Báo Đồng Nai điện tử
En

Đọc các bài báo và sách của An Chi

07:11, 12/11/2022

Một chuyện đã cũ, để "canh" mua đủ bộ Từ điển bách khoa Việt Nam 4 tập phải mất 10 năm, 1995-2005, nhưng tình cờ đọc mấy bài viết của An Chi, trước đó bút danh là Huệ Thiên thấy "trớt quớt" và có chút suy giảm lòng tin ở bộ từ điển bách khoa đồ sộ này.

Một chuyện đã cũ, để “canh” mua đủ bộ Từ điển bách khoa Việt Nam 4 tập phải mất 10 năm, 1995-2005, nhưng tình cờ đọc mấy bài viết của An Chi, trước đó bút danh là Huệ Thiên thấy “trớt quớt” và có chút suy giảm lòng tin ở bộ từ điển bách khoa đồ sộ này.

Bộ sách Chuyện Đông chuyện Tây (Giải thưởng Sách quốc gia năm 2019) cùng những tác phẩm khác của An Chi
Bộ sách Chuyện Đông chuyện Tây (Giải thưởng Sách quốc gia năm 2019) cùng những tác phẩm khác của An Chi

Cùng ý với nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng, ông An Chi được ban tổ chức biên soạn gửi cho bản thảo tập 1 bộ từ điển để “góp ý” và ông An Chi thiệt lòng viết trên báo rằng, ông không có thời gian đọc hết toàn bộ, chỉ lướt qua một số trang, mục từ ông quan tâm thì thấy sai nhiều quá. Ông Trần Bạch Đằng có cùng ý kiến như ông An Chi. Góp ý đúng thì sửa chữa, các lần xuất bản sau, hội đồng biên tập bộ từ điển bách khoa sẽ tiếp thu.

Ông An Chi sinh ngày 17-11-1935, mất ngày 12-10-2022, sẽ có một khoảng trống trên một số đầu báo loại bài viết như Chuyện Đông chuyện Tây trên Kiến thức Ngày nay. Ông phụ trách chuyên mục này từ năm 1990-2007, sau đó chuyên mục mời một số tác giả khác nhưng những phần trả lời của ông An Chi, người đọc mới thích thú như nhận xét của nhà ngôn ngữ học Cao Xuân Hạo (đã mất): “…lời văn trong sáng, đĩnh đạc, nhiều khi dí dỏm một cách nhã nhặn và tuệ minh, làm cho việc đọc anh trở thành một lạc thú thanh tao…”.

“Lý lịch” khoa học của An Chi có nhiều đầu sách, 2 bộ đồ sộ là Chuyện Đông chuyện Tây 6 cuốn và Rong chơi miền chữ nghĩa 5 cuốn, cuốn thứ 5, ghi “in xong và nộp lưu chiểu 2022”, thực tế là chỉ ra mắt bạn đọc thời gian rất ngắn trước khi ông mất.

Người đọc sẽ nhớ An Chi, có một khoảng trống phong cách viết hàn lâm mà gần gũi.

Tra từ điển Wikipedia tiếng Việt thấy ghi ông là nhà “từ nguyên học”, điều này có lý do của nó là khi trả lời ở chuyên mục Chuyện Đông chuyện Tây và sau này in thành sách, một tỷ lệ khá lớn, tầm 50% là về ý nghĩa của từ tiếng Việt, trong đó có từ Hán Việt.

Mãi gần đây, ở chuyên mục Lắt léo chữ nghĩa trên Thanh Niên chủ nhật cũng vậy. Ông có cuốn Từ nguyên, quý IV-2019, NXB Tổng hợp TP.HCM, xác định thêm “danh phận” khoa học này nhưng đây không phải là công trình hoàn chỉnh như Tầm nguyên từ điển của Bửu Kế hoặc của Lê Ngọc Trụ (hai cách biên soạn rất khác nhau dù sách cùng tên) mà là những bài báo về chữ quốc ngữ đang bàn đến.

Lật một trang bất kỳ như 304, in lại phần trả lời trên Kiến thức Ngày nay số 395, ngày 1-8-2001, câu hỏi là: “Có phải ná và nỏ là những từ cùng gốc hay không? Nếu đúng thì đâu là nguồn gốc chung, còn nếu riêng thì đâu là nguồn gốc riêng của mỗi từ? Rất ít có câu hỏi ông trả lời đến 7 trang sách, dẫn luận cứ sai biệt của 2 nhà ngữ học tên tuổi là Phạm Đức Dương và Nguyễn Tài Cẩn, cuối cùng An Chi khẳng định ná và nỏ cùng gốc mà âm Hán hiện đại là “nỗ”.

Là nhà nghiên cứu “tay ngang” nhưng tranh luận với chuyên gia ngữ học hàng đầu như Nguyễn Tài Cẩn (dạy Việt ngữ học ở Nga) như An Chi là người “xưa nay hiếm”. Và rất tiếc nay ông từ giã “cõi tạm”.

Phong cách “không có vùng cấm” trong nghiên cứu, nhất là từ nguyên của An Chi - Huệ Thiên thể hiện khá đầy đủ trong cuốn Những tiếng trống qua cửa các nhà sấm, sách in tác giả Huệ Thiên. Sách 680 trang, có 6 chuyên mục và phần 7 bổ sung, tranh luận với những chuyên gia hàng đầu ở mỗi lĩnh vực, trong đó có Truyện Kiều như trang 461-468 viết về cách soạn Kiều Tầm Nguyên của học giả Hoàng Xuân Hãn. “Tiếng trống” và “cửa các nhà sấm” là như vậy. Tiếng trống làm sao bằng sấm nhưng An Chi tranh luận sòng phẳng. Học giả Đào Duy Anh có từ điển Truyện Kiều và An Chi trong sách Câu chữ truyện Kiều nhiều lần chứng minh cách hiểu một từ, câu nào đó trong Truyện Kiều như Đào Duy Anh đã giảng là… sai. Tất nhiên đánh giá thuộc về người đọc nhưng nghe chừng An Chi có lý.

Các sách của An Chi, Huệ Thiên đều là những tập hợp in lại các bài báo trên nhiều tờ báo, tạp chí, cả những đầu sách tưởng như chuyên sâu như Câu chữ truyện Kiều, Từ nguyên, 12 con giáp… nhưng chính vì thế “đọc không ngán”; đọc rồi, đọc lại vẫn thấy thích và có giá trị tra cứu.

Trần Chiêm Thành

Tin xem nhiều