Báo Đồng Nai điện tử
En

Mùa thu rồi ngày hăm ba

09:09, 24/09/2022

"Mùa thu rồi ngày hăm ba

Ta đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến.

Rền khắp trời lời hoan hô

Dân phương Nam nhịp chân tiến ra trận tiền…"

“Mùa thu rồi ngày hăm ba

Ta đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến.

Rền khắp trời lời hoan hô

Dân phương Nam nhịp chân tiến ra trận tiền…”.

Bài hát của Tạ Thanh Sơn gợi nhớ ngày 23-9 của 77 năm trước, một sự kiện lịch sử trọng đại đã diễn ra, sử sách khắc ghi: Nam bộ kháng chiến.

Đồng bào Nam bộ với tầm vông, mã tấu vùng lên chống quân xâm lược. Ảnh: Tư liệu
Đồng bào Nam bộ với tầm vông, mã tấu vùng lên chống quân xâm lược. Ảnh: Tư liệu

Đến cuối tháng 9-1945, Cách mạng Tháng Tám ở Nam bộ hoàn toàn thành công, chính quyền về tay nhân dân. Nhưng chính quyền non trẻ của nhân dân phải đương đầu với cuộc chiến đấu mới, chống thực dân Pháp theo chân quân đồng minh tái chiếm Nam bộ. Rạng sáng 23-9-1945, quân Pháp bất ngờ tấn công nơi làm việc, bắt Ban lãnh đạo của Ủy ban Hành chính lâm thời Nam bộ, đánh chiếm Sài Gòn. Lực lượng Việt Minh kháng cự quyết liệt.

Ngay sáng 23-9, chính quyền Nam bộ đã họp tại đường Cây Mai, Chợ Lớn; quyết định thành lập Ủy ban Kháng chiến Nam bộ do đồng chí Trần Văn Giàu là Chủ tịch, xin Trung ương chấp thuận Nam bộ kháng chiến, kêu gọi toàn Nam bộ cùng đánh giặc ngoại xâm, tổ chức 4 sư đoàn dân quân cách mạng tấn công ngăn giặc tại Sài Gòn. Đến giữa tháng 10, do thế giặc quá mạnh, Ủy ban Hành chính lâm thời Nam bộ thực hành chiến lược sơ tán về nông thôn, lấy nông thôn bao vây thành thị, trường kỳ kháng chiến.

Thời điểm ngày 23-9, quân đội Pháp chưa chiếm được Biên Hòa, Đảng bộ và chính quyền tỉnh Biên Hòa chuẩn bị mọi mặt sẵn sàng chiến đấu. Ngay tối 23-9, đồng chí Hà Huy Giáp thay mặt Xứ ủy Nam bộ triệu tập hội nghị cán bộ toàn tỉnh Biên Hòa tại nhà Hội xã Bình Trước, Biên Hòa; hơn 40 cán bộ cốt cán của tỉnh Biên Hòa dự, bầu Ban chấp hành Tỉnh ủy lâm thời (gồm 11 đồng chí do đồng chí Trần Công Khanh làm Bí thư, đồng chí Hoàng Minh Châu là Phó bí thư - Chủ tịch UBND tỉnh. Hội nghị thống nhất đề ra các nhiệm vụ quan trọng: củng cố nhân sự các tổ chức Đảng và chính quyền, cử cán bộ tỉnh phụ trách lập các quận ủy, lập Mặt trận Việt Minh tỉnh do đồng chí Hồ Hòa làm Chủ nhiệm, Huỳnh Văn Lũy là Phó chủ nhiệm, xây dựng Ủy ban Mặt trận Việt Minh các cấp; tổ chức công đoàn tỉnh do đồng chí Trịnh Trọng Tráng phụ trách; củng cố các ủy ban tự quản ở các đồn điền cao su; tổ chức trường huấn luyện quân sự để xây dựng lực lượng vũ trang kháng chiến. Sau hội nghị, Tỉnh ủy triển khai thành lập các quận ủy Châu Thành, Tân Uyên, Long Thành, chuẩn bị thành lập Quận ủy Xuân Lộc, có phương án huy động các nguồn lực chuẩn bị cho kháng chiến.

Ngày 25-9, hợp nhất 2 tổ chức Thanh niên Tiền Phong và Thanh niên Cứu quốc thành Thanh niên Cứu quốc do đồng chí Hoàng Bá Bích làm đoàn trưởng. Thành lập Trại du kích Vĩnh Cửu do đồng chí Phan Đình Công phụ trách khai giảng ngày 26-9. Đến cuối tháng 10-1945, mở được 2 khóa, đào tạo được 100 cán bộ. Cùng với việc xây dựng lực lượng vũ trang, UBND tỉnh Biên Hòa đã ban hành một số chủ trương về thuế, ruộng đất nhằm ổn định đời sống và sản xuất của dân, xóa hủ tục và mê tín dị đoan, phát động các phong trào ủng hộ kháng chiến.

Cuối tháng 10-1945, quân đội Pháp phá được vòng vây Sài Gòn, lấn chiếm ra các tỉnh xung quanh. Tỉnh ủy Biên Hòa chủ trương thực hiện “tiêu thổ kháng chiến”. Thực hiện chủ trương này, công nhân Nhà máy cưa BIF (Tân Mai) đã đốt toàn bộ số gỗ còn lại trong kho, tháo gỡ máy móc chuyển về Bình Đa. Trên các lộ 1, 15, 16, 24; người dân đào, phá, đắp ụ, lập chướng ngại vật ngăn cản địch. Huỳnh Văn Nghệ cùng một bộ phận vượt sông Đồng Nai về quận Tân Uyên xây dựng căn cứ và lực lượng vũ trang để kháng chiến lâu dài. Các căn cứ Phước An, Bình Đa, Hố Cạn cũng được xây dựng. Các lực lượng vũ trang: bộ đội Tám Nghệ, bộ đội Sáu Ngọc, bộ đội Hồ Hòa ra đời.

Ngày 24-10, quân Pháp đánh chiếm thị xã Biên Hòa, rồi mở nhiều cuộc hành quân lấn chiếm các địa phương ở các hướng tỉnh lộ 24 (Vĩnh Cửu), quốc lộ 1 (Xuân Lộc), quốc lộ 15 (Long Thành). Giặc bị bộ đội địa phương chặn đánh quyết liệt. Đến tháng 11, Quận ủy Châu Thành thành lập đội xung phong cảm tử để diệt tề, trừ gian do Hồ Văn Đại (Sáu Đại) và Nguyễn Văn Ký (Hai Ký) chỉ huy, gồm 120 chiến sĩ trẻ, bắt và diệt nhiều tên ác ôn khiến địch hoang mang, lo sợ.

Thực hiện chỉ thị “kháng chiến kiến quốc” của Trung ương Đảng (ngày 25-11-1945), Hội nghị Xứ ủy Nam bộ mở rộng được tổ chức ngày 10-12 bàn biện pháp củng cố và thống nhất lực lượng vũ trang các tỉnh, thành phố, xây dựng các chiến khu; theo đó, Chiến khu 7 gồm các tỉnh Biên Hòa, Bà Rịa, Thủ Dầu Một, Tây Ninh, Gia Định, Chợ Lớn, Sài Gòn. Đồng chí Nguyễn Thanh Bình được cử làm Khu trưởng Khu 7. Ngày 17-12, cơ quan Khu bộ Khu 7 về đóng tại xã An Lạc, Q.Tân Uyên. Nơi đây từ tháng 2-1946, được gọi tên là Chiến khu Đ.

Cùng với công tác xây dựng căn cứ và lực lượng kháng chiến, Mặt trận Việt Minh tỉnh Biên Hòa đã tích cực chuẩn bị cho cuộc bầu cử Quốc Hội đầu tiên trong cả nước. Rạng sáng 2-1-1946, các lực lượng Vệ quốc đoàn Biên Hòa (Huỳnh Văn Nghệ), Thủ Dầu Một (Chi đội 1), Bình Xuyên (Dương Văn Dương), Gia Định (Đào Sơn Tây) đã phối hợp tấn công vào trung tâm đầu não của quân Pháp ở TX.Biên Hòa. Đòn tấn công bất ngờ đã gây tiếng vang lớn, đập tan lời huênh hoang của thực dân Pháp “đã tiêu diệt hết Việt Minh”; đồng thời, cổ vũ tinh thần kháng chiến của quân dân Nam bộ. Trong không khí phấn khởi đó, ngày 6-1-1946, cử tri tỉnh Biên Hòa (trừ xã Bình Trước do thực dân kiểm soát) đã nô nức tham gia cuộc bầu cử Quốc hội khóa đầu tiên. Kết quả, các đồng chí Phạm Văn Búng, Hoàng Minh Châu, Điểu Xiển đã đắc cử Đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên của tỉnh Biên Hòa.

Như vậy, vừa giành được chính quyền 2 tháng, quân dân Biên Hòa đã phải bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ, chiến đấu và chiến thắng thực dân Pháp tái chiếm Nam bộ.

Sự kiện Nam bộ kháng chiến mãi mãi không quên, càng thêm hiểu câu “miền Nam đi trước về sau”. Trong kháng chiến đã vậy, thời nay thì thế nào?

Huỳnh Văn Tới

Tin xem nhiều