Báo Đồng Nai điện tử
En

Đến với nghề đúc gang ở Thạnh Phú

08:08, 26/08/2022

Trong quá trình cộng cư trên vùng đất Đồng Nai, cộng đồng các tộc người đã hình thành những nghề thủ công đa dạng, trong đó có nghề đúc kim loại (đồng, gang). Dấu ấn nghề thủ công được phản ánh qua một số tư liệu: đúc gang ở làng Bình Thạnh (H.Vĩnh Cửu), đúc gang sắt ở Thiết Tượng làng Hòa Hưng (P.An Hòa), đúc đồng làng Nhị Hòa (P.Hiệp Hòa), Tân Phong, Bình Ý…

Trong quá trình cộng cư trên vùng đất Đồng Nai, cộng đồng các tộc người đã hình thành những nghề thủ công đa dạng, trong đó có nghề đúc kim loại (đồng, gang). Dấu ấn nghề thủ công được phản ánh qua một số tư liệu: đúc gang ở làng Bình Thạnh (H.Vĩnh Cửu), đúc gang sắt ở Thiết Tượng làng Hòa Hưng (P.An Hòa), đúc đồng làng Nhị Hòa (P.Hiệp Hòa), Tân Phong, Bình Ý…

Đường Lò Thổi vào làng nghề ở ấp 2, xã Thạnh Phú, H.Vĩnh Cửu. Ảnh: Đ.Dũng
Đường Lò Thổi vào làng nghề ở ấp 2, xã Thạnh Phú, H.Vĩnh Cửu. Ảnh: Đ.Dũng

* Thăng trầm một làng nghề lâu đời

Từ ngã tư Bửu Long, theo tỉnh lộ 768 sẽ đến xã Thạnh Phú của H.Vĩnh Cửu, nơi từng có một làng nghề phát triển trước đây. Ở ấp 2 của xã, con đường với bảng hiệu Lò Thổi dẫn vào một khu dân cư đông đúc, khang trang với đường bê tông, nhà cửa san sát.

Ông tổ của nghề được truyền khẩu là người của làng, đi lính qua Thái Lan, học nghề và trở về truyền cho dòng họ. Thời kỳ phát triển, làng nghề có  30 lò đúc gang ở các làng Bình Thạnh, Tân Phong, Bình Thành, Bình Lợi, Bình Ý... Lò đúc đầu tiên hình thành ở ấp Xóm Mới có cách làm thủ công với những vật dụng, đồ nghề, cơ sở thô sơ: bể thổi lửa, lò chõ nấu gang, lò nung khuôn, khuôn đất sét, than củi. Sau này, sản phẩm nghề đúc được các nơi mua nhiều, nên nhiều gia đình cho con cháu theo nghề.

Tên Lò Thổi gợi nhớ về một hoạt động kinh tế thủ công của cư dân với nhiều hộ, chủ lò làm nghề đúc gang hình thành từ thế kỷ XIX.

Làng nghề hoạt động qua nhiều giai đoạn thăng trầm. Năm 1945, chiến tranh xảy ra nên làng nghề không hoạt động. Năm 1947, làng nghề hoạt động trở lại nhưng sau đó do chiến tranh ngày càng ác liệt ở địa phương, một số thợ đúc của làng nghề rời làng đến Sài Gòn, Tây Ninh tiếp tục làm cho các lò đúc khác. Năm 1951, làng nghề hoạt động trở lại, chủ yếu sản xuất công cụ nông nghiệp, cụ thể là lưỡi cày bán ở địa phương và các vùng phụ cận. Năm 1959, những người thợ Nguyễn Văn Khâu, Nguyễn Văn Sườn trở về địa phương, đem áp dụng những kỹ thuật mới nấu gang bằng lò nằm, dùng dầu lửa, thay lò chõ nấu bằng than đá và sử dụng khuôn cát rất thuận lợi cho việc chế tác nhiều sản phẩm.

Sau năm 1975, do nhiều khó khăn, làng nghề hoạt động cầm chừng. Từ năm 1986, làng nghề hồi sinh khi các chủ lò trước đây tập hợp nghệ nhân, thợ để sản xuất và nhiều lò duy trì. Thập niên 90 (thế kỷ XX), sản phẩm của làng nghề có chất lượng, vừa tiêu thụ mạnh trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài. Một số cơ sở đã đầu tư máy móc và tăng quy mô, sản xuất những mặt hàng nông cụ, thiết bị máy móc, mẫu mã do khách hàng yêu cầu… Mỗi lò đúc đòi hỏi nguồn nhân công khoảng 20 người.

Khu xưởng đúc gang “im lìm”
Khu xưởng đúc gang “im lìm”

* Thời vàng son… nay còn đâu

Những ngày cuối tháng 8-2022, chúng tôi trở lại làng nghề. Có nhiều thay đổi bởi bộ mặt khang trang trên quá trình xây dựng nông thôn mới, nhưng cơ sở của nghề đúc gang đã không còn như trước. Chúng tôi đến lò Năm Yêm thấy bảng hiệu đã loang lỗ. Được người nhà dẫn vào xem khu lò phía sau khá rộng nhưng không hoạt động. Khu nhà xưởng với những máy móc, dụng cụ khuôn đúc, cục dằn, lò nấu… ngổn ngang “im lặng”. Chủ lò trước đây là ông Trần Văn Ngọc tuổi cao, sức yếu, người con trai tiếp nối duy trì nghề là anh Nguyễn Quốc Hùng không có tại xưởng. Người nhà cho biết, lò chưa dừng hẳn và khi nào có đơn đặt hàng mới làm, hoạt động mang tính cầm chừng.

Lò nấu gang không còn đỏ lửa
Lò nấu gang không còn đỏ lửa

Chúng tôi may mắn gặp được ông Lê Văn Út, Chủ nhiệm HTX Cơ khí và thương mại, dịch vụ Trọng Nghĩa một thời nổi tiếng của nghề đúc tại địa phương. Ông từng là thợ lúc 13 tuổi và nhiều tâm huyết với làng nghề. Sản phẩm của làng nghề chủ yếu là hàng thô và gia công thiết bị, đòi hỏi tốn công sức nhiều. Quá trình sản xuất của các cơ sở trong khu dân cư gây tiếng ồn, khói bụi. Năm 2007, tỉnh Đồng Nai phê duyệt đề án Khôi phục và phát triển nghề đúc gang xã Thạnh Phú như một động lực cho ông phát triển nghề đúc gang. Thế nhưng, một số khó khăn từ chính sách quy hoạch quỹ đất, nguồn vốn đầu tư, phương thức điều hành, tập quán sản xuất… đã khiến làng nghề mai một dần. Mục tiêu của dự án về làng nghề đúc Thạnh Phú không thành. Cơ sở của ông Lê Văn Út đã ngưng từ lâu và xem như nghề truyền thống của gia đình kết thúc. Sau này, một số công đoạn của nghề đúc gang Thạnh Phú được áp dụng máy móc, góp phần cho việc giảm công sức của người thợ. Sự chuyển đổi theo cách “làm ăn mới” của làng nghề từ cơ sở Tam Hiệp Hiệp Thành đem lại hiệu quả. Năm 2004, cơ sở này đã di dời từ làng nghề đến Cụm công nghiệp Thạnh Phú (xã Thiện Tân, H.Vĩnh Cửu) với cách quản lý, điều hành theo đơn vị kinh doanh, phát triển thành Công ty TNHH Tam Hiệp Thành.

Nghệ nhân Lê Văn Út (phải) chia sẻ với tác giả về làng nghề đúc gang
Nghệ nhân Lê Văn Út (phải) chia sẻ với tác giả về làng nghề đúc gang

Khi xem tài liệu, hình ảnh ghi chép về làng nghề cách đây gần 20 năm, nhiều người dân địa phương thuộc tên những chủ lò, nghệ nhân, người thợ. Thế nhưng, nhiều nghệ nhân, thợ giỏi đã qua đời. Một số thợ lớn tuổi và nhiều người chuyển nghề mưu sinh. Một người thân của chủ cơ sở đúc gang tại địa phương cho biết: “Nghề này cực và nặng nhọc lắm, giờ giới trẻ không mặn mà theo học hay duy trì nghề cha ông đâu. Họ tìm việc làm công ty, xí nghiệp ổn định và khỏe hơn”. Với tình hình hiện nay, có lẽ không bao lâu nữa, số lò đúc gang đã ít ỏi ở Thạnh Phú sẽ không còn nữa. Địa danh Lò Thổi còn đó như một nỗi nhắc nhớ về quá khứ, của làng nghề thủ công trên đất Vĩnh Cửu, Đồng Nai...

Bảo tàng Đồng Nai hiện giữ mô hình chế tác gang bằng khuôn đất do nghệ nhân Trương Văn Xừng của làng nghề Thạnh Phú  tái tạo, phục vụ cho nghiên cứu, trưng bày. Giá như tại làng nghề, một khu xưởng của chủ lò được bảo lưu, trưng bày những sản phẩm (trong đó có mẫu lựu đạn gốm chế tạo trong kháng chiến chống Pháp)… sẽ góp phần trong bảo tồn văn hóa và phục vụ trên tuyến du lịch của Vĩnh Cửu gắn với môi trường sinh thái vùng bưởi Tân Triều, di tích Chiến khu Đ.

Phan Đình Dũng

Tin xem nhiều