Báo Đồng Nai điện tử
En

Người thích đặt mình vào thử thách

11:06, 03/06/2022

Từ một giáo viên dạy tiếng Việt cho người nước ngoài ở TP.HCM, chị Lê Thị Hằng (xã Núi Tượng, H.Tân Phú) quyết định bỏ phố về quê làm du lịch. Những tưởng đây là lựa chọn duy nhất, nhưng một thời gian ngắn, chị trở lại với nghề bằng việc dạy tiếng Anh miễn phí cho trẻ em ngay tại quê nhà.

Từ một giáo viên dạy tiếng Việt cho người nước ngoài ở TP.HCM, chị Lê Thị Hằng (xã Núi Tượng, H.Tân Phú) quyết định bỏ phố về quê làm du lịch. Những tưởng đây là lựa chọn duy nhất, nhưng một thời gian ngắn, chị trở lại với nghề bằng việc dạy tiếng Anh miễn phí cho trẻ em ngay tại quê nhà.

Chị Lê Thị Hằng, Giám đốc Công ty TNHH Núi Tượng City có sở thích đọc sách khi có thời gian. Ảnh: H.Lộc
Chị Lê Thị Hằng, Giám đốc Công ty TNHH Núi Tượng City có sở thích đọc sách khi có thời gian. Ảnh: H.Lộc

Hiện tại, chị Hằng có 5 lớp học online, 3 lớp học trực tiếp với 8 giáo viên tình nguyện tại chỗ và khoảng 35 cố vấn tình nguyện trực tuyến. Ngoài ra, chị duy trì kinh doanh dịch vụ lưu trú, quán cà phê để “nuôi” lớp học.

* Nhiều năm dạy học miễn phí cho trẻ vùng sâu

Chị Hằng sinh ra và lớn lên ở xã vùng xa ven dòng sông Đồng Nai. Lúc đi học, chị rất thích môn tiếng Anh và đã lựa chọn ngành này khi bước chân vào đại học. Ở trường, chị đi dạy thêm, tham gia các CLB tình nguyện để cải thiện kỹ năng nghe, nói ngoại ngữ và xây dựng các mối quan hệ xã hội. Điều này đã giúp chị có cơ hội trở thành giáo viên dạy tiếng Việt cho người nước ngoài tại TP.HCM. Gần 10 năm gắn bó với nghề, chị quyết định về quê khởi nghiệp với dự án lớp học cộng đồng.

“Biết mình nghỉ việc về quê với ý tưởng làm dự án cộng đồng, ba mẹ giận lắm. Điều này cũng dễ hiểu vì rất nhiều người chật vật tìm cách bám trụ lại thành phố không được, trong khi mình đi dạy 25 USD/giờ lại bỏ về” - chị Hằng nhớ lại.

Điểm nhấn trong chương trình giáo dục chị Hằng xây dựng là mentor (hay còn gọi cố vấn, tư vấn, hướng nghiệp) 1:1 với học sinh. Theo đó, học sinh gặp vấn đề về tâm lý tuổi dậy thì, áp lực học hành, bố mẹ ít quan tâm hoặc trầm cảm… gia đình có nhu cầu tìm chuyên gia, người tư vấn, nhóm chị sẽ tìm mọi cách gặp bạn bè, thầy cô, gia đình và trò chuyện với chính bạn học sinh đó để ghi nhận thói quen, sở thích, thay đổi tâm sinh lý. Những thông tin từ học viên sẽ được chắt lọc, chuyển đến cho các mentor - cũng là tình nguyện viên trên rất nhiều lĩnh vực. Trên cơ sở nắm bắt thông tin cơ bản của học sinh, mentor sẽ trò chuyện, định hướng, giúp các bạn vượt qua vấn đề gặp phải. Học sinh có thể gọi điện thoại, nhắn tin với mentor khi cần tư vấn về một vấn đề nào đó hoặc đơn giản là trò chuyện.

Biết chị Hằng là người học giỏi tiếng Anh và là giáo viên ở thành phố mới về, một số phụ huynh trong xóm đến nhờ chị dạy học cho con. Người này giới thiệu người khác, số lượng học sinh ngày càng nhiều. Không chỉ có nhu cầu học tiếng Anh, các bạn còn muốn học Toán, tiếng Việt, kỹ năng sống. Một mình dạy không xuể, chị Hằng lên mạng kết nối với các tình nguyện viên trong và ngoài nước. Lúc đầu vài người, sau đó lên 4 người, 6 người và hiện tại đã lên đến 8 tình nguyện viên trực tiếp và  khoảng 35 cố vấn online trong và ngoài nước. Các môn học ưu tiên là: tiếng Anh kỹ năng sống, làm vườn, làm thủ công, một số môn năng khiếu.

Chị Hằng cho biết, nhiều năm nay, chị vẫn duy trì dạy miễn phí cho các em học sinh trong vùng. Tuy nhiên, gần đây, số lượng học sinh nhiều lên, một số phụ huynh có điều kiện kinh tế, có nhu cầu gửi con bán trú ngày thứ bảy đã hỗ trợ một phần chi phí để các cô mua thực phẩm nấu ăn trưa, mua nước uống và một số dụng cụ phục vụ sinh hoạt cho các con. Riêng các tình nguyện viên dạy học không lấy phí, chị hỗ trợ chỗ ăn, ngủ và một chút sinh hoạt phí từ hoạt động kinh doanh du lịch, quán cà phê, làm sản phẩm handmade bán cho khách du lịch.

* Nhiều người bạn đáng quý

2 năm trở lại đây, dịch bệnh khiến việc dạy học và kinh doanh du lịch bị gián đoạn. Để duy trì hoạt động, nhóm chị Hằng chuyển sang dạy học online, làm đồ thủ công và dành thời gian nghiên cứu, phát triển các ý tưởng kinh doanh du lịch. “Cũng may mình không phải trả lương nhân viên mà chỉ hỗ trợ tình nguyện viên ăn, ở. Đa phần các tình nguyện viên đều tốt nghiệp đại học trở lên, đã từng đi làm, điều kiện kinh tế gia đình ổn nên không quá áp lực. Ngoài ra, anh chị em của mình cũng hỗ trợ một phần khi gặp khó khăn” - chị Hằng nói.

Lớp học của chị Lê Thị Hằng tại xã Núi Tượng (H.Tân Phú) là chương trình cộng đồng hoàn toàn miễn phí dành cho con em địa phương. Do nhu cầu tăng cao, mới đây chị Hằng mở thêm các lớp dạy tiếng Anh và tư vấn tâm lý trực tuyến; lớp bán trú cuối tuần dành cho các em nhỏ.

Cũng theo chị Hằng, điều chị trân trọng và duy trì lớp học miễn phí là nhờ có các bạn tình nguyện viên khắp cả nước đồng hành. Đó là tình nguyện viên Loan Trần, tốt nghiệp thạc sĩ kinh doanh quốc tế tại Anh phụ trách chương trình Mentoring và vẽ; là tình nguyện viên Thu Huyền tốt nghiệp Học viện Báo chí và tuyên truyền dạy kỹ năng xã hội hay tình nguyện viên Thùy Dung tốt nghiệp Trường đại học Ngoại thương Hà Nội với IELTS 8.5 dạy tiếng Anh… Ngoài công việc dạy học, các tình nguyện viên còn tham gia dẫn tour, nấu ăn, pha chế đồ uống phục vụ khách du lịch.

Chị Loan Trần, tình nguyện viên phụ trách chương trình Mentoring cho biết, chị từng có công việc ổn định tại TP.HCM nhưng xin nghỉ để về với lớp học cộng đồng Núi Tượng. Gần 1 năm hoạt động tại đây, chị đã dạy vẽ và hỗ trợ tìm người cố vấn cho các em học sinh, tham gia dẫn tour cho khách. “Không nhất thiết làm ra nhiều tiền, ăn ngon, mặc đẹp mới hạnh phúc. Cuộc sống biết vui là sẽ vui, biết đủ là sẽ đủ. Mình còn độc thân, gia đình cũng ủng hộ nên rất vui khi trở thành tình nguyện viên” - chị Loan Trần chia sẻ.

Lớp học tiếng Anh của chị Lê Thị Hằng tại xã Núi Tượng (H.Tân Phú)
Lớp học tiếng Anh của chị Lê Thị Hằng tại xã Núi Tượng (H.Tân Phú)

Để duy trì các hoạt động của công ty cũng như lớp học, chị Hằng đầu tư Village Stay sát bên sông Đồng Nai. Ngoài ra, chị đang xây dựng một nhà nghỉ phục vụ du khách nghỉ dưỡng và các sự kiện quy mô nhỏ. Khách đến Village Stay nghỉ sẽ được phục vụ ăn uống 3 bữa/ngày, giá phòng 750 ngàn đồng người/ngày. Ngoài ra, du khách có nhu cầu sẽ được tình nguyện viên đưa đến các điểm du lịch như: Vườn quốc gia Cát Tiên, làng du lịch cộng đồng Tà Lài, Thiền viện Pháp Sơn, mô hình vườn rừng ca cao bền vững Stone Hill… Du khách có thể đăng ký đi theo tour do nhóm cộng đồng thiết lập hoặc tự thiết kế tour có sự hỗ trợ của tình nguyện viên.

Theo chị Hằng, tương lai chị sẽ đẩy mạnh hoạt động du lịch kết hợp giáo dục cộng cộng. Khi hoạt động dạy học và kinh doanh du lịch ổn định lại, chị sẽ trao quyền quản lý lại cho các tình nguyện viên ở dài hạn và những học sinh trưởng thành để dành thời gian cho bản thân, gia đình… Chị dự định sẽ đi du học một thời gian, tham gia một vài khóa học về giáo dục và trải nghiệm thế giới.               

Hoàng Lộc

Tin xem nhiều