Báo Đồng Nai điện tử
En

Phát triển du lịch cho vùng Đông Nam bộ

08:06, 25/06/2022

Thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của cả nước, vùng Đông Nam bộ (ĐNB) với các tỉnh: Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh và TP.HCM đang ngày càng cho thấy sự chuyển động, phát triển ngày càng mạnh mẽ về mọi mặt các ngành kinh tế, văn hóa, xã hội...

Thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của cả nước, vùng Đông Nam bộ (ĐNB) với các tỉnh: Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh và TP.HCM đang ngày càng cho thấy sự chuyển động, phát triển ngày càng mạnh mẽ về mọi mặt các ngành kinh tế, văn hóa, xã hội...

Đoàn khảo sát du lịch của Đồng Nai tham quan Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát (tỉnh Tây Ninh) năm 2020
Đoàn khảo sát du lịch của Đồng Nai tham quan Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát (tỉnh Tây Ninh) năm 2020. Ảnh: N.Liên

Đồng Nai là địa phương nằm ngay vị trí cửa ngõ kết nối giao thông với các tỉnh Bắc - Trung - Nam và là vị trí chiến lược giữa các tỉnh trong vùng như: TP.HCM - Đồng Nai - Bà Rịa - Vũng Tàu và TP.HCM - Đồng Nai - Bình Dương... Đây là những vùng tam giác vừa có lợi thế phát triển công nghiệp, nông nghiệp, vừa có tiềm năng lớn về du lịch liên kết vùng do sở hữu nhiều cảnh quan thiên nhiên, di tích, văn hóa...

* Một trong 7 vùng du lịch tiềm năng

Theo đánh giá của các chuyên gia nghiên cứu về phát triển du lịch, ĐNB là nơi có sự phát triển kinh tế sầm uất của cả nước, đời sống người dân vùng ĐNB cơ bản ở mức ổn định, nhu cầu hưởng thụ, vui chơi, giải trí ở mức khá cao.

Ngoài ra, ĐNB còn là một trong 7 vùng du lịch tiềm năng của Việt Nam, sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú với những địa danh như: Khu Dự trữ sinh quyển Đồng Nai, Khu Dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ đã được UNESCO công nhận, cùng với hệ thống Vườn quốc gia: Cát Tiên (Đồng Nai), Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu), Bù Gia Mập (Bình Phước), Lò Gò - Xa Mát (Tây Ninh) hằng năm thu hút hàng triệu lượt khách du lịch trong và ngoài nước tham quan, nghỉ dưỡng.

Bên cạnh đó, tài nguyên du lịch vùng ĐNB còn có cảnh quan núi, có thể phát triển các mô hình du lịch tâm linh, du lịch mạo hiểm như: núi Bà Đen (Tây Ninh, còn được công nhận là Quần thể di tích lịch sử, văn hóa và danh thắng núi Bà), núi Bà Rá (Bình Phước), núi Dinh (Bà Rịa - Vũng Tàu), núi Chứa Chan (Đồng Nai), cùng hệ sinh thái sông, hồ như: sông Sài Gòn, sông Vàm Cỏ Đông, sông Đồng Nai, hồ Dầu Tiếng, hồ Trị An (Đồng Nai), hồ Thác Mơ (Bình Phước).

Xác định tầm quan trọng trong phát triển du lịch vùng ĐNB, từ năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, xác định ĐNB là một trong 7 vùng phát triển du lịch có vai trò quan trọng đối với phát triển du lịch cả nước, đây là vùng phát triển kinh tế năng động, dẫn đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước, là hạt nhân then chốt của Vùng trọng điểm kinh tế phía Nam.

Với những tiềm năng và lợi thế như trên, cùng những nỗ lực phục hồi ngành du lịch sau đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp du lịch, lữ hành thời gian qua đã có nhiều sản phẩm mới, hấp dẫn, khai thác những thế mạnh đặc trưng của từng địa phương, đã tạo nên bức tranh thị trường du lịch đa sắc, có nhiều kỳ vọng cho sự phát triển. Do đó, để ngành du lịch từng địa phương cũng như toàn khu vực ĐNB phát triển bền vững trên cơ sở khai thác các thế mạnh riêng vốn có, nhất là tiềm năng du lịch sinh thái, mỗi địa phương đang có những giải pháp mang tính đồng bộ, từ việc phát hiện, bảo tồn tài nguyên du lịch đến phối hợp, liên kết khai thác một cách bài bản, hợp lý hơn trong thời gian tới.

Tại hội nghị Liên kết phát triển du lịch giữa các tỉnh ĐNB năm 2020 (hội nghị liên kết cấp vùng lớn nhất từ trước đến nay của vùng ĐNB), Phó tổng giám đốc Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Sai Gon Tourist) Võ Anh Tài cho biết, ĐNB là thị trường lớn, nhiều tiềm năng, triển vọng để liên kết, phát triển du lịch.

Những năm qua, Sai Gon Tourist đã kết hợp cùng đoàn doanh nghiệp du lịch TP.HCM tham gia, khảo sát các điểm đến, các dịch vụ du lịch tại các tỉnh vùng ĐNB. Đoàn khảo sát đã làm việc với các địa phương về chính sách kích cầu du lịch, hưởng ứng kế hoạch Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam. Sau khi khảo sát, các doanh nghiệp đã xây dựng 3 tuyến liên kết du lịch, tham quan với các địa phương.

* Thời điểm vàng để liên kết phát triển

Từ đầu năm đến nay, ngành du lịch đang tăng sức để phục hồi sau 2 năm “đóng băng” thị trường do đại dịch. Để kích cầu du khách tham quan, các địa phương, đơn vị kinh doanh lữ hành, khách sạn, điểm đến du lịch có nhiều chương trình ưu đãi khách hàng, các hội chợ triển lãm, tuần lễ du lịch, trái cây, ẩm thực tại các vùng miền được tổ chức thường xuyên, rầm rộ.

Tại Đồng Nai, Tuần lễ Tôn vinh trái cây và Chợ phiên nông nghiệp đô thị Tây Nam năm 2022 vừa tổ chức thành công tại TP.Long Khánh - “thủ phủ” trái cây của Đồng Nai với mô hình liên kết du lịch sinh thái vườn phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây. Lễ hội đã thu hút hơn 50 ngàn lượt khách trong và ngoài tỉnh tham quan, mua sắm và thưởng thức trái cây. Trong hơn 40 gian hàng trưng bày tại lễ hội, đại diện một số tỉnh, thành: Bình Dương, Long An, TP.HCM cũng đã tham gia giới thiệu sản phẩm trái cây của địa phương mình.

Gian hàng giới thiệu sản phẩm du lịch và đặc sản trái cây của Đồng Nai tại lễ Ký kết hợp tác phát triển Đông Nam bộ năm 2020
Gian hàng giới thiệu sản phẩm du lịch và đặc sản trái cây của Đồng Nai tại lễ Ký kết hợp tác phát triển Đông Nam bộ năm 2020

Phó giám đốc Sở VH-TTDL Nguyễn Thị Mộng Bình cho biết, Đồng Nai vừa tham gia ký kết phát triển du lịch với các tỉnh vùng ĐNB. Trước đó, chương trình liên kết phát triển du lịch ĐNB cũng được tổ chức với quy mô cấp vùng lớn nhất từ trước đến nay.

Nhằm quảng bá các thế mạnh du lịch địa phương, hằng năm Đồng Nai đều mời các doanh nghiệp du lịch, lữ hành trong và ngoài tỉnh tham gia các đợt kết nối phát triển do Đồng Nai tổ chức, nhằm giới thiệu, quảng bá các sản phẩm du lịch của tỉnh. Đến nay, một số mô hình du lịch tại Đồng Nai được khách du lịch đánh giá cao về chất lượng, sự đa dạng, phong phú trong khâu tổ chức.

Bà Nguyễn Thị Mộng Bình chia sẻ: “Tôi hy vọng rằng, khi ngành du lịch được liên kết phát triển chung giữa các tỉnh, thành sẽ giúp Đồng Nai phát huy tiềm năng, lợi thế và giá trị tài nguyên du lịch, vị trí chiến lược và đẩy mạnh kết nối, hình thành các sản phẩm du lịch liên tuyến, liên vùng. Mỗi sản phẩm du lịch tại các địa phương sẽ mang đến cho du khách những nét đặc trưng, thể hiện được bản sắc văn hóa, ẩm thực riêng của từng địa phương”.

Ông NGUYỄN ANH DŨNG, khách du lịch đến từ tỉnh Bình Dương cho biết, Lễ hội Tôn vinh trái cây được tổ chức với lượng trái cây phong phú, người dân khi tham quan các gian hàng có thể được trải nghiệm tất cả các đặc sản của Đồng Nai nói riêng và vùng ĐNB nói chung. Ông Dũng cho hay: “Tôi đã từng đi tham quan các hội chợ, lễ hội tại các tỉnh khác của vùng ĐNB nên bản thân rất thích thú vì được biết thêm nhiều nét văn hóa, ẩm thực và phong cách người dân địa phương. Theo tôi, cần có sự liên hết hợp tác để vùng ĐNB khai thác hết những thế mạnh của mình về du lịch, nông nghiệp...”.

Thủy Mộc

Tin xem nhiều