Báo Đồng Nai điện tử
En

Đảm bảo an toàn cho học sinh đến trường

07:09, 17/09/2022

Một trong những vấn đề nhà trường và phụ huynh quan tâm trong đầu năm học mới là giải pháp phòng, ngừa tai nạn rủi ro, tai nạn thương tích, đảm bảo an toàn cho học sinh khi ở trường học cũng như trên đường đi học và về nhà.

Một trong những vấn đề nhà trường và phụ huynh quan tâm trong đầu năm học mới là giải pháp phòng, ngừa tai nạn rủi ro, tai nạn thương tích, đảm bảo an toàn cho học sinh khi ở trường học cũng như trên đường đi học và về nhà.

Lực lượng chức năng TP.Biên Hòa kiểm tra xe đưa rước học sinh tại P.Bửu Long (TP.Biên Hòa). Ảnh: Đ.Tùng
Lực lượng chức năng TP.Biên Hòa kiểm tra xe đưa rước học sinh tại P.Bửu Long (TP.Biên Hòa). Ảnh: Đ.Tùng

Nhân dịp năm học mới 2022-2023, Báo Đồng Nai cuối tuần ghi nhận một số ý kiến xung quanh vấn đề này.

* Trưởng Phòng GD-ĐT TP Biên Hòa VÕ VĂN MINH: Linh động ứng phó với các tình huống, sự cố bất ngờ xảy ra

Vào đầu năm học 2022-2023, Phòng GD-ĐT TP.Biên Hòa đã có văn bản triển khai đến các trường về việc yêu cầu thực hiện đầy đủ các nội dung, quy định về xây dựng trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích.

Theo đó, hướng dẫn các cơ sở giáo dục tăng cường công tác kiểm tra cơ sở vật chất, tổ chức cải tạo, sửa chữa đối với cơ sở vật chất, thiết bị dạy học xuống cấp, hư hỏng... Đồng thời, thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn cứu hộ, rà soát, loại trừ các nguy cơ mất an toàn về điện, cắt tỉa cây xanh trong trường học không để xảy ra trường hợp cây ngã, đổ gãy cành gây nguy hiểm cho học sinh. Thực hiện nghiêm túc các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm tại các cơ sở giáo dục, đặc biệt là các trường học có tổ chức bữa ăn bán trú cho học sinh; phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng tăng cường các hoạt động tuyên truyền về an toàn giao thông…

Một số ý kiến đề xuất, nhà trường cần quan tâm hơn đến hoạt động công tác xã hội và tư vấn tâm lý trong trường học; tăng cường giáo dục kỹ năng sống, giá trị sống cho học sinh, nhằm tạo dựng môi trường học tập an toàn, thân thiện, lành mạnh, không bạo lực.

Bên cạnh đó, Phòng GD-ĐT thành phố lưu ý các trường linh động ứng phó với các tình huống, sự cố bất ngờ xảy ra. Đơn cử như vừa qua, sự cố khiến học sinh 2 trường ở TP.Biên Hòa phải nghỉ học là Trường tiểu học Nguyễn Chí Thanh, thuộc P.Long Bình do mưa lớn, nước ngập làm sập một bức tường của trường vào ngày 6-9 và Trường THCS Phước Tân 1, thuộc P.Phước Tân bị nước lũ tràn vào. Ngay khi nhận tin báo, Phòng GD-ĐT và nhà trường đã phối hợp với chính quyền địa phương nắm bắt tình hình, cho học sinh  nghỉ học để đảm bảo an toàn khi nước lũ dâng cao…

* Chánh văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh BÙI VĂN TUẤN: Đảm bảo an toàn giao thông cho học sinh

Bên cạnh trách nhiệm của cơ quan chức năng thì yếu tố gia đình rất quan trọng trong việc giáo dục học sinh xây dựng văn hóa giao thông, đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông. Phụ huynh cần lưu ý đảm bảo việc học sinh tự đi xe máy đến trường phải đúng độ tuổi, đúng loại xe theo quy định và chấp hành các quy định của Luật Giao thông đường bộ năm 2008.

Hiện nay, tại một số trường học của TP.Biên Hòa có tuyến xe buýt đi qua, các bậc phụ huynh có thể nghiên cứu để các em đến trường bằng phương tiện công cộng, giúp các em đến trường an toàn hơn, hạn chế ùn tắc giao thông trước cổng trường.         

Nguy cơ mất an toàn giao thông cho học sinh còn đến từ việc một số xe đưa rước học sinh không đảm bảo an toàn, không có sự giám sát của giáo viên trong quá trình di chuyển. Một số xe đã quá cũ nhưng vẫn đưa rước học sinh tại một số khu vực vùng ven, ngoại thành… Những hạn chế, bất cập này cần được khắc phục trong thời gian tới. Song song đó, lực lượng chức năng phải tăng cường kiểm tra, xử phạt nghiêm các xe đưa rước học sinh vi phạm về quy định về vận chuyển hành khách, không để xảy ra những tai nạn đáng tiếc từ xe đưa rước học sinh.

* ThS-BS CKII Nguyễn Lê Đa Hà, nguyên Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai: Tai nạn thương tích
ở trẻ thường xuất phát từ sự bất cẩn của người lớn

Tùy thuộc vào từng lứa tuổi, các tai nạn thương tích mà trẻ gặp phải khác nhau.

Trẻ ở lứa tuổi từ 6-10 tuổi thường bị tai nạn do tiếp xúc với môi trường bên ngoài như: gãy tay, chân do leo trèo, tai nạn giao thông, đuối nước.

Các trẻ lứa tuổi dậy thì 14-15 tuổi thường bị tai nạn giao thông với những chấn thương rất nặng như: sọ não, ngực, bụng, gãy tay, chân…

Tai nạn thương tích xảy ra không chỉ để lại cho trẻ những di chứng về sức khỏe mà còn là nỗi đau, ám ảnh cho người lớn về chính sự bất cẩn, chưa quan tâm sâu sát đến trẻ.

 Để hạn chế tối đa tai nạn thương tích cho trẻ, trước hết cần sự quan tâm, chăm sóc của các bậc phụ huynh. Đối với học sinh nhỏ tuổi cần đặc biệt lưu tâm để mắt đến trẻ, để xa tầm tay trẻ những vật nhỏ, sắc nhọn, nguy hiểm mà trẻ có thể nuốt phải. Trẻ nhỏ thường tò mò, thích khám phá những điều xung quanh, vì thế, nếu trông coi trẻ không kỹ, rất có thể trẻ sẽ bị kẹt tay vào cửa, bỏng nước sôi, điện giật, té ngã, ngộ độc... Trong gia đình, nhà trường, việc bố trí các ổ điện nên cao quá tầm với của trẻ hoặc phải được bịt kín khi không sử dụng; không nên cho trẻ chơi các vật dụng quá nhỏ, tránh tình trạng bé cho vào miệng, mũi, tai…

Đối với tai nạn đuối nước ở trẻ em, việc chủ động phòng ngừa thông qua trang bị các kỹ năng bơi lội phòng, chống đuối nước được xem là yếu tố cần thiết giúp bảo vệ các em; tạo điều kiện thuận lợi và an toàn cho các em học sinh khi tham gia giao thông tránh những tai nạn đáng tiết có thể xảy ra.

* Hiệu trưởng Trường THCS Phước Tân 1 (P.Phước Tân, TP.Biên Hòa) VÕ THỊ BÍCH THỦY: Chủ động phòng tránh tai nạn rủi ro cho học sinh

Những năm trước đây, sau mỗi cơn mưa lớn là nước từ thượng nguồn sông Buông đổ về khiến nhiều khu vực ở P.Phước Tân bị ngập lụt. Các con đường dẫn đến trường hầu hết đều bị ngập nước. Riêng cơn mưa chiều 8-9 nước tiếp tục dâng cao tràn vào sân Trường THCS Phước Tân 1, đoạn đường trước cổng trường ngập sâu khoảng 20cm.

Để đảm bảo an toàn cho học sinh, nhà trường đã cho học sinh nghỉ học sớm và thông báo phụ huynh đón con em về nhà.

Do ở trong khu vực đặc thù nên nhà trường thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết, để kịp thời thông tin, cảnh báo các giáo viên, học sinh biết và chủ động phòng, tránh nhất là các nguy cơ mất an toàn trong trường khi xảy ra lũ.

Nhà trường chủ động phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong công tác ứng phó, khắc phục sự cố thiên tai nhằm bảo đảm an toàn về người, tài sản, cơ sở vật chất, công trình trường học, hạn chế thấp nhất các hậu quả do thiên tai gây ra. Bên cạnh thường xuyên  kiểm tra, rà soát, kịp thời phát hiện và khắc phục triệt để các nguy cơ mất an toàn trường học do thời tiết, chúng tôi còn quan tâm đánh giá thực trạng cây xanh; kịp thời chặt, cắt, tỉa đối với những cây nặng tán, khô cành, có nguy cơ bật gốc, gãy, đổ trong khuôn viên, đường nội bộ và xung quanh trường; kiểm tra, rà soát hệ thống cơ sở vật chất tại các cơ sở giáo dục, phòng học, phòng làm việc, sân chơi, tường bao, hệ thống điện,… để có biện pháp sửa chữa, gia cố kịp thời, không để xảy ra tình trạng mất an toàn cho học sinh, học viên, cán bộ, giáo viên, nhân viên.

* Bà TRẦN THỊ MỸ LIÊN (ngụ xã Lộc An, H.Long Thành): Rà soát các nguy cơ mất an toàn trong học đường

Mỗi khi xem thông tin trên báo liên quan đến các tai nạn xảy ra cho học sinh như: học sinh bị tai nạn giao thông do xe đưa rước không đảm bảo an toàn, ngộ độc thực phẩm do ăn phải thực ăn không đảm bảo vệ sinh, cây ngã đè gây thương tích, điện giật, cháy trường học... tôi thấy lo lắng vô cùng. Loại trừ các tai nạn xảy ra do thiên tai bất ngờ như lũ lụt hay từ việc trẻ bất cẩn, chưa ý thức đầy đủ được các hành vi nguy hiểm thì các tai nạn nêu trên đều có thể phòng tránh được nếu được người lớn quan tâm đúng mức.

Để phòng tránh các nguy cơ mất an toàn cho học sinh ở trường học, theo tôi, ban giám hiệu nhà trường cần rà soát, nắm rõ tình hình và có phương án chủ động giải quyết trước khi xảy ra vụ việc đáng tiếc; thầy cô thường xuyên nhắc nhở và kỷ luật nghiêm học sinh vi phạm nội quy về đảm bảo an toàn giao thông; tăng cường tuyên truyền, dạy kiến thức, kỹ năng phòng tránh tai nạn thương tích cho học sinh.

UBND tỉnh vừa ban hành kế hoạch tăng cường bảo đảm an toàn giao thông trong hoạt động đưa rước học sinh bằng xe ô tô trên địa bàn tỉnh năm học 2022-2023. Theo đó, UBND yêu cầu việc tổ chức đưa rước học sinh đến trường bằng xe ô tô phải bằng hợp đồng cụ thể giữa trường học, cơ sở giáo dục với đơn vị kinh doanh vận tải có đủ điều kiện. Đồng thời, tiếp tục nâng cao chất lượng xe buýt và các chính sách hỗ trợ giá vé để thu hút nhu cầu đi lại bằng xe buýt của học sinh.

Kim Liễu (ghi)

Tin xem nhiều