Báo Đồng Nai điện tử
En

Đưa bắp lai xuống ruộng phèn

07:04, 15/04/2012

Ở xã Phú Vinh (huyện Định Quán) có 85% dân số là đồng bào người Hoa và các dân tộc thiểu số khác. Tại các cánh đồng Suối Son 1, Suối Son II và Ba Tầng (xã Phú Vinh, huyện Định Quán), thói quen canh tác truyền thống chỉ trồng 2 vụ lúa nước  đã ăn sâu vào nếp nghĩ của bà con. Ngay cả khi được hưởng lợi từ trạm bơm Ba Giọt, cung cấp nước tưới cho vụ 3, thì nông dân ở đây cũng không mặn mà với các cây rau màu đông - xuân mà chỉ trồng lúa nước.

 

Ở xã Phú Vinh (huyện Định Quán) có 85% dân số là đồng bào người Hoa và các dân tộc thiểu số khác. Tại các cánh đồng Suối Son 1, Suối Son II và Ba Tầng (xã Phú Vinh, huyện Định Quán), thói quen canh tác truyền thống chỉ trồng 2 vụ lúa nước  đã ăn sâu vào nếp nghĩ của bà con. Ngay cả khi được hưởng lợi từ trạm bơm Ba Giọt, cung cấp nước tưới cho vụ 3, thì nông dân ở đây cũng không mặn mà với các cây rau màu đông - xuân mà chỉ trồng lúa nước.

Nông dân tham quan mô hình trồng bắp lai trên ruộng phèn.
Nông dân tham quan mô hình trồng bắp lai trên ruộng phèn.

Để thay đổi tập quán canh tác của nông dân Phú Vinh, chính quyền địa phương và các ngành chức năng đã tổ chức tuyên truyền, vận động nông dân thâm canh tăng vụ và chuyển đổi cơ cấu cây trồng vụ đông - xuân. Nhiều mô hình điểm về chuyển đổi cơ cấu cây trồng vụ 3 đã được thử nghiệm, trong đó có việc đưa cây bắp lai xuống chân ruộng lúa.

* Vạn sự khởi đầu nan

Tuy nhiên, để thực hiện thành công mô hình điểm và làm thay đổi cách nghĩ, cách làm của nông dân Phú Vinh không phải dễ dàng, nhất là đối với diện tích đồng đất nhiễm phèn như ở Ba Tầng lại càng khó khăn hơn. Trên thực tế, cây bắp vụ 3 không còn quá xa lạ với người dân ở huyện Định Quán và đã được xác định là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao trong vụ đông - xuân nhiều năm qua. Thế nhưng, với người dân ở các khu vực không chủ động được nguồn nước như Ba Tầng thì cây bắp trên chân ruộng 2 vụ lúa vẫn còn khá mới mẻ.

Bà Nguyễn Thị Giòn, Trưởng trạm Khuyến nông huyện Định Quán, cho biết: “Cánh đồng Phú Vinh có độ nhiễm phèn rất nặng, ngay cây lúa cũng bị ảnh hưởng đến năng suất. Còn đối với cây bắp đòi hỏi đất không nhiễm phèn. Đồng thời tập quán canh tác ở đây là trồng lúa, việc đưa bắp lai xuống ruộng lúa còn mới mẻ. Vì vậy, trong quá trình chuyển giao khoa học kỹ thuật đến với người dân xã Phú Vinh cũng tốn mất nhiều thời gian và phải tiến hành liên tục trong nhiều năm qua”.

Vụ đông - xuân năm 2010-2011 cây bắp được đưa vào sản xuất tại Ba Tầng nhưng không thành công, năng suất khá thấp do người dân chưa thực sự quan tâm đến việc áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, vẫn quen với cách nghĩ  giản đơn: “chắc như bắp, dễ như bắp”... 

* Thất bại là mẹ thành công

Vụ đông - xuân năm nay, với quyết tâm đưa cây bắp xuống ruộng phèn, Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ 5 mô hình điểm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, với tổng diện tích 2,5 hécta, bao gồm hỗ trợ 100% giống, vật tư và hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân. Trung tâm khuyến cáo nông dân tuân thủ nghiêm quy trình kỹ thuật trồng bắp trên đất ruộng nhiễm phèn, như: xẻ mương thoát nước, không tưới tràn... Nhờ vậy, năng suất bắp thu được trên 5  mô hình  điểm tuy không đồng đều nhưng khả quan, cho thấy việc chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng bắp trong vụ đông - xuân giúp tiết kiệm được 1/2 lượng nước tưới. Và nếu nông dân áp dụng tốt quy trình kỹ thuật sẽ cho hiệu quả kinh tế cao gấp 2-3 lần so với trồng lúa. Không chỉ có vậy, trồng bắp vụ 3 còn là một trong những biện pháp quan trọng nhằm cắt đứt sự tồn lưu nguồn sâu bệnh trên đồng ruộng sang các vụ tiếp theo.

Vụ đông - xuân 2011-2012, huyện Định Quán cũng đã hỗ trợ giống bắp với diện tích gần 300 hécta cho 6 xã. Riêng Phú Vinh, huyện đã hỗ trợ giống bắp cho nông dân trồng gần 50 hécta, tức là gần 100% diện tích bắp đông - xuân vụ 3. Đây là những động thái, giúp nông dân tích cực thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từng bước làm thay đổi cách nghĩ, cách làm của nông dân, nhất là đối với các khu vực có điều kiện tự nhiên khó khăn như cánh đồng Ba Tầng.

 

Ông Nguyễn Văn Đức, nông dân ấp Ba Tầng, phấn khởi nói: “Mấy năm truớc, tôi vẫn trồng lúa vụ 3 nhưng 2 năm nay  được sự khuyến cáo, vận động của Trạm Bảo vệ thực vật huyện, tôi đã chuyển đổi sang trồng bắp. Năm ngoái tôi gặp thất bại với cây bắp nhưng năm nay tôi đã thành công. Trồng bắp thu lợi gấp 3 cây lúa. Tôi rút ra bài học là phải nắm vững quy trình kỹ thuật và thực hiện đúng theo hướng dẫn của cán bộ khuyến nông”.

Qua thu hoạch thử nghiệm, năng suất bắp trên chân ruộng của ông Đức đạt gần 9,5 tấn/ hécta. Với giá bắp bán ra hiện tại trên thị trường là 6.100đ/kg, sau khi trừ chi phí sản xuất ông Đức còn lãi hơn 30 triệu đồng/hécta.

Điểm - Thơi

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều