Báo Đồng Nai điện tử
En

Đặt lợi ích người tiêu dùng lên hàng đầu

07:04, 16/04/2012

Trong hơn một tháng qua, dư luận đã phản ứng mạnh mẽ về việc một số hộ chăn nuôi sử dụng chất cấm gây hoang mang cho người tiêu dùng (NTD) và thiệt hại lớn đối với ngành chăn nuôi. Phóng viên Báo Đồng Nai đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Tuấn Phương, Giám đốc Nhà máy chế biến thực phẩm Đồng Nai (D&F), về vấn đề này.

Trong hơn một tháng qua, dư luận đã phản ứng mạnh mẽ về việc một số hộ chăn nuôi sử dụng chất cấm gây hoang mang cho người tiêu dùng (NTD) và thiệt hại lớn đối với ngành chăn nuôi. Phóng viên Báo Đồng Nai đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Tuấn Phương, Giám đốc Nhà máy chế biến thực phẩm Đồng Nai (D&F), về vấn đề này.

* Gần đây, vấn đề sử dụng thuốc cấm trong chăn nuôi đã trở nên “nóng”. Là một đơn vị giết mổ và chế biến thực phẩm hàng đầu ở Đồng Nai, điều gì làm ông quan ngại nhất?

- Việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đã được phát hiện từ nhiều năm trước, cụ thể năm 2006 các cơ quan chuyên môn kiểm tra và phát hiện một số công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi có sử dụng chất này trộn trong cám. Lúc đó dư luận rất quan tâm, các nhà khoa học đã có nhiều ý kiến phân tích, cảnh báo về tác hại của chất cấm nhưng rồi mọi việc cũng không được giải quyết triệt để.

Đến lúc này, chất cấm lại được phát hiện ở những hộ chăn nuôi và các tiệm bán thuốc thú y làm cho NTD không khỏi hoang mang, lo lắng. Hệ quả là NTD quay lưng với sản phẩm thịt heo gây ra thiệt hại rất lớn cho ngành chăn nuôi, nhất là những người chăn nuôi chân chính. Điều này đã làm giảm uy tín không chỉ với ngành chăn nuôi Đồng Nai mà còn nhiều tỉnh, thành trong khu vực khi liên tục phát hiện chất cấm được tiêu thụ ở nhiều nơi khác. Rõ ràng, với tình trạng như vậy thì NTD đang phải đứng trước một lựa chọn rất khó khăn. Tôi nghĩ đã đến lúc phải có biện pháp chế tài và xử lý nghiêm theo pháp luật, không để lặp lại tình trạng này nữa.

Hết quý I-2012, Nhà máy D&F đã cung cấp cho thị trường gần 500 tấn thịt heo, gà tươi sống và 60 tấn sản phẩm chế biến, như: lạp xưởng; giò các loại; thịt, xúc xích xông khói.  Đặc biệt, một số sản phẩm mới của nhà máy là thịt hộp, chả giò, hoành thánh, xíu mại cũng đang được bán khá chạy.

 

* Ông đánh giá như thế nào về việc triển khai xây dựng chuỗi sản phẩm sạch trong thời gian qua ở nhiều nơi, trong đó có Đồng Nai?

- Có nhiều tên gọi khác nhau, một số nơi gọi là chuỗi sản phẩm sạch, còn tại Đồng Nai thì Tổng công ty công nghiệp thực phẩm (Dofico) triển khai thực hiện chuỗi liên kết mô hình “Từ trang trại đến bàn ăn”. Đây là mô hình hoàn toàn phù hợp với xu thế quản lý hiện đại về an toàn thực phẩm và tương lai ngành sản xuất thực phẩm nói chung cũng phải phát triển theo hướng này. Qua đó có thể kiểm soát được chất lượng từ đầu vào đến đầu ra của sản phẩm, đặc biệt là việc truy xuất nguồn gốc. Tuy nhiên, thời gian qua mô hình này chưa phát triển mạnh cũng bởi các khâu trong chuỗi đó chưa thực sự có liên kết chặt với nhau mà ở đó tính lợi ích của các thành viên còn quá chú trọng. Qua sự việc vừa rồi các thành viên đã thấy rõ, bất kể một khâu nào trong chuỗi bị trục trặc cũng sẽ gây ảnh hưởng cho toàn chuỗi ngay, mà mắt xích cuối cùng là NTD. Theo tôi, lợi ích của NTD phải được đặt lên trước. Điều đó cũng đã được chứng minh vừa qua khi NTD “ngoảnh mặt” với thịt heo không chỉ khâu chăn nuôi bị khó khăn mà nhà sản xuất cám cũng ảnh hưởng ngay lập tức. Tôi tin mô hình mà Dofico đang triển khai sẽ mang lại hiệu quả thiết thực và ngày càng hoàn thiện, góp phần mang lại những sản phẩm an toàn, dinh dưỡng và truy xuất được nguồn gốc để NTD an tâm lựa chọn.

Sản xuất xúc xích xông khói tại Nhà máy D&F.                                                                                                                                                           Ảnh: V.NAM
Sản xuất xúc xích xông khói tại Nhà máy D&F. Ảnh: V.NAM

* Trước một thị trường mà có lẫn lộn sản phẩm không an toàn như hiện nay, các chuyên gia khuyên hãy trở thành “NTD thông minh” để tránh bị nhầm lẫn. Là nhà sản xuất, ông suy nghĩ như thế nào về việc này?

- Trang bị cho NTD những kiến thức để nhận biết sản phẩm là điều cần thiết. Nhưng theo tôi, muốn làm cho môi trường kinh doanh “sạch” thì cơ quan quản lý phải làm quyết liệt. Ví dụ, khi ra chợ mua một sản phẩm thì việc ngon hay không ngon sẽ quyết định sản phẩm đó có chất lượng cao hay thấp và được bán với giá khác nhau, còn độ an toàn là phải như nhau. NTD hiện nay đang phải đối mặt với việc tự đi tìm sản phẩm  an toàn để mua là không chấp nhận được.

* Theo ông, đây có phải là dịp để các cơ quan quản lý làm triệt để về vấn đề an toàn thực phẩm?

- Đúng vậy, đây là cơ hội tốt để các cơ quan quản lý có những biện pháp xử lý quyết liệt trong vấn đề an toàn thực phẩm. Về hành lang pháp lý đã có Luật An toàn thực phẩm, Luật Bảo vệ quyền lợi NTD và một thuận lợi nữa là việc lập lại trật tự an toàn thực phẩm đang được NTD hưởng ứng rất mạnh, toàn xã hội quan tâm. Vấn đề này phải được làm liên tục không nên để “chìm” như trước đây, gây mất niềm tin cho NTD.

* Xin cảm ơn ông!

Vân Nam (thực hiện)

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều