Báo Đồng Nai điện tử
En

20 năm Biên Hòa được công nhận đô thị loại II: Tìm nét riêng cho thành phố

10:11, 18/11/2013

Sau 20 năm trở thành đô thị loại II, về phát triển kinh tế, TP.Biên Hòa đã có nhiều thay đổi, nhưng về phát triển đô thị, Biên Hòa vẫn còn nhiều trăn trở. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, ở Biên Hòa, nét riêng của một đô thị vẫn còn khá nhạt nhòa.

Sau 20 năm trở thành đô thị loại II, về phát triển kinh tế, TP.Biên Hòa đã có nhiều thay đổi, nhưng về phát triển đô thị, Biên Hòa vẫn còn nhiều trăn trở. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, ở Biên Hòa, nét riêng của một đô thị vẫn còn khá nhạt nhòa.

Khu trung tâm thành phố nhìn từ trên cao.
Khu trung tâm thành phố nhìn từ trên cao.

Từ một thành phố chỉ có 200 ngàn dân cách đây 20 năm, đến nay dân số Biên Hòa đã lên đến 1 triệu dân, bộ mặt đô thị đã bộc lộ nhiều hạn chế.

* Dân cư tăng nóng

Ông Nguyễn Văn Toàn, một người dân ở KP.1, phường Tân Hiệp, chia sẻ: “Năm 1998, khi con đường Đồng Khởi mới làm, tôi nghĩ khó có thể kẹt xe được. Vậy mà chỉ đến năm 2005, lượng xe đã tăng lên quá nhiều và đến bây giờ sáng ở tầm 7 - 8 giờ, chiều từ 16 giờ 30 đến 18 giờ thường xuyên kẹt xe”. Ông Toàn nhận xét, quan sát bên ngoài cho thấy sự đổi thay về kinh tế của Biên Hòa khoảng 10 năm gần đây khá mạnh. Ông dẫn chứng, trước năm 2000 nhiều tuyến đường ở TP.Biên Hòa buôn bán không mấy phát triển, nhưng khoảng 10 năm trở lại đây thì việc kinh doanh dọc những tuyến đường đã khác, các cửa hàng lớn, văn phòng công ty, quán ăn… nhiều hẳn lên.

Ông Trần Văn Thịnh, người đã sinh sống lâu năm ở KP.3, phường Long Bình, cũng cho rằng với mức tăng dân số nóng như trong thời gian qua thì hạ tầng TP.Biên Hòa khó đầu tư kịp. Theo ông Thịnh, một số phường có dân nhập cư đông  đúc hơn hẳn, như: Long Bình, Long Bình Tân, Trảng Dài, Tân Biên là do giá đất nơi đây phù hợp với túi tiền của người lao động có thu nhập thấp. “Đến Biên Hòa làm, ai cũng muốn có một miếng đất để làm nhà ở, đó là nhu cầu chính đáng. Nhiều người vẫn biết mua đất rẻ là rủi ro cao, nhưng vì nhu cầu chỗ ở bức bách nên làm liều. Có thời điểm, chỉ vài chục triệu đồng đã được một lô  để cất nhà tại vùng ven, nên dân cư tăng nóng là dễ hiểu” - ông Thịnh nói.

 Ngoài số dân đến định cư tăng mạnh, thì số lao động sống tạm cư để làm việc ở các khu công nghiệp cũng khá đông. Ông Lý Thành Phương, Phó giám đốc Sở Xây dựng, cho rằng Biên Hòa là thành phố gắn với khu công nghiệp, vì vậy lượng công nhân tìm về đây làm việc tăng mạnh là dễ hiểu.

* Bức bách với hạ tầng

Ông Lý Thành Phương phân tích, những vấn đề được và chưa được của TP.Biên Hòa hiện nay là thành phố đã được Trung ương và Bộ Xây dựng xác định là đô thị nằm trong vùng kinh tế trọng điểm, nên công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch được nâng cao, hiện quy hoạch đã phủ kín các phường, xã.

Theo đánh giá của Hội Kiến trúc sư Đồng Nai, đô thị Biên Hòa hiện nay chưa tạo được một nét riêng. Định dạng là một đô thị công nghiệp nhưng những vấn đề, như: khu dân cư, dịch vụ cho công nghiệp chưa phát triển. Kiến trúc sư Hà Duy Thạch, Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư Đồng Nai, so sánh: “Có thể hình dung TP.Biên Hòa như một cái áo. Về kích cỡ thì đã chật, còn kiểu dáng thì không theo kịp sự phát triển, dẫn đến mất đi nét riêng. Người dân sống trong đô thị đã bắt đầu thấy bức bối, chật chội, thể hiện ở chỗ kẹt xe, nóng bức vì cây xanh không đủ, cảnh quan cũng thiếu thốn. Từ sau ngày đất nước thống nhất đến nay, mới chỉ mở được một vài con đường mới”. Theo ông Thạch, để đô thị có nét riêng và tạo ra phong cách, phải được quy hoạch tốt, đồng thời phải cố giữ gìn quy hoạch, tránh gây quá nhiều xáo trộn.

Điểm mấu chốt nhất của TP.Biên Hòa là tốc độ tăng dân số cơ học quá nhanh. Là đô thị có khoảng 1 triệu dân nhưng hệ thống hạ tầng chưa đáp ứng được. Đầu tiên là hệ thống giao thông đối ngoại để kết nối nội ô thành phố với các tuyến quốc lộ chưa được hình thành, còn những tuyến đường trong khu dân cư chưa được nâng cấp, cải tạo đúng mức đáp ứng độ tăng dân số. Tỷ lệ về công viên cây xanh chưa đảm bảo. Về thoát nước, hệ thống xử lý nước thải của Biên Hòa mới dừng lại ở lập quy hoạch, chưa được đầu tư do thiếu nguồn kinh phí, vì vậy vệ sinh đô thị chưa đạt được yêu cầu. “Việc chậm lên đô thị loại I hiện nay cũng chỉ là thủ tục pháp lý, còn việc quản lý theo tôi cần tư duy theo đô thị loại I mới đáp ứng kịp, nếu không sẽ bị tụt hậu xa” - ông Phương nói.

Theo nhận xét chung của các nhà làm quy hoạch kiến trúc đô thị, TP.Biên Hòa có một lợi thế lớn, đó là những công trình văn hóa và cảnh quan sông Đồng Nai rất tốt, tạo những tiền đề để giúp thành phố phát triển có bản sắc. Tuy vậy, để làm được điều này, thành phố cũng cần thêm những yếu tố khác, như: thời gian, nhân lực, nguồn lực tài chính.

Vân Nam

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều