Báo Đồng Nai điện tử
En

Về xứ cơ cầu Bạc Liêu

07:08, 20/08/2022

Một vùng đất từng được nhạc sĩ Thanh Sơn khắc họa "Bạc Liêu là xứ cơ cầu, dưới sông cá chốt, trên bờ Triều Châu"; còn Vũ Đức Sao Biển thì nhắn nhủ: "Bạc Liêu miền đất phương Nam - sáng ngời tình yêu thủy chung"…

Một vùng đất từng được nhạc sĩ Thanh Sơn khắc họa “Bạc Liêu là xứ cơ cầu, dưới sông cá chốt, trên bờ Triều Châu”; còn Vũ Đức Sao Biển thì nhắn nhủ: “Bạc Liêu miền đất phương Nam - sáng ngời tình yêu thủy chung”… khiến cho bất cứ ai khi đến đây cũng trào dâng cảm xúc tìm hiểu về tình đất, tình người, những mạch nguồn văn hóa đặc trưng của dải đất phương Nam này.

Đoàn cán bộ, phóng viên, nhân viên 3 Báo Đồng Nai, Sơn La, Bạc Liêu chụp ảnh lưu niệm bên biểu tượng cây đờn kìm tại Quảng trường Hùng Vương Bạc Liêu
Đoàn cán bộ, phóng viên, nhân viên 3 Báo Đồng Nai, Sơn La, Bạc Liêu chụp ảnh lưu niệm bên biểu tượng cây đờn kìm tại Quảng trường Hùng Vương Bạc Liêu

Bạc Liêu là nằm ở khu vực Tây Nam bộ, có diện tích đất tự nhiên hơn 266 ngàn ha, với những đồng bằng với các cánh đồng rộng thẳng cánh cò bay, sông rạch và kênh đào chằng chịt.

Về danh xưng Bạc Liêu

Tên gọi, danh xưng của mỗi vùng đất phản ánh lịch sử, văn hóa, xã hội của một vùng đất nên việc tìm hiểu về tên gọi, danh xưng Bạc Liêu góp phần hiểu biết về vùng đất phương Nam này.

Nhắc đến Bạc Liêu, nhiều người nghĩ ngay đến xứ cơ cầu. Vậy cơ cầu là gì? Theo tìm hiểu, cơ cầu được hiểu theo hai nghĩa. Đầu tiên là hàm ý về sự khổ cực, lao đao, khắc nghiệt, như trong câu ca dao “Người dại như củ bồ nâu/ Đến khi khốn khó cơ cầu phải ăn”. Tiếp đến, có luồng ý kiến cho rằng cơ cầu ý chỉ về sự nối nghiệp cha ông.

Quá trình cộng cư ở Bạc Liêu, các cư dân 3 dân tộc anh em Việt - Hoa - Khmer chung tay xây dựng quê hương, chung lưng đấu cật để chiến thắng thiên tai và địch họa, biến nơi đây thành một vùng đất lành đầy ắp ân tình.

Riêng về danh xưng Bạc Liêu, xưa nay cũng cho nhiều cách lý giải. Tác giả Trương Thu Trang, trong cuốn Tôn giáo, tín ngưỡng dân gian cư dân ven biển Bạc Liêu sau khi tìm hiểu, tổng hợp nhiều tài liệu nghiên cứu, tác giả nhận định có những cách lý giải về tên gọi Bạc Liêu xuất xứ từ cách gọi của hai tộc người Khmer, người Hoa, và mỗi cách gọi đều có cơ sở riêng.

Thứ nhất là cách lý giải địa danh Bạc Liêu theo cách gọi của người Khmer. Theo tác giả Trương Thu Trang, một số nhà nghiên cứu cho rằng: “Bạc Liêu: gốc từ tiếng Khmer là Po Loenh nghĩa là cây đa cao”; “Người Khmer gọi Bạc Liêu là PôLeou. Pô là cây Lâm vồ, Phật nhập niết bàn dưới gốc cây này nên người Miên rất trọng vọng và không dám đốn, còn Leou là trên cao. PoLeau là chỗ, vùng có cây Bồ đề (Lâm vồ) cao nhất”.

Theo cách lý giải này, người Khmer vốn có mặt ở Bạc Liêu trước khi người Việt và người Hoa đến và quả thực vùng đất họ chọn định cư đó chính là vùng đất giồng cao ráo phía ven biển. Họ cư trú trên các giồng (dải đất phù sa chạy dài) hoặc gò (phần đất nổi lên cao) để tránh nước lên vào mùa nước đổ, tránh nước lụt diễn ra hằng năm. Bên cạnh đó, việc cư trú trên gò, giồng là điều kiện tốt để trồng các loại cây cổ thụ lấy bóng mát chống chọi với cái nắng phương Nam. Đồng thời họ cũng chọn cư trú ven hai bên bờ sông...

Thứ hai là cách lý giải tên gọi Bạc Liêu theo tiếng Hoa Kiều (Triều Châu) là Pò Léo, có nghĩa là xóm nghèo, làm nghề hạ bạc, tức là chài lưới, đánh cá, làm biển. Pó phát âm Việt Nam thành Bạc và Léo phát âm thành Liêu. Tác giả Trương Thu Trang dẫn sách Địa phương chí tỉnh Bạc Liêu cho biết: “Nghề đánh cá thông thường ở Bạc Liêu là đóng đáy, tức là đóng cọc giữa sông, ngay theo lằn nước chảy giăng lưới qua các cọc để chận cá vào lưới, nên Bạc Liêu được người địa phương giải thích là Xóm Trại Đáy”.

Cách lý giải thứ hai phổ biến hơn, phù hợp với điều kiện, ngữ cảnh khi cư dân đến Bạc Liêu khai hoang, mở đất và lập ấp và vùng ven biển Bạc Liêu cũng là vùng người Hoa (Triều Châu) chọn để định cư.

Bên cạnh đó, tác giả còn dẫn ra nhiều thuyết khác, chẳng hạn như: “Pó là bót, Liêu là Lào (Ai Lao) theo tiếng Cao Miên vì trước khi người Hoa kiều đến sinh sống thì nơi đây có một đồn binh do người Lào đồn trú”.

Vùng đất của tình đất, tình người gắn bó

Dù là PôLeou, Pô Loenh hay Pò léo thì đều dùng để chỉ vùng đất linh thiêng, che chở cho con người, vùng đất Phật; và phản ánh lịch sử xa xưa khi người dân đến khai hoang làng xóm vốn chỉ là những chòi lá đơn sơ, cuộc sống còn tạm bợ, khó khăn khắc nghiệt. Cho dù hiểu như thế nào thì đến nay vùng đất này có tên duy nhất là Bạc Liêu, thể hiện sự cộng cư, sự góp mặt của cả ba dân tộc Kinh - Hoa - Khmer ngay từ buổi đầu khẩn hoang, lập làng, lập ấp.

Nói về lịch sử hình thành Bạc Liêu và vùng đất ven biển Bạc Liêu, tác giả Trương Thu Trang thông tin: “Theo lịch sử, năm 1680, Mạc Cửu, một di thần nhà Minh ở Trung Quốc đến vùng Mang Khảm chiêu tập một số lưu dân người Việt, người Hoa cư trú ở Mang Khảm, Phú Quốc, Rạch Giá, Long Xuyên (Cà Mau), Luống Cày (Lũng Kỳ), Hưng Úc (tức Vũng Thơm hay Kompong som), Cần Bột (Campốt) lập ra những thôn xóm đầu tiên trên vùng đất Bạc Liêu. Tuy nhiên, không phải đến 1680 mới có lưu dân đến khai hoang lập ấp ở Bạc Liêu, bởi theo lời kể của một giáo sĩ người Pháp tên là Chevrenil thì vào cuối năm 1665, đã thấy hai làng Việt Nam nằm ven sông vùng Đồng bằng sông Cửu Long, số lượng khoảng 500 người. Như vậy, không loại trừ Bạc Liêu khi đó đã có người sinh sống. Hơn nữa vùng đất Nam bộ xưa thuộc lãnh thổ nước Chân Lạp nên vùng này có rải rác người sinh sống là hẳn nhiên”.

Đến cuối thế kỷ XIX, Bạc Liêu trở nên phồn thịnh, những đoàn người ào ạt về Bạc Liêu mưu sinh, nhất là đoàn người Hoa lưu vong vì chống lại Mãn Thanh.

Vùng đất mà các di dân đầu tiên đến định cư là vùng ven biển Bạc Liêu và đều sống bằng nghề đi biển. Sở hữu đường bờ biển dài 56km, vùng lãnh hải rộng hơn 20 ngàn km2, nhưng biển ở Bạc Liêu được tạo thành từ các bãi bồi tiến ra biển với đặc trưng là những vùng đất ngập mặn có diện tích hàng ngàn ha. Do vậy, biển ở đây có bờ biển thấp, bằng phẳng, thích hợp làm muối chứ không có bãi tắm biển vì không có cát. Thay vào đó, biển nhiều bùn và nước biển đục do đầy ắp phù sa. Vùng ven biển cung cấp đầy đủ các điều kiện sống cho người mở đất, có đất giồng cao ráo thuận lợi trồng trọt, làm nhà; có sông có biển cung cấp cá tôm vô tận; thuận lợi giao thương, buôn bán...

Chính bởi điều kiện khắc nghiệt của Bạc Liêu thời mở đất đã tạo cho người dân một nhu cầu hết sức cấp thiết đó là cố kết cộng đồng, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau. Người dân yêu thương nhau như ruột thịt, bằng tinh thần xả thân vì nghĩa. Việc đồng sức đồng lòng khai phá một vùng đất mới đã tạo điều kiện cho việc giao lưu tiếp biến văn hóa mạnh mẽ giữa các dân tộc anh em. Theo đó, trên bước đường khai hoang mở đất, mỗi lưu dân mang theo bên mình vốn văn hóa ở quê cha đất tổ, hòa hợp với vốn văn hóa bản địa nên làm giảu có thêm đời sống văn hóa của vùng đất Bạc Liêu.

Lâm Viên

Tin xem nhiều