Báo Đồng Nai điện tử
En

Lục Vân Tiên và luận đề Nguyễn Đình Chiểu

07:07, 01/07/2022

Nhân kỷ niệm 200 năm ngày sinh danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Đình Chiểu, nhiều công trình nghiên cứu, biên khảo về nhà thơ, nhà giáo và thầy thuốc được kính trọng của miền Nam nửa cuối thế kỷ XIX này được ra mắt, gắn liền với tác phẩm nổi tiếng Lục Vân Tiên.

Nhân kỷ niệm 200 năm ngày sinh danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Đình Chiểu, nhiều công trình nghiên cứu, biên khảo về nhà thơ, nhà giáo và thầy thuốc được kính trọng của miền Nam nửa cuối thế kỷ XIX này được ra mắt, gắn liền với tác phẩm nổi tiếng Lục Vân Tiên.

Tượng Nguyễn Đình Chiểu tại TP.Biên Hòa
Tượng Nguyễn Đình Chiểu tại TP.Biên Hòa

* Lục Vân Tiên ca diễn

Truyện thơ Lục Vân Tiên - tác phẩm văn học nổi tiếng nhất của cụ Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888) - là truyện thơ viết bằng chữ Nôm, theo thể lục bát, có thể được sáng tác khoảng năm 1854, lúc cụ 32 tuổi. Bản Nôm Lục Vân Tiên khắc in sớm nhất hiện ghi nhận được là do Quảng Thạnh Nam phát thụ, nhà văn Duy Minh Thị đính chính, Tôn Thọ Tường trông nom, in năm 1865. Tập truyện thơ sau đó được Trương Vĩnh Ký phiên âm chữ quốc ngữ, chỉnh lý công phu và cho xuất bản tại Sài Gòn năm 1889 hoặc 1897…

Tại hội thảo khoa học quốc tế “Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu trong thời đại ngày nay” tại TP.Bến Tre ngày 29-6, đồng chí Lê Đức Thọ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre phát biểu: “Đối với khu vực Nam bộ, nhất là tỉnh Bến Tre - vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, cách mạng, Nguyễn Đình Chiểu là tấm gương tiêu biểu cho các thế hệ người Bến Tre nói riêng, Nam bộ và cả nước nói chung về đạo lý làm người, về tinh thần yêu nước và ý chí kiên cường, bất khuất”.

Vốn được người dân yêu thích, tương truyền trong dân gian với nhiều dị bản khác nhau cũng như có sự khác biệt câu chữ qua các bản in từ chữ Nôm đến chữ quốc ngữ và cả bản dịch tiếng Pháp, từ năm 1971 đã có một ủy ban được thành lập để tìm kiếm, sưu tra và hiệu đính một ấn bản Lục Vân Tiên “gần với nguyên tác nhất”. Năm 1973, bản sách Lục Vân Tiên - bản hiệu đính, phụ bản chữ Nôm thuộc Tủ sách Văn học - Phủ Quốc vụ khanh đặc trách văn hóa ấn hành, dựa trên bản Lục Vân Tiên ca diễn do GS Abel des Michels san định, xuất bản tại Paris năm 1883 kết hợp đối chiếu những sai biệt để hiệu đính từ 5 bản khác.

Năm nay, nhân kỷ niệm 200 năm ngày sinh Nguyễn Đình Chiểu, NXB Trẻ ấn hành Lục Vân Tiên và những luận đề về Nguyễn Đình Chiểu với phần 1 “Lục Vân Tiên ca diễn” bao gồm tác phẩm 2.088 câu lục bát, kèm bản hiệu đính, phụ bản chữ Nôm (gồm cả phần quốc ngữ và ảnh ấn chữ Nôm) từ bản sách xuất bản năm 1973 kể trên. Đây là một tài liệu cần thiết, mang nhiều ý nghĩa không chỉ đối với giới học thuật mà còn dành cho công chúng ngưỡng mộ, yêu quý cụ Nguyễn Đình Chiểu đối với một tác phẩm đề cao tinh thần nhân nghĩa, thể hiện khát vọng lý tưởng về một xã hội tốt đẹp, yêu thương, nhân ái như Lục Vân Tiên.

* Luận đề về Nguyễn Đình Chiểu

Trong phần Lời thưa, NXB đánh giá “Lục Vân Tiên là truyện thơ Nôm có đời sống gắn liền không chỉ với lời ăn tiếng nói của người dân Nam bộ, mà các khái niệm trung hiếu, nhân nghĩa, thủy chung, hiếu học… thông qua tình tiết truyện và các nhân vật đã trở thành cốt cách của cư dân xứ này. Giá trị nghệ thuật của Lục Vân Tiên tồn tại qua gần 200 năm cho thấy nhiều tầng ý nghĩa và nhiều phương diện tác dụng”.

Tranh Lục Vân Tiên do họa sĩ Kim Duẩn vẽ lại từ tranh màu trong bản Lục Vân Tiên cổ tích truyện của họa sĩ cung đình Huế Lê Đức Trạch hoàn thành năm 1897
Tranh Lục Vân Tiên do họa sĩ Kim Duẩn vẽ lại từ tranh màu trong bản Lục Vân Tiên cổ tích truyện của họa sĩ cung đình Huế Lê Đức Trạch hoàn thành năm 1897

Phần “Luận đề về Nguyễn Đình Chiểu và Lục Vân Tiên” làm rõ hơn giá trị tác phẩm và tác giả với các bài viết sâu sắc được tuyển chọn từ 5 tác giả Phan Văn Hùm, Thu Giang Nguyễn Duy Cần, Thuần Phong, Vũ Bằng và Bùi Giáng. “Tác phẩm của cụ Nguyễn Đình Chiểu là giọng nói đầm ấm của cụ chia sẻ tâm sự với chúng ta, và nhiều nhất là với những lớp người trẻ trung còn giữ nguyên vẹn tâm hồn, tấm lòng nồng nàn thiết tha vì lý tưởng. Những lớp người ấy sẽ mãi mãi còn say sưa mỗi khi lần giở Trước đèn xem truyện Tây Minh…” - Bùi Giáng viết trong luận đề ấn hành năm 1957.

Trên Văn Đàn tháng 7-1962, bàn về “Bản chất của truyện Lục Vân Tiên”, tác giả Thuần Phong đánh giá: “Mượn sắc thái của địa phương nối lần thân thế của cá nhơn tác giả, truyện Lục Vân Tiên mới phải là sản phẩm của hoàn cảnh xã hội mới, phản ánh trung thành hình bóng của con người Đồng Nai, mới soi rọi sáng tỏ thế thái nhơn tình của miền Lục tỉnh”.

Không giấu niềm vui khi đọc tác phẩm mới Lục Vân Tiên và những luận đề về Nguyễn Đình Chiểu, nhà nghiên cứu văn hóa NGUYỄN THỊ THÚY PHƯỢNG (Phó giám đốc Bến Tre Future Fund, ảnh) cho biết:

“Tôi rất xúc động khi cầm trên tay quyển sách này. Một bản sách lập tức tạo ấn tượng cho người đọc với phần bổ sung sáng tạo rất “khéo léo” cụm từ “ca diễn” so với bản in cũ trước đó vào năm 1973 là “Lục Vân Tiên”. Bởi chúng ta đều biết truyện thơ Nôm Lục Vân Tiên cùng với lối diễn xướng dân gian “Nói thơ Vân Tiên” được xem là phương thức diễn đạt vô cùng độc đáo giúp cho tác phẩm đến gần hơn với dân chúng, dễ nghe, dễ nhớ, dễ thuộc và từ đó “Dữ răn việc trước, lành dè thân sau”.

Tôi cho rằng “Lục Vân Tiên diễn ca” vừa phản ánh chân thực, gần gũi lại vừa sáng tạo, góp phần làm mới tác phẩm. Bản sách in đẹp, được trau chuốt và đặt nhiều tình cảm của hậu thế với tiền nhơn. Đây là tác phẩm có giá trị giúp các nhà chuyên môn và độc giả đóng góp ý kiến để học giới và những ai ngưỡng mộ cụ Đồ Chiểu được thêm ích lợi”.  

            L.K (ghi)

 

Long Khánh

Tin xem nhiều