Báo Đồng Nai điện tử
En

Phải thoát "lệ thuộc" về giống cây trồng, vật nuôi

09:09, 09/09/2022

Giống là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu quyết định năng suất, chất lượng của cây trồng, vật nuôi. Việt Nam là nước nông nghiệp nhưng đến nay vẫn chưa chủ động được các yếu tố đầu vào quan trọng cho sản xuất, trong đó có giống cây trồng - vật nuôi.

Giống là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu quyết định năng suất, chất lượng của cây trồng, vật nuôi. Việt Nam là nước nông nghiệp nhưng đến nay vẫn chưa chủ động được các yếu tố đầu vào quan trọng cho sản xuất, trong đó có giống cây trồng - vật nuôi.

Giống hoa lan chủ yếu từ nguồn nhập khẩu. Trong ảnh: Trang trại trồng hoa lan tại H.Vĩnh Cửu. Ảnh: B.Nguyên
Giống hoa lan chủ yếu từ nguồn nhập khẩu. Trong ảnh: Trang trại trồng hoa lan tại H.Vĩnh Cửu. Ảnh: B.Nguyên

Sự phụ thuộc cây, con giống vào thị trường nhập khẩu đã ảnh hưởng lớn tới chi phí sản xuất, nhất là trong giai đoạn thị trường thế giới biến động lớn do lạm phát, ảnh hưởng của dịch Covid-19.

* Đất nước nông nghiệp, nhưng chưa chủ động về giống

Tuy Việt Nam đã quan tâm đầu tư nghiên cứu, phát triển về giống cây trồng, vật nuôi nhưng đến nay, nguồn cung giống trên thị trường vẫn phụ thuộc khá lớn vào nhập khẩu từ giống vật nuôi đến hoa, cây cảnh, cây ăn trái; nhất là những giống mới mang lại hiệu quả kinh tế cao như: dưa lưới, dưa hấu không hạt, các loại rau ôn đới, các loại hoa cảnh giá trị cao…

Đại diện Công ty TNHH Giống cây trồng Nông Hữu tại xã Long An (H.Long Thành) có 100% vốn đầu tư của Đài Loan (Trung Quốc) cho biết, Đài Loan có thế mạnh nghiên cứu, sản xuất giống, nhất là giống cây hoa, rau màu… cũng như về kỹ thuật trồng. Mục tiêu của doanh nghiệp (DN) đầu tư tại Việt Nam là sản xuất giống cung cấp cho xuất khẩu nhưng sau này lại tập trung cho thị trường nội địa. Nguồn giống cung cấp đa dạng từ rau ăn lá, ăn trái nhiệt đới đến các loại rau ôn đới. Dịch Covid-19 ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất của DN.

Theo các DN xuất khẩu nông sản, Việt Nam hiện đang là một trong các nước có sản lượng và kim ngạch xuất khẩu nông sản lớn trên thế giới. Tuy nhiên, việc sản xuất trong nước phụ thuộc quá nhiều vào nguồn giống nhập từ nước ngoài, thiếu hụt trong cung ứng và phát triển nguồn gen giống bản địa thì việc xuất khẩu nông sản, sản phẩm chăn nuôi đi nhiều nước sẽ vấp phải vấn đề về bản quyền cây, con giống.

Ngoài ra, khó khăn không nhỏ là giá thành sản xuất giống tăng cao hơn nhiều so với trước. DN hiện có 2 nông trường sản xuất giống tại Việt Nam nhưng vẫn với quy mô nhỏ, chủ yếu nguồn giống nhập khẩu là chính. Hạn chế đầu tư sản xuất giống ở Đồng Nai là nguồn nước không phù hợp để sản xuất. DN rất mong xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất theo hướng chuyển giao giống, kỹ thuật và bao tiêu lại sản phẩm vì có rất nhiều đối tác đặt vấn đề nhập khẩu nông sản Việt.

Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Hạt giống C.P. Việt Nam (Khu công nghiệp Định Quán, H.Định Quán) Worawit Meesook cho hay, tuy DN có chính sách đầu tư sản xuất giống tại Việt Nam nhưng 50% sản lượng bắp giống DN cung cấp ra thị trường vẫn từ nguồn nhập khẩu.

Hiện nhu cầu tiêu thụ giống bắp của thị trường Việt Nam tăng cao do bắp thương phẩm đang có giá tốt nên người dân trồng nhiều. Theo đó, DN thiếu nguồn giống bắp do nhu cầu thị trường tăng cao trong khi sản xuất giống gặp khó khăn do ảnh hưởng bất lợi của thời tiết.

* Nhiều hệ lụy

Theo một số DN sản xuất, kinh doanh vật tư, giống cây trồng trên địa bàn tỉnh dự báo, thời gian tới, nguồn cung các giống cây trồng, nhất là giống bắp sẽ bị thiếu hụt vì nguồn cung của thị trường thế giới gặp khó khăn. Giá các loại giống nhập khẩu có thể tăng cao do chi phí sản xuất, nhất là chi phí nhập khẩu tăng

Ngay cả những loại giống phổ biến nông dân Việt Nam sử dụng nhiều như: bắp, lúa, các loại rau, hoa… cũng vẫn phụ thuộc lớn vào nhập khẩu.

Ngành chăn nuôi Việt Nam phát triển mạnh với nhiều tập đoàn, DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đầu tư nhưng còn phụ thuộc rất lớn nguồn giống heo, gà nhập khẩu. Các thị trường nhập khẩu heo, gà cụ kỵ, ông bà, bố mẹ của Việt Nam chủ yếu là Mỹ, Canada, châu Âu, Đài Loan và Trung Quốc.

Theo một số DN đầu tư trong ngành chăn nuôi của tỉnh, giá trị của ngành sản xuất con giống rất lớn, giá một con giống heo nọc cụ kỵ chất lượng tốt có thể lên đến hàng trăm ngàn USD và con giống này thường chỉ sử dụng trong vòng vài năm là phải thay giống mới. Tuy ngành chăn nuôi Việt Nam phát triển rất mạnh nhưng về khâu giống vẫn chưa xứng với tiềm năng. Trong đó, có nguyên nhân nhà nước chưa có sự đầu tư đúng mức về con giống với chiến lược phát triển bài bản, lâu dài.

Các giống rau, trái cho giá trị cao chủ yếu đều từ nguồn nhập khẩu. Trong ảnh: Trang trại trồng rau, quả giống nhập khẩu tại H.Xuân Lộc
Các giống rau, trái cho giá trị cao chủ yếu đều từ nguồn nhập khẩu. Trong ảnh: Trang trại trồng rau, quả giống nhập khẩu tại H.Xuân Lộc

Chỉ ra khó khăn của người chăn nuôi khi khâu con giống vẫn phụ thuộc vào nhập khẩu, đại diện Công ty TNHH Chăn nuôi Long Bình Nguyễn Thanh Phi Long cho biết, DN đầu tư chuỗi chăn nuôi heo, gà khép kín từ trang trại đến cơ sở giết mổ và phân phối sản phẩm chăn nuôi trên địa bàn H.Trảng Bom. Suốt 3 năm qua, các trại nuôi gà công nghiệp phải “gồng mình” gánh lỗ do giá gà duy trì ở mức giá thấp. Giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát, giá gà giảm sâu chưa từng có. Nhiều trang trại phải “treo chuồng”, ngừng chăn nuôi. Đến nay, giá gà thịt tăng về mức người chăn nuôi có lợi nhuận nhưng khôi phục lại đàn nuôi không dễ. Nguyên nhân vì chi phí đầu vào hiện tăng quá cao, từ giá con giống đến mọi chi phí khác, đặc biệt là giá thức ăn chăn nuôi.

Ông Long chia sẻ: “DN hiện chỉ đạt 50% tổng công suất chăn nuôi so với thời gian trước. Khi DN có kế hoạch nhập giống gà bố mẹ về để tăng quy mô đàn nuôi, gặp rất nhiều khó khăn vì giá con giống gà cụ kỵ, ông bà tăng quá cao. Trong đó, giá chi phí vận chuyển trước đây chỉ chiếm từ 10-20% so với giá gà bố mẹ thì nay đội lên bằng hoặc cao hơn giá tiền hàng hóa nhập khẩu, khiến DN e dè trong đầu tư”.

Bình Nguyên

Tin xem nhiều