án đầu tư xây dựng.

Quyền Chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Trịnh Tuấn Liêm nói: “Địa thế xây dựng cầu An Hảo là rất đẹp, nếu cầu chỉ xây bình thường sẽ mất đi cơ hội tạo điểm nhấn cho TP.Biên Hòa. Mong muốn của thành phố là xây dựng chiếc cầu này cần có nét để tạo bộ mặt khang trang cho đô thị”. Điều ông Liêm chia sẻ hoàn toàn hợp lý, bởi khi đi trên cầu Đồng Nai về TP.Hồ Chí Minh nhìn vào TP.Biên Hòa thì cầu An Hảo sẽ là công trình kiến trúc được nhìn thấy đầu tiên.

* Băn khoăn kiểu dáng

Cầu An Hảo được đề xuất 4 phương án kiến trúc, là: cầu bê tông đúc gồm 2 cầu song song tổng mức đầu tư hơn 1.300 tỷ đồng; kiểu cầu extrados (cầu sử dụng dầm, cáp hỗn hợp) số vốn hơn 1.450 tỷ đồng; cầu dây văng cần vốn khoảng 1.850 tỷ đồng và cầu extrados hai cầu riêng biệt vốn trên 1.890 tỷ đồng.

Theo đánh giá của các nhà chuyên môn thì kiểu cầu dây văng vẫn được xem là đẹp, nhưng số vốn đầu tư quá lớn sẽ khó khăn trong điều kiện hiện nay. Theo ông Lý Thành Phương, Phó giám đốc Sở Xây dựng, không nhất thiết xây dựng cầu dây văng nhưng cần tổ chức cuộc thi về kiến trúc, như vậy sẽ thỏa mãn được yêu cầu về kiểu dáng, đồng thời cũng phù hợp với quy định về xây dựng công trình giao trong đô thị hiện nay.

Ông Lê Quang Bình, Phó giám đốc Sở Giao thông - vận tải, cũng cho rằng có thể xây dựng cầu bê tông đúc hẫng dự ứng lực kết hợp với phần kiến trúc hợp lý thì cầu vẫn đẹp nhưng vốn đầu tư sẽ không tăng quá nhiều, phương án làm cầu này cũng được nhiều nước tiên tiến trên thế giới thực hiện.

Dự án cầu An Hảo gồm 2 phần cầu và đường từ chân cầu nối với đường Đặng Văn Trơn, có tổng chiều dài khoảng 2km, trong đó phần cầu chiều dài là 492m; rộng 30,5m  với quy mô 6 làn xe (4 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ) và phần đường có chiều dài 1,4km.

Ông Hà Duy Thạch, Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư Đồng Nai, nhận xét: “Trong ký ức những người dân Biên Hòa ở tuổi 50 trở lên thì cầu Ghềnh trước đây là một điểm nhấn rất rõ nét. Với giai đoạn hiện nay cầu Ghềnh vẫn còn đó nhưng tình cảm đã phai nhạt nhiều và cần có những công trình hiện đại khác ghi dấu cho thời kỳ phát triển mới”.

Quả thực, chỉ riêng về xây dựng cầu, mấy năm gần đây đã có 4 công trình bắc qua sông Đồng Nai ở địa phận TP.Biên Hòa: cầu Đồng Nai, cầu Bửu Hòa (do vốn của Trung ương đầu tư), cầu Hiệp Hòa (TP.Biên Hòa đầu tư) và cầu Hóa An (tỉnh đầu tư) nhưng chỉ có riêng cầu Hiệp Hòa trông bớt đơn điệu hơn nhờ có phần trang trí, còn các cầu khác chỉ đơn thuần giải quyết nhu cầu giao thông. Mỗi chiếc cầu được thiết kế xây dựng có độ tuổi hàng trăm năm, sẽ không dễ bỏ đi để xây mới. Với cầu Hóa An đang xây dựng, không ít người tiếc vì dù nằm ở một khoảng sông khá rộng có không gian đẹp, nhưng có vẻ như phần kiến trúc của cầu đã “lỡ nhịp”.

Vân Nam

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều