Báo Đồng Nai điện tử
En

Con cáo, con cọp và con mọt

10:07, 02/07/2022

Lại là thằng cháu nội. Nó chán học môn Sử, nhưng không lạnh lùng với lịch sử. Nó coi trên YouTube một video nào đó về Con cáo và tổ ong, đem chuyện hỏi: "Chuyện con cáo và tổ ong có ý nghĩa thế nào vậy ông?".

Lại là thằng cháu nội. Nó chán học môn Sử, nhưng không lạnh lùng với lịch sử. Nó coi trên YouTube một video nào đó về Con cáo và tổ ong, đem chuyện hỏi: “Chuyện con cáo và tổ ong có ý nghĩa thế nào vậy ông?”.

Nó hỏi, tui mới nhớ. Con cáo và tổ ong là bài thơ gồm 7 cặp lục bát:

Tổ ong lủng lẳng trên cành

Trong đầy mật nhộng ngon lành lắm thay.

Cáo già nhè nhẹ lên cây

Định rằng lấy được, ăn ngay cho giòn.

Ong thấy Cáo muốn cướp con,

Kéo nhau xúm lại vây tròn Cáo ta.

Châm đầu, châm mắt Cáo già

Cáo già đau quá phải sa xuống rồi.

Ong kia yêu giống yêu nòi

Đồng tâm hiệp lực đuổi loài cáo đi.

Bây giờ ta thử so bì,

Ong còn đoàn kết, huống chi là người!

Nhật, Tây áp bức giống nòi,

Ta nên đoàn kết để đòi tự do.

Ấy là cách Bác Hồ lấy văn sử, ngụ ngôn để dạy người; kể chuyện bầy ong nhỏ bé đánh đuổi con cáo to lớn muốn moi tổ ong ăn mật, lấy đó làm bài học để kêu gọi quốc dân đoàn kết đánh giặc Nhật, Tây xâm lược. Bài thơ do Nguyễn Ái Quốc ứng tác trên đường công tác, được  đăng lần đầu tiên trên báo Việt Nam độc lập, số 130 ra ngày 1-7-1942, đến nay tròn 80 tuổi.

Vào năm 1959, nhóm họa sĩ Lê Minh Hiền, Trương Qua, Hồ Quảng chuyển thể câu chuyện Con cáo và tổ ong thành phiên bản hoạt hình dài 10 phút mang tên Đáng đời thằng Cáo, được xem là bộ phim hoạt hình đầu tiên của Điện ảnh Cách mạng Việt Nam do Xưởng phim Hoạt họa Việt Nam sản xuất; nhận được giải thưởng bông sen vàng tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 2 (năm 1973), Hồ Quảng và Trương Qua nhận giải Họa sĩ xuất sắc nhất. Không biết đến nay, mấy ai còn nhớ?

Nghe chuyện, thằng cháu nội thích thú, tròn xoe mắt, lại hỏi: “Ông ơi! Chuyện xấu, cái ác là của con người, sao lại gán cho cáo vậy ông? Con cọp có ác như con cáo không?”.

Ừ nhỉ! Đặc tính của con người thường được gán cho con vật. Cái ác, cái xấu của người hay nhắc đến: dơ như trâu, ngu như bò, chậm như rùa, gian như cáo, dữ như cọp. Nói đến cọp, sực nhớ, có lần tôi và ông bạn tôi tranh luận: “Người tham nhũng với cọp, ai ác hơn?”. Cần thanh minh cho họ cọp nhà ta.

Con cọp có ác thật: Nó ăn thịt động vật khác, kể cả thịt người. Nhưng, nó ăn theo bản năng để sống, no cho chính nó, khi no rồi không ăn nữa, chỉ làm chết một cá thể cần ăn, không ăn thịt đồng loại, luôn lộ diện chính mình, không mang bộ dạng của kẻ khác, vồ thịt chỉ bằng móng vuốt của mình, không nhờ ai khác, không lừa dối, không nói dối. Cọp vồ thoát được thì sống.

Kẻ tham nhũng ác hơn con cọp, vì: Ăn mạng sống của đồng loại, đồng nghiệp; không chỉ ăn một cá thể còn làm chết cả tập thể, no cho chính mình, còn làm no cho lũ mình, cho cả con cháu, dòng họ; vồ thịt không bằng sức lực của mình mà bằng quyền lực của người khác giao cho mình; không tự mình nhai thịt mà thông qua người khác tiêu hóa thịt, dùng nhiều thủ đoạn tinh ác, mang nhiều bộ mặt khác nhau, bọc trong nhiều vỏ bọc sang trọng, sống không thật, thường nói dối, làm dối. Cọp sống trong rừng hiếm gặp. Người tham nhũng sống bên cạnh người lương thiện, giao tiếp hằng ngày, khó nhận ra. Cọp từ thuở cha sinh mẹ đẻ luôn là cọp, luôn mùi cọp, dễ nhận biết, không nhầm lẫn, không nhận của tặng biếu. Người tham nhũng biến dạng không ngừng, nhiều hào quang, nhiều danh vị thơm tho, khó nhận ra, nếu không tặng biếu thì toi mạng. Tham nhũng ra tay không thoát thì chết, thoát cũng chết. Nói cọp dữ là quá đúng, nhưng nói cọp tham như tham nhũng thì quá đáng, tội nghiệp cho họ cọp nhà ta quá!

Vậy, tham nhũng có thể gắn với con vật gì? Khó có con gì gánh nổi. Có thể gọi là “con mọt”. Xưa nay quen hình ảnh con “mọt sách” chỉ việc gặm nhấm sách vở mà thiếu trí tuệ, không thực học. Nhưng đặc tính của con mọt còn là: Không có trái tim, khối óc; gặm nhấm âm thầm từ bên trong, gây hại vô kể, đục khoét nhiều thứ, đến gỗ quý cũng mục ruỗng, khó phát hiện, khó ngăn chặn. Diệt mọt dễ nhất là đốt. Nhưng đốt mọt thì vật dụng chứa mọt cháy trước.

Từ con cáo dẫn đến con cọp, con mọt; lan man quá! Nhưng là sự lan man cần thiết để hiểu con người. Những cái thuộc về mình thì đừng tránh né dẫu có gán cho con vật hoặc cho kẻ khác thì trách nhiệm vẫn thuộc về mình.

Ong Mật

Tin xem nhiều