Báo Đồng Nai điện tử
En

Thợ trẻ và khát vọng vươn lên

11:05, 14/05/2022

Tối 15-5, tại Trung tâm Hội nghị và tổ chức sự kiện tỉnh sẽ diễn ra lễ tuyên dương 41 người thợ trẻ giỏi toàn quốc lần thứ XIII-2022. Đây là phần thưởng cao quý của Trung ương Đoàn TNCSHCM nhằm khen thưởng, động viên, tôn vinh những đoàn viên, thanh thiếu niên ...

Tối 15-5, tại Trung tâm Hội nghị và tổ chức sự kiện tỉnh sẽ diễn ra lễ tuyên dương 41 người thợ trẻ giỏi toàn quốc lần thứ XIII-2022. Đây là phần thưởng cao quý của Trung ương Đoàn TNCSHCM nhằm khen thưởng, động viên, tôn vinh những đoàn viên, thanh thiếu niên đang trực tiếp lao động, sản xuất tại doanh nghiệp, đơn vị thuộc các thành phần kinh tế; học viên tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có thành tích xuất sắc trong học tập, rèn luyện.

Đoàn viên thanh niên tham gia Ngày hội tuổi trẻ sáng tạo tỉnh Đồng Nai - một trong những hoạt động lan tỏa tinh thần sáng tạo trong đoàn viên thanh niên. Ảnh: N.Sơn
Đoàn viên thanh niên tham gia Ngày hội tuổi trẻ sáng tạo tỉnh Đồng Nai - một trong những hoạt động lan tỏa tinh thần sáng tạo trong đoàn viên thanh niên. Ảnh: N.Sơn

Tuy đến từ những vùng miền khác nhau, theo đuổi ngành nghề khác nhau nhưng điểm chung của những người thợ trẻ giỏi là luôn tích cực học tập nâng cao tay nghề, chuyên môn, nghiệp vụ; đóng góp nhiều ý tưởng, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật làm lợi cho cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp… góp phần vào sự phát triển của đất nước.

Không ngừng tìm tòi, học hỏi

Với mong muốn góp sức tạo dựng nên thương hiệu cao su quê hương Chư Prông, chị Rơ Lan H’Anh (công nhân Đội 16, Nông trường Suối Mơ, Công ty TNHH MTV Cao su Chư Prông, tỉnh Gia Lai) đã nỗ lực tìm tòi, học hỏi, rèn luyện, trở thành một trong những “bàn tay vàng” trong ngành cao su.

Chị Rơ Lan H’Anh cho biết, mẹ chị làm công nhân cạo mủ cao su nên từ nhỏ chị thường theo mẹ ra lô cao su cạo mủ. Tuổi thơ của chị gắn liền với những hàng cây cao su dài thẳng tắp. Khoảng năm 2015, mẹ chị yếu không thể tiếp tục công việc nên chị đã xin vào làm công nhân cạo mủ thay mẹ.

Theo chia sẻ của chị Rơ Lan H’Anh, thời gian đầu chưa quen với công việc, tay nghề còn yếu, chị gặp không ít khó khăn. Nhưng với mục tiêu “giỏi lý thuyết, vững thực hành”, chị Rơ Lan H’Anh tự động viên mình nỗ lực vượt qua khó khăn, gắn bó với công việc đã chọn. May mắn, chị được các cô, chú, anh, chị đi trước chỉ bảo tận tình nên mọi khó khăn dần ở lại phía sau.

Bên cạnh việc hoàn thành tốt nhiệm vụ chăm sóc và khai thác mủ cao su, chị Rơ Lan H’Anh luôn phấn đấu rèn luyện để nâng cao tay nghề bằng việc chú ý quan sát bộ phận kỹ thuật của công ty hướng dẫn, học hỏi từ những đồng nghiệp giàu kinh nghiệm, bản thân tự rèn luyện và rút kinh nghiệm… Nhờ vậy, tại hội thi Bàn tay vàng thu hoạch mủ cao su lần thứ XII-2020 của Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam, chị Rơ Lan H’Anh đã đoạt 3 giải gồm: Bàn tay vàng cấp ngành, Tài năng trẻ và Công nhân đồng bào dân tộc thiểu số có điểm tuyệt đối (100/100).

Đoàn viên thanh niên tham gia ngày hội tuổi trẻ sáng tạo tỉnh Đồng Nai - một trong những hoạt động lan tỏa tinh thần sáng tạo trong đoàn viên thanh niên
Đoàn viên thanh niên tham gia ngày hội tuổi trẻ sáng tạo tỉnh Đồng Nai - một trong những hoạt động lan tỏa tinh thần sáng tạo trong đoàn viên thanh niên. Ảnh:Nga Sơn

Sinh ra trên mảnh đất Hà Tĩnh nhưng sau khi tốt nghiệp Trường đại học Công nghiệp Quảng Ninh, anh Lương Văn Thuyết lại chọn Công ty Than Mạo Khê - TKV, tỉnh Quảng Ninh (thuộc Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam) làm bến đỗ cho sự nghiệp.

Anh Thuyết cho biết, mặc dù tốt nghiệp đại học nhưng vào công ty, anh có 3 năm đầu làm việc trực tiếp dưới hầm mỏ. Nghề mỏ là nghề đặc thù, nặng nhọc, vất vả, đòi hỏi thể lực, sức chịu đựng tốt, bởi môi trường làm việc dưới mỏ chật hẹp, thiếu dưỡng khí, ánh sáng, thậm chí là luôn phải đối diện với những nguy hiểm. Nhưng với nhiệm vụ “đánh thức” nguồn tài nguyên phục vụ cho công cuộc phát triển đất nước, cá nhân anh Thuyết đã không ngừng nỗ lực vượt lên chính mình, tìm tòi nghiên cứu, học hỏi từ đồng nghiệp, tham gia sản xuất an toàn, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm sau khi khai thác.

Sau 3 năm làm việc trực tiếp dưới mỏ, từ năm 2016 đến nay, anh Thuyết chuyển lên làm kỹ thuật viên công trường với nhiệm vụ theo dõi tiến độ công việc tại công trường, tham mưu về vật tư, kiểm tra chất lượng sản phẩm…

Sau 2 năm làm kỹ sư dự án cho một số doanh nghiệp tư nhân, năm 2016, anh Nguyễn Văn Quang đầu quân làm kỹ sư cơ khí ở Xưởng cơ khí, Công ty CP Phân bón dầu khí Cà Mau với nhiệm vụ chính là bảo dưỡng, sửa chữa các thiết bị động (tất cả các máy móc, thiết bị có thể quay) của nhà máy.

Anh Quang chia sẻ, yêu cầu của công việc bảo dưỡng, sửa chữa là nhanh chóng khắc phục những hỏng hóc của máy móc, thiết bị, đảm bảo quá trình sản xuất được thông suốt. Vì vậy, ngay từ đầu, anh Quang xác định phải không ngừng tìm tòi, học hỏi. Anh tìm hiểu cấu tạo, nguyên lý vận hành, những lỗi hỏng thường gặp của máy móc, trang thiết bị và đọc tài liệu liên quan. Sau 1 năm kiên trì, anh đã hiểu và giải quyết nhanh chóng các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Làm lợi cho doanh nghiệp bằng những sáng kiến, cải tiến kỹ thuật

Tích cực tìm tòi, học hỏi không chỉ giúp người thợ trẻ bắt nhịp và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao mà từ đây, nhiều ý tưởng, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật đã ra đời.

Anh Nguyễn Hồ Tấn (bìa trái), Tổ trưởng Tổ vận tải, Nông trường Cao su Long Thành đang giới thiệu về dàn máy 4 trong 1. Ảnh: N.Sơn
Anh Nguyễn Hồ Tấn (bìa trái), Tổ trưởng Tổ vận tải, Nông trường Cao su Long Thành đang giới thiệu về dàn máy 4 trong 1. Ảnh: N.Sơn

Gần 6 năm làm việc tại công ty, anh Quang đã có rất nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, góp phần nâng cao hiệu quả công việc, làm lợi cho doanh nghiệp ở nhiều mặt như: cải thiện môi trường làm việc của nhà máy, tiết kiệm chi phí, đảm bảo an toàn trong quá trình vận hành… Trong đó, từ cuối năm 2019 đến cuối năm 2020, anh Quang đã nghiên cứu và đưa ra giải pháp Giảm tiêu dầu và hư hỏng các lá van một chiều máy nén K06102AB giúp máy nén giảm tiêu hao dầu từ 4 lít/ngày xuống còn 0,36 lít/ngày và không còn tình trạng các lá van một chiều các cấp bị gãy… Từ tháng 11-2019 đến nay, đã làm lợi cho doanh nghiệp gần 3,5 tỷ đồng.

Cũng trong năm 2020, anh Quang đã cho ra đời sáng kiến Thiết kế, gia công rootvalve cho bơm dầu U29205A/P1A giúp chủ động vật tư lắp đặt, giảm chi phí và thời gian mua vật tư chính hãng từ nước ngoài, tăng tuổi thọ của máy móc, trang thiết bị… Chỉ tính riêng trong năm 2021, anh đã có 10 sáng kiến và hợp lý hóa sản xuất (đang chờ quyết định công nhận).

Trong quá trình chuẩn bị tổ chức giải thưởng Người thợ trẻ giỏi toàn quốc lần thứ XIII-2022, Ban tổ chức đã nhận được 108 hồ sơ đề cử giải thưởng Người thợ trẻ giỏi của các tỉnh, thành đoàn và đoàn trực thuộc. Căn cứ Quy chế giải thưởng Người thợ trẻ giỏi toàn quốc hiện hành, Ban Bí thư Trung ương Đoàn tổ chức bình chọn và quyết định trao tặng danh hiệu Người thợ trẻ giỏi toàn quốc năm 2022 cho 41 cá nhân tiêu biểu. Trong đó, Đồng Nai có 2 đại biểu gồm: Nguyễn Thanh Quân, Phó giám đốc Nông trường Cao su Long Thành và Nguyễn Hồ Tấn, Tổ trưởng vận tải, Nông trường Cao su Long Thành (tại xã Long Đức, H.Long Thành).

Với 8 sáng kiến, giải pháp kỹ thuật được công nhận từ năm 2015 đến nay, anh Huỳnh Ngọc Hoàng, cán bộ kỹ thuật Đội Quản lý lưới điện, Công ty Điện lực Hóc Môn (thuộc Tổng công ty Điện lực TP.HCM) đã làm lợi cho doanh nghiệp hơn 14 tỷ đồng và tiết kiệm hàng ngàn giờ lao động mỗi năm cho công ty. Trong đó, nổi bật là sáng kiến Cải tiến bộ thanh đồng bản tại vị trí cáp vào tủ điện tổng dùng cho trạm biến thế đo đếm hạ thế áp dụng trong công tác sản xuất, kinh doanh tại đơn vị. Sáng kiến được công nhận năm 2021 góp phần làm lợi cho doanh nghiệp 7,2 tỷ đồng/năm.

Không được đào tạo bài bản, chỉ với niềm đam mê máy móc và tinh thần ham học hỏi mà anh Nguyễn Hồ Tấn từ một nhân viên bảo vệ Nông trường Cao su Long Thành đã vươn lên làm Tổ trưởng Tổ vận tải Nông trường Cao su Long Thành. Đặc biệt, gần 8 năm với vai trò Tổ trưởng Tổ vận tải, anh Nguyễn Hồ Tấn đã có nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của đơn vị. Trong đó có thể kể đến là dàn máy 4 trong 1 phục vụ chăm sóc cây cao su.

Theo chia sẻ của anh Hồ Tấn, vườn cao su sau khi trồng mới sẽ được trồng đậu kudzu để giữ độ ẩm, tăng độ phì nhiêu cho đất. Tuy nhiên, nếu trồng bằng phương pháp thủ công, mỗi lao động chỉ trồng được khoảng 3ha/ngày và số tiền phải trả cho một ngày trồng đậu là 150 ngàn đồng/người/ha.

Từ thực tế đó, anh Tấn đã cùng với đồng nghiệp nghiên cứu và tạo ra dàn máy 4 trong 1 vừa vun luống, trồng đậu, bón phân, làm cỏ từ dàn cày đã cũ gắn thêm phễu và mô tơ thủy lực. Với dàn máy 4 trong 1, một tài xế điều khiển máy có thể trồng 15ha/ngày với chi phí gần 94 ngàn đồng/ha. Dàn máy 4 trong 1 còn giúp tiết kiệm các chi phí liên quan đến bón phân, làm cỏ. Ngoài dàn máy 4 trong 1, anh Tấn còn chế tạo các dàn máy cào cành cây, cào cỏ, dàn bừa cỏ đường băng… giúp việc chăm sóc cây cao su dễ dàng và hiệu quả hơn.

Bên cạnh những người thợ trẻ làm việc trong các doanh nghiệp, tham gia giải thưởng Người thợ trẻ giỏi lần này còn có sự góp mặt của các đại biểu là cán bộ, chiến sĩ đang công tác tại các đơn vị quân đội.

10 năm nhận nhiệm vụ tại Lữ đoàn Pháo binh 96 (Binh chủng Pháo binh, đóng tại H.Long Thành), đại úy Võ Đông Giang, Trợ lý quân khí Phòng Kỹ thuật không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ huấn luyện mà còn tích cực tham gia đề xuất những sáng kiến nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả huấn luyện tại đơn vị. Đáng chú ý, trong năm 2020, anh đã làm chủ nhiệm sáng kiến Bể tẩy rửa chi tiết bằng sóng siêu âm.

Đại úy Giang cho biết, công việc bảo quản, bảo dưỡng các chi tiết, cụm chi tiết trang thiết bị vũ khí phải sử dụng khá nhiều người. Những chi tiết dính dầu mỡ, gỉ sét phải mất nhiều thời gian. Việc sử dụng xăng, dầu DO để tẩy rửa làm sạch dễ gây cháy nổ, mất an toàn, tốn kém chi phí… Từ đó, anh đã nghiên cứu cho ra đời Bể tẩy rửa chi tiết bằng sóng âm giúp tiết kiệm 80-90% thời gian, giảm sức lao động và đặc biệt là việc làm sạch các chi tiết, cụm chi tiết đạt hiệu quả cao hơn, góp phần bảo dưỡng, bảo đảm trang bị kỹ thuật tốt, bền, an toàn.     

Nga Sơn


Đại biểu NGUYỄN KHẮC THU HƯƠNG, nhân viên nhóm R&D, Xí nghiệp in bao bì giấy Liksin (thuộc Tổng công ty Công nghiệp in - bao bì Liksin TNHH MTV, TP.HCM):

Phấn đấu vươn lên khẳng định mình trong nghề nghiệp

Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi về làm việc tại Xí nghiệp in bao bì giấy Liksin cho đến nay. Nhớ lại những ngày đầu về làm việc tại công ty, ngoài hành trang kiến thức được học tại trường, tôi chưa có kinh nghiệm thực tiễn. Vì vậy, thời gian đầu, tôi gặp không ít khó khăn.

Với phương châm, muốn làm việc lớn trước hết cần phải hoàn thành thật tốt những việc nhỏ, tôi không ngừng cố gắng, đi theo học hỏi từ các anh chị đồng nghiệp, ứng dụng kiến thức đã học vào thực tiễn công việc, từng bước đúc kết thành kinh nghiệm của riêng mình và phát huy nó trong quá trình lao động, cống hiến.

Với nỗ lực của bản thân, sự hỗ trợ, giúp đỡ của đồng nghiệp, tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và đặc biệt, 5 năm gắn bó với xí nghiệp, tôi được Tổng công ty Công nghiệp in - bao bì Liksin TNHH MTV ghi nhận là quản lý chất lượng giỏi… Từ kinh nghiệm của bản thân, tôi cho rằng mỗi người trẻ cần mạnh dạn đương đầu với những khó khăn, thử thách; phấn đấu vươn lên để khẳng định mình trong nghề nghiệp, xứng đáng là những chủ nhân của đất nước trong thời kỳ mới.

Đại biểu QUÁCH ĐÌNH THÀNH, công nhân Xí nghiệp NPK Hải Dương thuộc Công ty CP Supe phốt phát và hóa chất Lâm Thao (tỉnh Phú Thọ):

Gắn hoạt động Đoàn với nhiệm vục huyên môn

Sáng tạo là phẩm chất đặc trưng của thanh niên nhưng thực tiễn cho thấy, thanh niên vẫn gặp nhiều khó khăn trong quá trình sáng tạo. Trong đó, ngoài khó khăn mang tính chủ quan còn có những khó khăn mang tính khách quan như: chưa có được môi trường phát triển các ý tưởng, sáng kiến; thiếu cơ chế hỗ trợ, nhất là hỗ trợ về mặt tài chính để phát huy ý tưởng, sáng kiến; ở một số đơn vị, những quy định chung và riêng đã kìm hãm phong trào sáng tạo phát triển; các thủ tục xét duyệt sáng kiến rườm rà, gây khó khăn cho tác giả…

Trước những khó khăn nêu trên, tôi cho rằng, Đoàn cần phát huy hơn nữa vai trò đồng hành, tạo môi trường để thanh niên sáng tạo. Theo đó, tổ chức Đoàn trong các doanh nghiệp cần thay đổi nội dung và hình thức hoạt động cho phù hợp với nhu cầu của thanh niên và thực tế tại doanh nghiệp. Nên chăng mỗi quý một lần, cơ sở Đoàn trong doanh nghiệp nên đưa ra một chủ đề sinh hoạt gắn với thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, các đoàn viên tham gia đóng góp ý kiến, qua đó thúc đẩy tinh thần tự học, tự tìm tòi, sáng tạo của mỗi đoàn viên. Đồng thời, hoạt động Đoàn gắn với chuyên môn góp phần làm lợi cho doanh nghiệp cũng là cách để chủ doanh nghiệp quan tâm hơn đến hoạt động Đoàn.

Đại biểu NGUYỄN THÀNH BẮC, nhân viên Bưu điện Văn hóa P.Phù Khê, TP.Từ Sơn (tỉnh Bắc Ninh):

Triển khai sâu rộng phong trào tuổi trẻ sáng tạo

Phong trào tuổi trẻ sáng tạo là phong trào lớn được các cấp bộ Đoàn triển khai sâu rộng trong đoàn viên thanh niên. Trong đó, Trung ương Đoàn đã tổ chức nhiều sân chơi sáng tạo cho đoàn viên thanh niên trong toàn quốc; ra mắt cổng thông tin Ngân hàng ý tưởng sáng tạo thanh niên Việt Nam để tổng hợp tất cả các ý tưởng sáng tạo của đoàn viên thanh niên.

Tổ chức Đoàn ở các địa phương cũng tổ chức các hoạt động thúc đẩy đoàn viên thanh niên sáng tạo; phát động đoàn viên thanh niên tích cực tham gia cuộc vận động mỗi đoàn viên một ý tưởng sáng tạo… Tuy nhiên, tôi có cảm nhận phong trào chưa đến được với tất cả các đối tượng đoàn viên thanh niên, nhất là đoàn viên thanh niên ở khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa…

Theo tôi, để tinh thần sáng tạo lan tỏa rộng khắp trong đoàn viên thanh niên, tổ chức Đoàn cần có giải pháp phù hợp để mỗi đoàn viên thanh niên nhận thấy lợi ích của việc tham gia sáng tạo. Đồng thời, tổ chức Đoàn cần đẩy mạnh hơn nữa việc kết nối để đưa các ý tưởng, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật vào thực tiễn; có chế độ động viên, khen thưởng kịp thời đối với các cá nhân tích cực, để từ đó tạo động lực để đoàn viên thanh niên tiếp tục sáng tạo.    

Cẩm Tú (ghi)


 

Tin xem nhiều