Báo Đồng Nai điện tử
En

Ấn tượng cung Nam Phương hoàng hậu

08:09, 09/09/2022

Đến TP.Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), ngoài thăm Dinh 1, 2, 3 của vua Bảo Đại, du khách còn có thể ghé thăm cung Nam Phương hoàng hậu, vợ vua Bảo Đại, để hiểu hơn về cuộc đời vị hoàng hậu cuối cùng của chế độ quân chủ Việt Nam.

Đến TP.Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), ngoài thăm Dinh 1, 2, 3 của vua Bảo Đại, du khách còn có thể ghé thăm cung Nam Phương hoàng hậu, vợ vua Bảo Đại, để hiểu hơn về cuộc đời vị hoàng hậu cuối cùng của chế độ quân chủ Việt Nam.

Cung Nam Phương hoàng hậu tọa lạc trên một đồi thông cao, cách Dinh 1 và Dinh 2 của vua Bảo Đại chừng 1-2km
Cung Nam Phương hoàng hậu tọa lạc trên một đồi thông cao, cách Dinh 1 và Dinh 2 của vua Bảo Đại chừng 1-2km. Ảnh: L.Viên

Cung Nam Phương hoàng hậu nằm trong khuôn viên Bảo tàng Lâm Đồng, có vị trí đắc địa khi tọa lạc trên một đồi thông cao, thoáng đãng, phóng tầm mắt có thể bao quát được toàn cảnh núi đồi Đà Lạt. Dinh được xây dựng vào những năm 30 của thế kỷ XX, ban đầu cung có tên là Dinh Nguyễn Hữu Hào, sau này ông tặng cho con gái Nguyễn Hữu Thị Lan (tên khai sinh của Nam Phương hoàng hậu). Dù chỉ sống trong cung này 3 tháng nhưng Nam Phương hoàng hậu lưu lại nhiều ký ức ở nơi này. Đến nay, dinh vẫn còn giữ nguyên đường nét kiến trúc cũ và một số vật dụng gia đình.

* Kiến trúc Pháp xa hoa thời bấy giờ

Cung Nam Phương hoàng hậu là công trình kiến trúc tiêu biểu của Pháp, gồm tầng hầm, tầng trệt và 2 tầng lầu, tọa lạc trên một ngọn đồi thông reo quanh năm mát mẻ. Cách đây cả trăm năm, vào những năm đầu thế kỷ 20, giữa xứ lạnh Đà Lạt quanh năm sương mờ, nhiều cây cối và chưa có hệ thống điện, tòa nhà hiện lên như biểu tượng của sự giàu có, ấm áp khi giữa đồi thông có một tòa nhà cao to, hiện đại, được thắp sáng bởi những ánh đèn dầu sáng nhấp nháy và với những ống khói từ lò sưởi nhả khói ra liên hồi. Tường nhà được xây 40cm, giúp làm mát căn nhà nếu trời nắng nóng, đồng thời giữ ấm khi tiết trời giá lạnh. Trần nhà, cầu thang cùng nhiều vật dụng trong tòa nhà được ốp bằng gỗ tạo nên một không gian ấm cúng.

Sự xa xỉ của gia đình ông Nguyễn Hữu Hào thể hiện qua hệ thống lò sưởi trong dinh thự. Để sưởi ấm tiết trời giá lạnh, tất cả các phòng trong dinh thự đều được bố trí lò sưởi. Theo lời thuyết minh viên, chiếc lò sưởi tại phòng tiệc của cung Nam Phương hoàng hậu được đánh giá là đẹp nhất, độc đáo nhất và lớn nhất trong các biệt thự cổ ở Đà Lạt.

Hoàng hậu Nam Phương tên thật là Nguyễn Hữu Thị Lan, sinh ngày 4-12-1914, tại tỉnh Gò Công cũ, nay là tỉnh Tiền Giang. Cha bà là đại điền chủ Nguyễn Hữu Hào, ông ngoại bà là Huyện sĩ Lê Phát Đạt - một trong 4 người giàu nhất xứ Nam kỳ những năm đầu thế kỷ XX. Năm 1934, bà kết hôn với vua Bảo Đại và có 5 người con. Năm 1947, bà định cư và sống tại một làng quê nghèo ở Pháp và mất vào ngày 14-9-1963 khi vừa 49 tuổi.

Toàn bộ hệ thống lò sưởi được ốp bằng đá hoa cương để nhiệt độ bên trong lò dù rất nóng nhưng bên ngoài, nếu có vô tình chạm vào cũng không gây bỏng. Những năm 1920-1930, ở Việt Nam chưa sản xuất đá hoa cương, ông Nguyễn Hữu Hào đã mua đá hoa cương bên Ý và vận chuyển bằng đường thủy về Việt Nam để làm lò sưởi. Vì sức người không thể mang vác loại đá này lên đoạn đèo dốc cao của Đà Lạt nên khi đá hoa cương về đến Việt Nam, ông dùng voi vận chuyển lên Đà Lạt.

Cuộc sống thượng lưu của gia đình Nam Phương hoàng hậu còn thể hiện ở phòng bếp - được đánh giá hiện đại so với thời điểm xây dựng, khi có bàn soạn, xe đẩy thức ăn… Một số vật dụng đến nay còn nguyên bản và được trưng bày như: thau rửa tay bằng đồng, mâm thức ăn bằng bạc nguyên chất rất nặng, dao, muỗng, nĩa…

Sự độc đáo của tòa nhà còn ở hệ thống tầng hầm. Ngoài chức năng dự trữ rượu, thức ăn như những căn hầm của các tòa biệt thự Pháp khác ở Đà Lạt, căn hầm ở dinh thự này còn có một bể chứa nước rất lớn, có lò nấu nước nóng và nước nóng được đưa lên hệ thống ống nước ở các tầng trên để sử dụng. Đặc biệt, tầng hầm này có một đường hầm bí hiểm thông từ Dinh 1 và Dinh 2 của vua Bảo Đại. Hiện nay, đường hầm này bị sạt lở và đóng cửa không phục vụ tham quan.

Vốn là công trình kiến trúc Pháp nên yếu tố thẩm mỹ được đề cao. Chẳng hạn, để đảm bảo tính thẩm mỹ, hệ thống cầu thang gỗ xoắn từ tầng hầm lên đến tầng 2 được đóng trực tiếp vào tường, hoàn toàn không có chân đỡ, cột. Dù vậy, qua trăm năm, cầu thang này vẫn còn nguyên vẹn và cứng cáp.

* Hoàng hậu thông minh, đức hạnh và yêu nước

Hoàng hậu Nam Phương là người phụ nữ tài sắc, thông minh và đức hạnh, hiếu thảo với cha mẹ, hết mực yêu thương chồng con. Tuy là hoàng hậu nhưng bà sống rất giản dị, gần gũi với mọi người và tham gia nhiều hoạt động từ thiện - xã hội.

“Không phải giàu sang mới có được hạnh phúc, mà hạnh phúc có được ở chính những gì ta có trong tim” - Nam Phương hoàng hậu (trích Chuyện nội cung cựu hoàng Bảo Đại của Nguyễn Đắc Xuân - NXB Thuận Hóa 2011).

Nam Phương hoàng hậu có lòng yêu nước. Đau lòng trước cảnh quê hương bị thực dân giày xéo, thảm cảnh cùng cực của đồng bào đang phải gánh chịu, bà đã gửi thông điệp cho các bạn hữu châu Âu và thế giới. Lược trích bản thông điệp của Hoàng hậu Nam Phương gửi cho các bạn hữu châu Âu và thế giới được ghi lại ở cung Nam Phương hoàng hậu như sau: “Kể từ tháng 3 năm 1945, nước Việt Nam đã thoát khỏi sự đô hộ của người Pháp, nhưng vì lòng tham của một thiểu số thực dân Pháp với sự tiếp tay của quân đội Hoàng gia Anh nên hiện nay máu của nhân dân Việt Nam lại tiếp tục chảy trên mảnh đất vốn đã có quá nhiều đau khổ. Hành động này của thực dân Pháp là trái với chủ trương của đồng minh mà nước Pháp lại là một thành viên. Vậy tôi tha thiết yêu cầu những ai đã từng đau khổ vì chiến tranh, hãy bày tỏ thái độ và hành động để giúp chúng tôi chấm dứt chiến tranh đang ngày đêm tàn phá đất nước tôi.

Một số hình ảnh về gia đình vua Bảo Đại - Nam Phương hoàng hậu tại Pháp. Ảnh chụp lại tại cung Nam Phương hoàng hậu
Một số hình ảnh về gia đình vua Bảo Đại - Nam Phương hoàng hậu tại Pháp. Ảnh chụp lại tại cung Nam Phương hoàng hậu

Thay mặt cho hàng chục triệu phụ nữ Việt Nam, tôi thỉnh cầu tất cả bạn bè của tôi và bạn bè của nước Việt Nam hãy bênh vực cho tự do, xin các chính phủ của khối tự do sớm can thiệp để kiến tạo một nền hòa bình công minh, chân chính và xin quý vị nhận nơi đây lòng biết ơn sâu xa của tất cả đồng bào của chúng tôi”.

Trong tác phẩm Theo dòng Triều Nguyễn, do NXB Tổng hợp TP.HCM ấn hành, tác giả Tôn Thất Thọ có nêu: “…Khi Chính phủ phát động tuần lễ vàng, kêu gọi nhân dân cả nước ủng hộ tiền, vàng, của cải gây quỹ cứu quốc, bà đã hăng hái tham gia. Ngày 17-9-1945, tại buổi lễ tổ chức bên bờ sông Hương cố đô Huế, bà là người đầu tiên đến bên một cái bàn trải khăn đỏ, rồi tháo hết số đồ trang sức bằng vàng đang mang trên người, đặt lên bàn hiến cho Chính phủ. Hành động của bà được nhân dân và các cấp chính quyền ở Huế bấy giờ rất hoan nghênh và thán phục. Sau đó bà được gắn một huy hiệu Cờ đỏ Sao vàng. Noi gương Nam Phương hoàng hậu, nhiều nhà giàu ở Huế đã hiến cả chục lạng vàng cho Chính phủ”.

Theo tư liệu tìm hiểu tại Cung Nam Phương hoàng hậu, trả lời phỏng vấn với Báo Quyết Tiến trong dịp Tuần lễ vàng ngày
18-9-1945, Hoàng hậu Nam Phương nhấn mạnh: “Tôi rất vui mừng và cảm ơn chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa đã đối đãi rất tử tế với gia đình chúng tôi. Chúng tôi rất vui mừng thấy chị em phụ nữ đã tiến rất mau trên con đường cứu nước. Hiện nay, tôi chưa làm được gì nhiều, song nay mai khi nào chị em có việc gì cần đến tôi, tôi sẽ rất sung sướng mà gánh lấy một phần công việc”.

Lâm Viên

Tin xem nhiều