Báo Đồng Nai điện tử
En

Chịu lép vế để vào siêu thị

09:11, 11/11/2013

Trong việc đàm phán đưa hàng vào siêu thị, các doanh nghiệp (DN) nhỏ đang ở thế yếu, buộc phải chấp nhận những quy định gần như là áp đặt từ phía siêu thị.

Trong việc đàm phán đưa hàng vào siêu thị, các doanh nghiệp (DN) nhỏ đang ở thế yếu, buộc phải chấp nhận những quy định gần như là áp đặt từ phía siêu thị.

Thị trường khó khăn, nhiều siêu thị tăng khuyến mãi, cam kết bình ổn giá để đảm bảo về mặt doanh thu. Theo đó, nhiều DN nhỏ có nguy cơ bị đánh bật khỏi kệ hàng siêu thị vì gánh nặng vừa bị sụt giảm doanh số bán hàng, vừa phải tăng thêm nhiều khoản chi có tên và không tên của siêu thị.

* Gian nan đường vào siêu thị

Ông Nguyễn Minh Khuyến, Chủ nhiệm Hợp tác xã rau an toàn Xuân Bắc (huyện Xuân Lộc), cho biết hàng vào siêu thị bán được giá cao hơn ngoài chợ khoảng 30% nhưng đều bù vào chi phí bao bì, chiết khấu... Tuy siêu thị là kênh tiêu thụ lớn, nhưng chỉ riêng mặt hàng rau có cả chục nhà cung cấp khác nhau nên đơn hàng bị chia nhỏ. Với sản lượng cung cấp khoảng trên 1 tạ/ngày thì trừ chi phí vận chuyển, lợi nhuận chẳng còn bao nhiêu, nhưng hợp tác xã vẫn nỗ lực tìm đường vào siêu thị vì đây là kênh quảng bá hiệu quả cho uy tín sản phẩm.

Sản phẩm của doanh nghiệp nhỏ khó ra mặt tiền siêu thị. Trong ảnh: Khách mua hàng tại Siêu thị BigC.
Sản phẩm của doanh nghiệp nhỏ khó ra mặt tiền siêu thị. Trong ảnh: Khách mua hàng tại Siêu thị BigC.

Anh Nguyễn Văn Khỏe, Giám đốc  Công ty TNHH Hiệp Hòa Bình ở phường Tân Biên (TP.Biên Hòa), chuyên sản xuất miến xuất khẩu và tiêu thụ trong nước, chia sẻ: “Thời gian đầu tôi đưa vào siêu thị 5 mã hàng, nhưng bị loại chỉ còn lại 2 mã sản phẩm. Vào siêu thị đã khó nhưng giữ được chỗ đứng lâu dài còn khó hơn. DN đang phải gồng mình trước khó khăn vì doanh số bán hàng sụt giảm trong khi nhiều chi phí khác lại tăng”.

Chủ một DN sản xuất hàng may mặc tại TP. Biên Hòa cho biết, đơn vị này buộc phải rút hàng hóa khỏi siêu thị vì gánh nặng chi phí ở kênh bán hàng này đã trở nên quá sức với DN. Hàng hóa bán chậm, mỗi đợt hàng cung cấp cho siêu thị tiền vốn đọng hàng trăm triệu đồng, mấy tháng sau mới được thanh toán vài chục triệu, chưa kể hàng tồn phải thu về và sức ép của hàng loạt chi phí khác.

* Doanh nghiệp ở thế yếu

Một chủ trang trại gà lớn ở huyện Xuân Lộc chia sẻ: “Tôi vừa nhận cung cấp hàng cho một hệ thống siêu thị lớn sau khi phải chấp nhận hàng loạt yêu cầu mà siêu thị quy định. Cơ sở phải chịu thêm nhiều loại phí hỗ trợ, như: khai trương siêu thị mới, hỗ trợ sinh nhật... Trước đây, siêu thị chỉ vận động DN tham gia một số chương trình khuyến mãi lớn vào các dịp lễ, tết thì nay họ quy định rõ số lượng lần khuyến mãi và mức chi phí DN phải tham gia rất nhiều”.

Theo một số siêu thị, vì số lượng quầy kệ có hạn nên siêu thị phải ưu tiên cho những nhãn hàng có doanh số ổn định, thị phần tăng trưởng tốt, mạnh về hoạt động khuyến mãi, quảng bá… Đây là thước đo chung cho mọi doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải tăng sức cạnh tranh bằng chất lượng hoặc đưa ra các sản phẩm có ưu điểm về giá, tính năng sử dụng.

Sức mua trên thị trường chậm cũng ảnh hưởng không ít đến hoạt động của siêu thị. Một số siêu thị thua lỗ nên phát sinh thêm nhiều khoản phí mới yêu cầu nhà cung cấp hỗ trợ. Để đảm bảo doanh số, nhiều siêu thị tung ra chương trình bình ổn giá hoặc tăng cường hoạt động khuyến mãi. Và không ít DN đang hụt hơi chạy theo chương trình khuyến mãi của siêu thị. Trong đó, điều khiến DN lo lắng là thời hạn thanh toán kéo dài và bị siêu thị trả lại hàng tồn. Theo nhiều DN sản xuất, để giữ được vị trí trên kệ hàng siêu thị, DN phải đáp ứng hàng loạt các yêu cầu về giá cả cạnh tranh, năng lực phát triển sản phẩm, đảm bảo về doanh số. Và để đạt được những yêu cầu này, DN phải có kinh phí để thuê được vị trí trưng bày đẹp, đẩy mạnh khuyến mãi thu hút khách… Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến DN vừa và nhỏ đang rất vất vả khi tham gia vào kênh bán hàng hiện đại này.

Bình Nguyên

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều