Báo Đồng Nai điện tử
En

Độc đáo cổ ngọc

07:10, 29/10/2022

Không phải ngẫu nhiên mà ngọc đứng đầu danh sách "tứ đại quý": ngọc, ngà, châu, báu. Ở phương Đông lẫn phương Tây, người ta từ lâu đã xem ngọc là vật báu, không chỉ có giá trị kinh tế mà còn mang trong mình những giá trị về tinh thần, lịch sử, những câu chuyện về sự ra đời, sử dụng, chủ nhân của nó.

Không phải ngẫu nhiên mà ngọc đứng đầu danh sách “tứ đại quý”: ngọc, ngà, châu, báu. Ở phương Đông lẫn phương Tây, người ta từ lâu đã xem ngọc là vật báu, không chỉ có giá trị kinh tế mà còn mang trong mình những giá trị về tinh thần, lịch sử, những câu chuyện về sự ra đời, sử dụng, chủ nhân của nó.

Một trấn phong bằng ngọc được chế tác phong cảnh tinh xảo. Ảnh: L.Viên
Một trấn phong bằng ngọc được chế tác phong cảnh tinh xảo. Ảnh: L.Viên

Bảo tàng Lịch sử TP.HCM đang mở kho cổ ngọc trưng bày, giới thiệu đến công chúng chuyên đề sưu tập cổ ngọc Việt Nam từ các nền văn hóa Sa Huỳnh, Đồng Nai, văn hóa Đại Việt (thời Nguyễn) và cổ ngọc Trung Quốc. Triển lãm có tên Dáng ngọc là cơ hội để công chúng có dịp chiêm ngưỡng vẻ đẹp độc đáo của các vật phẩm từ ngọc cổ.

* Thêm trân quý cổ ngọc

Bản thân ngọc vốn dĩ đã quý giá. Bởi lẽ, theo thông tin của Bảo tàng Lịch sử TP.HCM, ngọc là khoáng chất quý hiếm có nguồn gốc từ thiên nhiên, được sử dụng từ thời đại Đá Mới cách đây khoảng 5 ngàn năm và có ý nghĩa quan trọng trong các nền văn minh cổ đại. Tuy nhiên, qua bàn tay chế tác tài hoa, khéo léo, cùng óc thẩm mỹ tinh tế của nghệ nhân khắp nơi, các sản phẩm từ ngọc càng trở nên quý hiếm và giá trị với người sở hữu và am hiểu về ngọc.

Ngọc cổ quý hiếm về chất liệu và còn bởi những giá trị, ý nghĩa tốt đẹp, vĩnh cửu, thần bí và phúc lành.

Chuyên đề Dáng ngọc được trưng bày tại bảo tàng hiện có hơn 200 hiện vật ngọc tiêu biểu. Nổi bật trong chuyên đề triển lãm là bộ sưu tập đá ngọc của Victor Thomas Holbé (1857-1927) sưu tầm vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, được xem là một trong những tiền đề hình thành Bảo tàng Blanchard de la Brosse vào năm 1929 (nay là Bảo tàng Lịch sử TP.HCM). Holbé được biết đến là một nhà sưu tập và nghiên cứu nổi tiếng về cổ ngọc với 2.160 hiện vật thuộc các nền văn hóa của Việt Nam và Đông Dương cũng như Trung Quốc, Nhật Bản.

Ngoài ra, đến với triển lãm, công chúng còn có cơ hội chiêm ngưỡng các vật phẩm độc đáo từ ngọc trong bộ sưu tập của Dương Hà - một trí thức Nam bộ vào đầu thế kỷ XX.

Bàn tay khối óc tinh tế của nghệ nhân đã nâng cao hơn nữa giá trị của khoáng chất thiên nhiên quý hiếm này thông qua việc chế tác nhiều vật phẩm phục vụ đa dạng nhu cầu của con người. Các sản phẩm được chế tác từ ngọc không dừng lại ở các món trang sức quý giá như vòng tay, nhẫn…, mà còn được nâng lên thành bảo vật, hoặc vật phẩm phục vụ cho mục đích trang trí của vua chúa, giới thượng lưu, quý tộc.

* Đồ trang sức quý giá từ ngọc

Tiêu biểu cho các món đồ trang sức từ ngọc là ngọc bội, được biết đến khá nhiều trong văn hóa Trung Hoa.

Một số đồ trang sức bằng ngọc như: nhẫn, trâm, vòng tay, mặt dây chuyền. Ảnh: L.Viên
Một số đồ trang sức bằng ngọc như: nhẫn, trâm, vòng tay, mặt dây chuyền. Ảnh: L.Viên

Ngọc bội là vật trang sức thường được giới quý tộc đeo trên người thể hiện sự cao quý, địa vị và giàu sang. Vì ngọc bội thể hiện địa vị xã hội nên nó có những quy định khắt khe với về hình dạng, kích thước và hoa văn trang trí. Người ta cho rằng, ngọc bội còn là “bùa hộ mệnh” giúp mang lại may mắn và bảo vệ cho chủ nhân, giúp họ có một cuộc sống bình an và thịnh vượng. Một số ngọc bội được chạm lộng nhiều lớp, mang tính mỹ thuật và độc đáo cao với các đề tài chữ Hán (Phúc, Lộc, Thọ), rồng, phượng, dơi, hồ lô, quạt…

Nếu công chúng đã quen thuộc với các loại trang sức như: vòng tay bằng ngọc, trâm cài tóc bằng ngọc, thì ở triển lãm Dáng ngọc  còn trưng bày nhẫn cung thủ bằng ngọc.

Vốn dĩ mục đích ban đầu của nhẫn cung thủ gắn liền với các cung thủ Trung Hoa cưỡi ngựa bắn cung. Theo tài liệu của bảo tàng, khi đeo trên ngón cái của tay kéo dây cung, nhẫn cung thủ sẽ  bảo vệ ngón tay cái và điều khiển chính xác cho dây cung, giúp các cung thủ có thể bắn trúng mục tiêu từ trên lưng ngựa đang chạy với tốc độ cao.

Sau này, bắn cung không còn được xem trọng như trước nên các chiếc nhẫn này không còn là biểu tượng cho các cung thủ thiện xạ nữa và dần trở thành một loại hình trang sức, biểu tượng cho địa vị của những người giàu có và quyền thế trong xã hội đương thời.

Các loại mành trang trí. Ảnh: L.Viên
Các loại mành trang trí. Ảnh: L.Viên

Nổi bật trong các vật phẩm từ ngọc có lẽ là gậy như ý. Vào thời phong kiến, gậy ngọc như ý được xem là mang tính biểu tượng cho địa vị, quyền lực của vua chúa và giới quý tộc. Ngoài ra nó còn được xem là vật có khả năng mang lại những điều may mắn cho người sở hữu. Theo ghi chép của bảo tàng, điển chế Trung Hoa dưới triều Minh và Thanh quy định rằng: Thiên tử cầm Trấn khuê, còn chư hầu thì cầm gậy như ý. Tại Việt Nam, vào thời nhà Nguyễn, gậy ngọc như ý còn là vật cầm của Hoàng thái tử. Gậy ngọc như ý có dáng cong, hai đầu tạo tác như đám mây và được trang trí nhiều đề tài phong phú như: chậu hoa lan với ý nghĩa tượng trưng cho sự chính trực, cao thượng; hươu, chim hạc, nấm linh chi dưới gốc thông tượng trưng cho chúc phúc, chúc thọ…

* Phong phú các vật phẩm ngọc trang trí

Vật phẩm không thể thiếu trong giới thượng lưu phong kiến xưa kia là trấn phong. Với chức năng để che chắn gió và ánh nhìn trực diện từ bên ngoài, trấn phong không chỉ có ý nghĩa về mặt phong thủy, mà còn là vật trang trí trong nội thất và có kiểu dáng phong phú.

Để làm tăng giá trị cho trấn phong, người ta làm trấn phong bằng ngọc. Phiến đá để làm trấn phong thường có sắc ngọc đẹp và được chạm khắc nhiều cảnh sắc, đề tài trên bề mặt, sau đó được đánh bóng để phô bày vân đá trên các họa tiết. Đề tài trên trấn phong thường là điển tích xưa trong văn hóa Trung Hoa hay đơn giản chỉ là cảnh sinh hoạt thường ngày…

Gậy như ý. Ảnh: L.Viên
Gậy như ý. Ảnh: L.Viên

Tương tự với trấn phong, mành trang trí bằng ngọc là hiện vật thể hiện đầy đủ tài hoa của người thợ chế tác, tính mỹ thuật cao. Chúng được chạm khắc với nhiều hình dạng khác nhau như: vuông, tròn, bát giác và dùng để khảm trên nắp hộp hoặc gắn trên các bức trấn phong. Thủ pháp chạm khắc được sử dụng tối đa với kỹ thuật chạm nổi, chạm chìm và đặc sắc nhất là chạm lộng. Các hình ảnh trang trí kết hợp cùng sắc ngọc tự nhiên tạo nên vẻ đẹp riêng cho từng hiện vật.

Ngoài ra, loại đồ vật làm bằng ngọc thường được sử dụng là đồ đựng ngũ cốc dùng trong các lễ tế, xuất hiện từ rất sớm ở Trung Hoa. Các vật phẩm này thường có hình dạng giống như cái bát, được đỡ trên một chân vòng và có từ hai, ba hoặc bốn tay cầm hình ba bán nguyệt lớn. Tay cầm của hiện vật này thường được trang trí đặc sắc với các hình tượng rồng.

Bên cạnh đồ đựng ngũ cốc bằng ngọc còn có đồ đựng trang trí thảo mộc bằng ngọc. Loạt vật phẩm này rất đa dạng và độc đáo, có thể kể đến như: chén bát, đồ đựng nước pha mực, rửa bút được thể hiện cách điệu như quả bầu, bắp cải, hoa sen. Có hiện vật kết hợp giữa thảo mộc và động vật tạo thành cặp đôi như: sen - vịt, hoa - ve sầu. Trong các biểu tượng trang trí thì hoa sen là đề tài được dùng nhiều nhất.

Lâm Viên - Nhật Hạ

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích