Báo Đồng Nai điện tử
En

Ăn chay để… khỏe

07:08, 20/08/2022

Hiện nay, thực khách muốn thưởng thức món chay, chỉ riêng TP.Biên Hòa đã có thể tìm được cả danh sách dài với hàng chục quán ăn, nhà hàng từ bình dân đến sang trọng. Thực đơn món chay cũng rất đa dạng, phong phú lên đến hàng trăm món.

Hiện nay, thực khách muốn thưởng thức món chay, chỉ riêng TP.Biên Hòa đã có thể tìm được cả danh sách dài với hàng chục quán ăn, nhà hàng từ bình dân đến sang trọng. Thực đơn món chay cũng rất đa dạng, phong phú lên đến hàng trăm món.

Đa dạng món chay bình dân bán tại quán chay Pháp Lạc trên đường Huỳnh Văn Lũy, P.Hòa Bình, TP.Biên Hòa. Ảnh: Bình Nguyên
Đa dạng món chay bình dân bán tại quán chay Pháp Lạc trên đường Huỳnh Văn Lũy, P.Hòa Bình, TP.Biên Hòa. Ảnh: Bình Nguyên

Trước đây, người Việt Nam ăn chay theo truyền thống tôn giáo nhưng vài năm trở lại đây đã trở thành xu hướng ẩm thực vì tốt cho sức khỏe, thu hút mọi lứa tuổi, trong đó không thiếu những người trẻ. Ẩm thực chay lại càng phong phú vào mùa chay lớn nhất trong năm là rằm tháng 7 âm lịch.

* Đa dạng ẩm thực mùa chay

Món ăn chay hiện nay không chỉ dành cho những người thích món thanh đạm chuyên chế biến từ rau củ quả, đậu hũ, tương, chao như trước. Dạo qua thị trường món chay, món chay hiện nay đa dạng không khác gì món mặn phù hợp với “gu” của đa dạng khách hàng. Từ nguyên liệu là thực vật, các đầu bếp món chay có thể chế biến được tất cả các món ngon thực khách yêu cầu từ chả giò, tôm rim, mắm nêm, mắm Thái cho đến các món bún bò, vịt quay, heo qua, bò kho, bún mắm…

Món chay còn đa dạng về giá cả đến hình thức phục vụ, món chay chế biến sẵn, nấu sẵn bán tại các chợ truyền thống, các quán ăn bình dân, quán chay tự phục vụ đến các nhà hàng chay được đầu tư sang trọng với nhiều món ngon được chế biến cầu kỳ, trình bày đẹp mắt.

Chị Giang Thị Thanh Nga sống tại chợ Biên Hòa nhận xét, ở Biên Hòa có rất nhiều quán ăn chay ngon, giá rẻ để lựa chọn. Ẩm thực chay thực sự rất phong phú, đa dạng, thu hút khách vì là món ngon, giá cả phù hợp. Gia đình chị thường đi ăn chay chung với nhau vì ai cũng tìm được món ngon mình thích, ăn thường xuyên vẫn không ngán vì món ăn đa dạng. 

Quán chay Pháp Lạc nằm trên đường Huỳnh Văn Lũy, P.Hòa Bình mở được 10 năm nay. Quán có hơn 20 nhân viên phục vụ ở các khâu chuẩn bị nguyên liệu, bếp núc đến bán hàng vì luôn thu hút đông khách đến ăn nhờ thực đơn rất phong phú. Ngày thường quán phục vụ từ 30-40 món chay; mùa chay tháng 7 âm lịch, thực đơn của quán tăng đến 70-80 món. Khách vào quán tự lấy thức ăn theo sở thích; giá mỗi phần cơm chay cũng rất bình dân từ 20-30 ngàn đồng/phần.

Bà Võ Thị Kiều, chủ quán chay Pháp Lạc cho biết: “Trước đây, người ta ăn chay theo tín ngưỡng thì nay nhiều người chọn ăn chay vì tốt cho sức khỏe nên sau dịch Covid-19, nhu cầu ăn chay tăng cao so với trước. Khách đến quán ở đủ mọi lứa tuổi, thành phần nên quán rất chú trọng làm thực đơn đa dạng để ai cũng chọn được món ăn ưa thích”.

* Xu hướng ẩm thực cho sức khỏe

Nắm bắt nhu cầu ăn chay vì sức khỏe của thực khách, ẩm thực chay ngày càng được đầu tư về chất lượng, chú trọng sử dụng thực phẩm sạch, tươi sống, lành mạnh. Trong đó, cách chế biến cũng được chăm chút để bảo đảm chất dinh dưỡng và an toàn cho sức khỏe.

Bàn tiệc món chay của Quán chay Mộc Nhiên ở P.Quyết Thắng, TP.Biên Hòa. Ảnh: Bình Nguyên
Bàn tiệc món chay của Quán chay Mộc Nhiên ở P.Quyết Thắng, TP.Biên Hòa. Ảnh: Bình Nguyên

Hơn 60 tuổi, bà Nguyễn Thị Ấn mới quyết định mở quán chay Mộc Nhiên trên đường Cách Mạng Tháng Tám, P.Quyết Thắng. Trước đây, bà là chủ quán cháo lòng hơn 25 năm ngon có tiếng ở TP.Biên Hòa. Sau này lớn tuổi bà Ấn  chuyển sang ăn chay, giảm thịt cá, dầu mỡ vì muốn tốt cho sức khỏe. “Bản thân tôi ăn chay để tốt cho sức khỏe nên cũng muốn bán cho khách những món ngon, tốt cho sức khỏe, làm món ăn cho khách như làm cho gia đình mình ăn” - bà Ấn chia sẻ lý do chuyển sang bán đồ chay.

Dịch Covid-19, bà phải tạm đóng cửa quán và mới mở lại vài tháng trở lại đây. Thời gian đầu, quán chỉ bán vào các ngày chay như ngày rằm, 30, mùng 1 âm lịch. Mùa chay tháng 7 âm lịch, nhu cầu ăn chay của khách hàng tăng, quán mới mở hằng ngày. Ngoài phục vụ món chay tại quán, bà còn nhận dịch vụ đặt tiệc chay. Con gái của bà cũng thích ăn chay, mê nấu món chay nên theo nghề của mẹ.

Bà Ấn chia sẻ: “Tôi đặt tên quán là Mộc Nhiên vì mình làm món chay mộc mạc, hoàn toàn từ nguyên liệu thiên nhiên như: trái cây, rau củ quả, nấm tươi, đậu hũ... Là đầu bếp chính của quán, tôi không chạy đua làm nhiều món mà chỉ chăm chút cho những món thanh đạm, tốt cho sức khỏe người dùng. Khi chế biến, tôi cũng chú trọng đến sự hài hòa, hợp lý giữa các loại nguyên liệu chứ không sử dụng quá nhiều gia vị”.

Ngay tại thành phố công nghiệp, thực khách có thể tìm được những quán chay ngon, bổ, rẻ không chỉ nhờ tay nghề giỏi mà còn từ cái tâm của người bán. Quán mì chay Hải Vân trên đường Huỳnh Văn Lũy, P.Hòa Bình từng được nhiều thực khách biết tiếng vì chất lượng món ngon. Thời đó, quán bắt đầu bán từ 3 giờ chiều và thường hết vào khoảng 7 giờ tối thường bán ra từ 700-800 suất/buổi nên cần đến khoảng 25 người phụ việc. Sau hơn 3 năm tạm ngừng bán, quán vừa mới mở lại và dời sâu trong hẻm chùa Tịnh Độ, P.Trung Dũng nhưng vẫn thu hút đông khách đến ăn.

Chủ của quán ăn này là bà Hồ Thị Nga có mấy chục năm kinh nghiệm làm bếp trưởng của nhà hàng tiệc cưới Hải Vân ở TP.Biên Hòa. 8 năm trước khi nhà hàng này đóng cửa, bà mở quán mì chay và lấy thương hiệu Hải Vân của gia đình để mở quán mì chay.

Bà Nga chia sẻ: “Là bếp trưởng nhưng khi ra riêng, tôi lại chọn bán món mì chay vì muốn bán một món ăn bình dân mà ai cũng có thể ăn được, không phân biệt giàu nghèo. 8 năm trước, 1 tô mì chay tôi bán giá 20 ngàn đồng, ngày Tết thì tăng lên 25 ngàn. Giờ tôi vẫn giữ giá bán 25 ngàn đồng/tô; con nít ăn 1 vắt mì tôi chỉ tính giá 5 ngàn đồng, ăn 2 vắt tính giá 10 ngàn đồng”.

Theo bà Nga, bí quyết để làm ra tô mì chay ngon cần sự chăm chút rất tỉ mỉ như: chọn nguồn mì tươi đặc biệt từ lò sản xuất lâu đời ở TP.HCM; các món ăn kèm như nấm thì chỉ sử dụng nấm bào ngư tươi vừa thu hoạch; hoành thánh không “đụng hàng” vì được làm bằng nhân hạt đậu xanh, lớp vỏ ngoài thì chiên giòn... Đặc biệt, để có nồi nước lèo ngon, bà Nga phải dậy từ 4 giờ sáng để hầm nước lèo từ rau củ quả mới kịp bán cho khách ăn buổi sáng. Gia vị cũng phải chọn loại chất lượng tốt. Để nước hầm trong, ngọt thanh cũng phải có bí quyết riêng cần sự chăm chút, tỉ mỉ trong quá trình chuẩn bị, canh lửa.

Bà HỒ THỊ NGA, chủ quán mì chay Hải Vân chia sẻ: “Hơn 60 tuổi, tôi mở lại quán mì chay vì bao năm mà nhiều khách quen vẫn hỏi. Tôi cũng không muốn thương hiệu quán ngon mình từng gầy dựng bị mai một. Mở lại quán chay sau một thời gian tạm ngừng bán, tôi vẫn luôn giữ cái tâm ban đầu là không quá coi trọng lợi nhuận, mà muốn món mì của mình người giàu, người nghèo đều ăn được, chia sẻ ít nhiều với những người khó khăn”.

Bình Nguyên

Tin xem nhiều