Báo Đồng Nai điện tử
En

Cơ hội cho giày dép xuất khẩu

09:11, 13/11/2013

Cuối tháng 10-2013, Liên minh châu Âu (EU) đã chính thức công bố Quy chế ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) cho hàng hóa của các quốc gia đang phát triển tiếp cận thị trường EU. Việt Nam sẽ có sản phẩm giày dép, mũ, dù khi xuất khẩu vào EU được hưởng GSP bắt đầu từ  đầu năm 2014.

Sản xuất giày ở Công ty Prowin, huyện Vĩnh Cửu.
Sản xuất giày ở Công ty Prowin, huyện Vĩnh Cửu.

Cuối tháng 10-2013, Liên minh châu Âu (EU) đã chính thức công bố Quy chế ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) cho hàng hóa của các quốc gia đang phát triển tiếp cận thị trường EU. Việt Nam sẽ có sản phẩm giày dép, mũ, dù khi xuất khẩu vào EU được hưởng GSP bắt đầu từ  đầu năm 2014.

Như vậy, sang năm 2014 ngành giày dép xuất khẩu sẽ có thêm cơ hội. Các doanh nghiệp (DN) làm giày dép xuất khẩu đang kỳ vọng sẽ có thêm một năm sôi động nữa.

* Chủ động đơn hàng

Năm 2013 được xem là năm ăn nên làm ra của ngành giày dép xuất khẩu. Ngay từ đầu năm, các DN đã chủ động được đơn hàng. Ông Tạ Quốc Bình, Phó giám đốc Công ty sản xuất giày dép xuất khẩu Vĩnh Bình (ở TP.Hồ Chí Minh, xưởng sản xuất tại huyện Trảng Bom), cho biết đến thời điểm hiện nay, công ty đã hoàn tất đơn hàng năm 2013 và đang ký hợp đồng cho năm 2014. Doanh thu xuất khẩu của DN năm nay đạt xấp xỉ 20 tỷ đồng, tăng gần 30% so với năm 2012. Thị trường chính của DN là châu Âu và Nhật Bản. “Xuất khẩu sang châu Âu chiếm 70% lượng hàng, 30% còn lại xuất sang Nhật Bản. Hàng xuất khẩu sang châu Âu chủ yếu ở 2 nước Đức và Italia, năm nay nhu cầu hàng của thị trường này tăng khá mạnh, ngay từ tháng 2-2013 công ty đã có hợp đồng đến giữa năm. Năm 2014 có thể tốt hơn nữa nhờ vào giày dép Việt Nam được hưởng thuế ưu đãi GSP” - ông Bình nói.

Theo Hiệp hội Da giày - túi xách Việt Nam, kể từ khi EU xem xét việc cho mặt hàng giày dép Việt Nam hưởng ưu đãi GSP thì nhiều nhà nhập khẩu ở châu Âu đã đón đầu, chủ động tìm kiếm đơn hàng tại Việt Nam và Indonesia nhiều hơn.

Bà Phạm Thị Uyên Thi, Phó giám đốc Công ty cổ phần giày dép cao su màu (Casum - xã Hóa An, TP.Biên Hòa) cũng nhận định năm 2014 khi được hưởng thuế ưu đãi GSP từ EU thì xuất khẩu giày dép Việt Nam sẽ có thêm cơ hội tốt. Năm nay Casum đã xuất khẩu được trên 1,5 triệu đôi giày dép, đạt 134% so với kế hoạch năm.  Ông Nguyễn Quang Vũ, Giám đốc Công ty TNHH Nam Bình Minh (huyện Vĩnh Cửu), cho hay năm 2013 hàng xuất khẩu của DN hợp đồng khá tốt, vào thời điểm tháng 5 ông đã ký hợp đồng hết năm 2013.

Ở các công ty lớn có vốn đầu tư nước ngoài, như: Công ty TNHH Hwaseung Vina (huyện Nhơn Trạch), Công ty  TNHH giày Việt Vinh (Khu công nghiệp Sông Mây, huyện Trảng Bom) cũng có lượng đơn hàng khá tốt, các công ty này phải tổ chức tăng ca sản xuất liên tục để kịp giao hàng.

* Cơ hội kép

Theo Hiệp hội Da giày - túi xách Việt Nam (Lefaso) hiện tại Việt Nam là nước đứng thứ 2 về xuất khẩu giày dép vào EU và Mỹ (sau Trung Quốc). Từ năm 2012, Trung Quốc đang cơ cấu lại nguồn lao động, giảm dần một số ngành sử dụng nhiều lao động, như: may mặc, giày dép. Bên cạnh đó, một số công ty thương mại đã chuyển nhập khẩu hàng từ Trung Quốc sang các nước châu Á khác, trong đó có Việt Nam do hàng rẻ hơn.

Ông Tạ Quốc Bình phân tích, hiện nay các DN sản xuất giày dép của Việt Nam phụ thuộc khá nhiều vào nguyên liệu từ Trung Quốc. Mặt hàng giày dép xuất khẩu của Việt Nam còn cạnh tranh được với hàng Trung Quốc nhờ vào giá nhân công rẻ nên giá thành thấp. Năm 2014, sản phẩm giày dép của DN Việt Nam xuất khẩu vào thị trường EU sẽ được hưởng thuế ưu đãi GSP từ 13-14% hạ xuống còn 3-4%, đây là một cơ hội tốt để cạnh tranh.

Quốc Khánh

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều